15 năm qua ĐHQG-HCM đã phát triển không ngừng nhưng đó không phải là một quá trình suôn sẻ và thuận lợi. PGS.TS Trần Chí Đáo, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Giám đốc đầu tiên của ĐHQG-HCM kể lại những thách thức, khó khăn mà ĐHQG-HCM đã phải đối mặt và vượt qua, nhất là trong việc tìm kiếm, chứng minh và khẳng định một mô hình đại học hoàn toàn mới mẻ trong những ngày đầu thành lập…
* Xin Giáo sư cho biết vì sao Việt Nam phải xây dựng mô hình ĐHQG?
- Sau Đại hội VI, thực trạng giáo dục Việt Nam quá tụt hậu so với các nước trên thế giới đã đặt ra nhu cầu phải đổi mới. Chính phủ lập ra Tổ nghiên cứu đại học và xác định một trong những nhược điểm của đại học nước ta là đào tạo đơn lĩnh vực, khép kín, không có sự liên thông giữa đại học này với đại học kia. Trung ương nhận thấy cần phải có những trung tâm đại học lớn, đào tạo chất lượng cao và đưa chủ trương đó vào nghị quyết Đại hội VII.
Chính phủ giao cho chúng tôi nhiệm vụ nghiên cứu thực trạng giáo dục đại học ở Việt Nam, tham khảo các mô hình đại học tiên tiến trên thế giới như: Mỹ, Đức, Nhật, Úc… và xây dựng đề án tổ chức lại đại học. Theo đó, một mô hình đại học là trung tâm đào tạo, nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực với cơ chế tự chủ theo mô hình các đại học Mỹ được đề xuất, gồm 4 lĩnh vực phổ quát: khoa học cơ bản, khoa học xã hội - nhân văn, khoa học kinh tế và công nghệ. Các lĩnh vực này liên quan chặt chẽ với nhau. Và sự ra đời của các ĐHQG với tính chất đa lĩnh vực như một tổ chức hữu cơ chính là để thực hiện mục tiêu liên thông các lĩnh vực trên. Đề án đổi mới đại học được dư luận quan tâm, ủng hộ.
Cuối cùng, đề án tổ chức lại giáo dục đại học được thông qua. Chính phủ quyết định thành lập hai ĐHQG và ba đại học vùng: Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng bên cạnh hai đại học vùng đã có sẵn là Đại học Cần Thơ và Đại học Tây Nguyên.
* Một mô hình giáo dục quá mới mẻ chắc hẳn gặp nhiều trở ngại trong quá trình hình thành. Là thành viên nhóm nghiên cứu, xây dựng đề án và là Giám đốc đầu tiên của ĐHQG-HCM, Giáo sư đã gặp những khó khăn gì?
- Trong quá trình thành lập hai ĐHQG, vì hoàn cảnh gia đình nên tôi cũng không trực tiếp tham gia. Sau đó, tôi nhận ra các ĐHQG được lập ra không đúng lắm với mô hình: ĐHQG Hà Nội thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường Đại học Tổng hợp, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm đều là các trường khoa học cơ bản, không có công nghệ, không có kinh tế; ĐHQG-HCM thì cơ cấu quá lớn với 10 trường thành viên nên bị trùng lắp, nhất là về lĩnh vực khoa học cơ bản.
ĐHQG-HCM được thành lập từ 27/1/1995 nhưng mãi đến 18/12/1995 Chính phủ mới có quyết định bổ nhiệm Giám đốc và các Phó giám đốc và đến tháng 2/1996 mới có quyết định về cơ chế hoạt động. Bản thân tôi cũng bất ngờ khi được Chính phủ phân công làm Thứ trưởng Bộ GD&ĐT kiêm nhiệm Giám đốc ĐHQG-HCM. Công việc ở Bộ rất nhiều mà hiện trạng tại ĐHQG-HCM lại quá ngổn ngang, nhân sự và tài chính đều rất khó khăn. Tôi đã thuyết phục Ngân hàng Thế giới cấp một khoản kinh phí dành cho hai ĐHQG và đã được Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý, nhưng rồi không hiểu sao khi về Việt Nam thì lại chia đều và ĐHQG chỉ được một phần như các trường khác. Có thể thấy, trở ngại lớn nhất là ngay từ đầu, không phải ai cũng thực sự hiểu và đồng thuận với mô hình đại học đa lĩnh vực theo cơ chế tự chủ như đề án. Nhiều ý kiến còn đề nghị xem xét lại có cần thiết phải thành lập các ĐHQG hay không. Nhưng một điều may mắn và cũng là điều tôi hài lòng nhất trong thời gian tại chức chính là ĐHQG có một tập thể rất đồng tâm, cùng nhau tìm hiểu mô hình để xây dựng và điều chỉnh, cùng đấu tranh bảo vệ nhau. Nhờ vậy, ĐHQG mới tồn tại và phát triển được.
* Thưa Giáo sư, có phải mô hình ĐHQG-HCM ban đầu quá lớn lại thiếu thốn về nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính cũng như cơ chế hoạt động nên không duy trì được lâu mà phải thay bằng mô hình như hiện tại?
- Đúng. Như tôi đã nói ở trên thì mô hình ĐHQG-HCM ngay từ đầu đã không ổn, quá lớn lại trùng lắp lĩnh vực, không thể cứ giữ nguyên mãi được. Tại cuộc họp Chính phủ năm 2001 do Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì cùng sự tham dự của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi đề xuất tổ chức lại ĐHQG-HCM gồm năm trường thành viên: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Luật, Trường Đại học Nông Lâm. Tôi đề nghị giữ lại Trường Đại học Luật vì đội ngũ Trường Luật khi ấy quá mỏng, chỉ mới có 2 tiến sĩ; giữ lại Trường Đại học Nông Lâm vì lĩnh vực công nghệ sinh học liên quan nhiều tới Nông Lâm. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất ủng hộ đề nghị này. Nhưng cuối cùng, ĐHQG-HCM cũng không giữ được mô hình đó vì Trường Đại học Luật và Trường Đại học Nông Lâm xin tách ra.
Quan điểm của tôi là ĐHQG-HCM không nên có quá ít trường thành viên vì như thế sẽ khó đầu tư đặc biệt. Nếu ĐHQG quy mô nhỏ mà đầu tư ngân sách lớn, lại hưởng cơ chế tự chủ thì các trường đại học khác sẽ có ý kiến. Cứ phải duy trì 4-5 trường rồi từng bước mở rộng ra. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán đồng vì quan niệm ĐHQG là đại học chất lượng cao thì không thể đào tạo với số lượng nhiều được. Tôi cho rằng với thực trạng đất nước ta hiện tại, phải chấp nhận chất lượng đào tạo của ĐHQG cũng có sự phân tầng: nhóm này đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhóm kia đáp ứng cho những đòi hỏi có tính chuyên sâu. Và sự phân tầng này cho phép chúng ta, trong xây dựng chiến lược, sẽ tập trung đầu tư cơ sở thí nghiệm, đội ngũ cán bộ giảng dạy tốt nhất cho lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu thế mạnh, chất lượng cao của mình.
* Như vậy quá trình phát triển của ĐHQG-HCM có sự thay đổi về tư duy: từ chiến lược (tạm gọi là) sáp nhập ở giai đoạn 1995-2001 đến chiến lược thành lập mới ở giai đoạn sau 2001?
- Nói một cách chính xác thì không phải thành lập mới mà là điều chỉnh, sắp xếp, tổ chức lại. Từ 1995 đến 2001 là giai đoạn chỉ để bảo vệ và xây dựng mô hình, trong đó tìm những lý luận và thực tiễn để chứng minh mô hình ĐHQG là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học hiện đại. Sau 2001 mới tập trung xây dựng với ba mũi đột phá về chuyên môn, về xây dựng cơ bản và về tổ chức đội ngũ, nhưng chủ yếu là xây dựng cơ bản. Đến nay, ĐHQG-HCM đã bắt đầu đi sâu và tập trung phát triển đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều thành tựu khởi sắc, khẳng định một bước tiến lớn về chất lượng.
* Giáo sư có cho rằng những trở ngại đã được khắc phục về cơ bản?
- Hiện nay, ĐHQG-HCM phát triển khá ổn định nhưng vẫn còn bị “soi” nhiều lắm, ví dụ như chuyện ĐHQG là trung tâm đào tạo chất lượng cao mà vẫn còn duy trì hệ đào tạo từ xa, hệ vừa làm vừa học... Đúng là tình hình hiện nay chưa thể bỏ ngay các hệ đào tạo này nhưng về lâu dài thì không thể duy trì mãi được. Năm 2001, trong Hội nghị chiến lược đầu tiên, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: Giữ được ĐHQG trong giai đoạn đầu đã là một thành công rất lớn, nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều, nhất là trong giai đoạn phát triển.
* ĐHQG-HCM đã trải qua 15 năm xây dựng và phát triển. Là một trong những người đầu tiên gắn bó với ĐHQG, Giáo sư có lời nhắn gửi gì đến thầy và trò ĐHQG-HCM?
- Tự đáy lòng tôi luôn mong muốn làm sao để cho dân mình no ấm, đỡ nghèo khổ. Để làm được điều đó thì chỉ có phát triển giáo dục, nâng cao dân trí và như thế, phải đổi mới giáo dục mà cụ thể là giáo dục đại học. Vì nói cho cùng, muốn no ấm, hết nghèo, người dân phải có nghề trong tay, phải học trường nghề, cao đẳng, đại học. Như vậy phải có một hệ thống giáo dục đại học thật tốt. Sở dĩ tôi “sống chết” bao năm với mô hình ĐHQG cũng chính là từ nguyện vọng phải đổi mới được hệ thống giáo dục đại học nước nhà.
ĐHQG-HCM ngày càng có vai trò và tiếng nói ảnh hưởng đến những quyết sách chiến lược của TP.HCM và các vùng phụ cận, thể hiện bằng những thành tựu trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tôi cho rằng triển vọng của ĐHQG-HCM là rất tốt. Cải cách giáo dục đại học chính là phải xuất phát từ các ĐHQG.
DUY PHÚC - NGUYỄN HÀ thực hiện
(Theo Kỷ yếu ĐHQG-HCM: 15 năm xây dựng và Phát triển)
Hãy là người bình luận đầu tiên