Tin tổng hợp

Một số vấn đề về tài chính trong tự chủ đại học

  • 08/11/2021
  • Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) xác định sứ mạng tiên phong trong đổi mới cơ chế quản lý theo mô hình tự chủ đại học. Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030 cũng xác định 3 giải pháp đột phá trong đó có nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản trị đại học mà trọng tâm là nghiên cứu triển khai mô hình tự chủ đại học. Đâu là các thách thức trong quá trình triển khai tự chủ đại học? Và làm thế nào để tự chủ đại học thực sự phát huy hiệu quả, giải phóng hết các nguồn năng lượng, thúc đẩy Giáo dục đại học (GD-ĐH) phát triển? Website ĐHQG-HCM đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Vũ Hải Quân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM để hiểu rõ hơn về các vấn đề này. Xin trân trọng chia sẻ cùng độc giả.

    PGS.TS Vũ Hải Quân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM.

    * Kính thưa PGS.TS Vũ Hải Quân, thời gian qua, GD-ĐH nói chung và ĐHQG-HCM nói riêng đã có những đóng góp như thế nào đối với sự phát triển của đất nước?

    - PGS.TS Vũ Hải Quân: Thập niên 1990 chứng kiến những thành tựu bước đầu quan trọng của công cuộc đổi mới đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn đầu những năm 1990 luôn ở mức cao, trung bình 7,3% mỗi năm. Đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng ấy là lợi thế nhân lực lao động trẻ, có kỹ năng vững vàng. Nếu tính trung bình thì cả giai đoạn 1990-2018, mỗi năm nước ta có thêm khoảng 900.000 lao động mới. Đi cùng tăng trưởng kinh tế là nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao ngày càng tăng. Điều này thúc đẩy nhanh quá trình mở rộng hệ thống GD-ĐH. Số lượng các trường đại học và cao đẳng tăng từ 178 lên 445, tương ứng với số sinh viên tăng từ gần 900.000 lên hơn 2,1 triệu trong vòng 15 năm, tính từ năm 2000 đến năm 2015. Xét về quy mô, so với các nước láng giềng có thu nhập trung bình cao, tỷ lệ sinh viên đại học ở Việt Nam tương đối thấp, chỉ khoảng 28,3% so với 44,1% của Malaysia và 49,3% của Thái Lan.

    Tuy nhiên, lợi thế nhân lực trẻ sau khi đạt mức cao nhất thì bắt đầu giảm đáng kể, từ 2,2% mỗi năm trong giai đoạn 1990-2010 xuống chỉ còn 1,3%/năm ở giai đoạn sau năm 2010. Điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ nước ta phải đối mặt với tình trạng “già trước khi giàu” bởi tốc độ già hoá dân số tăng nhanh trong khi thu nhập bình quân đầu người mới chỉ ở mức trung bình thấp. Do đó, vấn đề đào tạo nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng ngày càng trở nên quan trọng hơn để thúc đẩy tăng năng suất, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Hay nói cách khác, để tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới, cần phải quan tâm đến các vấn đề như chuyển đổi nền kinh tế: từ thu hút đầu tư sang thu hút chất xám, từ lợi thế nhân công giá rẻ sang lợi thế nhân lực trình độ cao, từ ưu tiên đầu tư phần cứng sang ưu tiên đầu tư phát triển con người.

    Thực tế phát triển đất nước giai đoạn vừa qua đã đặt ra yêu cầu cho GD-ĐH Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ để vừa đáp ứng nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, vừa nâng tầm vóc, vị thế lên ngang tầm khu vực và thế giới. Tại hai trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa lớn nhất của đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), hai ĐHQG lần lượt được thành lập và được giao nhiều quyền tự chủ để thực hiện sứ mạng đào tạo nhân tài, thực hiện các nghiên cứu mũi nhọn để phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, làm nòng cốt, tiên phong cho hệ thống GD-ĐH Việt Nam.

    Sau 25 năm xây dựng và phát triển, ĐHQG-HCM đã và đang hình thành một mô hình hệ thống các trường đại học hiện đại trong quản lý, tiên tiến trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, hiệu quả, thiết thực trong phục vụ cộng đồng. Khai thác triệt để quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tận dụng hiệu quả các nguồn đầu tư từ nhà nước và xã hội, ĐHQG-HCM đã thực hiện sứ mệnh tiên phong trong hệ thống GD-ĐH của Việt Nam về số lượng và chất lượng các chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế, về số lượng các công trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và phục vụ cộng đồng, về vị trí trên các bảng xếp hạng quốc tế. Theo công bố của Tổ chức xếp hạng QS, ĐHQG-HCM lần thứ 3 có tên trong top 801-1.000 đại học xuất sắc nhất thế giới, là đại học duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới ở vị trí 301-500.

    Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2020, ĐHQG-HCM đã đào tạo và cung cấp cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam hơn 60 nghìn cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ. Đây là đội ngũ trí thức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, tham gia xây dựng và phát triển đất nước.


    Tự chủ đại học tiếp tục là một định hướng chiến lược của ĐHQG-HCM

    * Như vậy có thể nói, những thành tựu, những đóng góp của ĐHQG-HCM thời gian vừa qua, ngoài sự nỗ lực chung của cả hệ thống thì tự chủ đại học cũng đã đóng vai trò quan trọng. Xin ông cho biết tại sao vấn đề tự chủ đại học tiếp tục là một định hướng chiến lược của ĐHQG-HCM trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030?

    - PGS.TS Vũ Hải Quân: Thế giới ngày hôm nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đó là vấn đề về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, là vấn đề đói nghèo và bệnh tật, là vấn đề già đi của dân số và cạn kiệt các nguồn tài nguyên, là vấn đề chủ nghĩa dân tộc và địa chính trị, là vấn đề tác động của khoa học công nghệ đến nghề nghiệp đến các chuẩn mực đạo đức xã hội. Gần đây nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 lên mọi hoạt động kinh tế, xã hội ở phạm vi toàn cầu.

    “Tự do học thuật là nhân tố quan trọng nhất để đảm bảo đại học thực sự trở thành nơi sáng tạo ra tri thức mới, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đại học phải được quyền quyết định các vấn đề học thuật như tuyển sinh, đào tạo, mở ngành mới, quyết định về phương pháp, ngôn ngữ giảng dạy, các vấn đề về đảm bảo và kiểm định chất lượng…”.
    (PGS.TS Vũ Hải Quân)

    Trong bối cảnh đó, để xây dựng và phát triển đất nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định 3 đột phá chiến lược trong đó có đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

    Để hiện thực hóa được đột phá chiến lược này thì bên cạnh việc triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương đầu tư trọng điểm của Nhà nước thì tự chủ đại học được xác định là giải pháp trọng tâm. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ rõ mối tương quan giữa tự chủ đại học và vị trí trên các bảng xếp hạng. Đại học có vị trí cao trên các bảng xếp hạng quốc tế thì có nhiều quyền tự chủ về quản trị và tổ chức bộ máy, về tài chính và về học thuật. Tự chủ về quản trị và tổ chức bộ máy sẽ giúp cho đại học chủ động tuyển dụng được những nhà khoa học, giảng viên, sinh viên xuất sắc; xây dựng và vận hành được hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động. Tự chủ về tài chính giúp đa dạng hóa nguồn thu: từ việc khai thác tài sản trí tuệ, cơ sở vật chất, đến việc chủ động hợp tác với các doanh nghiệp, hình thành và vận hành các quỹ tài trợ, chủ động quyết định các khoản chi. Tự do học thuật là nhân tố quan trọng nhất để đảm bảo đại học thực sự trở thành nơi sáng tạo ra tri thức mới, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đại học phải được quyền quyết định các vấn đề học thuật như tuyển sinh, đào tạo, mở ngành mới, quyết định về phương pháp, ngôn ngữ giảng dạy, các vấn đề về đảm bảo và kiểm định chất lượng…

    Theo đó về quản trị, tính từ đầu năm 2021 đến nay, ĐHQG-HCM đã tiến hành tái cơ cấu sắp xếp lại bộ máy, sáp nhập 3 đơn trị trực thuộc và 2 đơn vị cấp Ban để tăng hiệu quả hoạt động. Về đào tạo và nghiên cứu khoa học, ĐHQG-HCM đã xây dựng chiến lược đào tạo 3 ngành trọng điểm: trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học - y sinh và khoa học vật liệu tiên tiến, đồng thời đang hoàn thiện thủ tục thành lập Trung tâm nghiên cứu dịch bệnh để có thể chủ động về thuốc, vắc-xin, đối phó với các biến thể của vi-rút trong tương lai.

    Ở một góc độ khác, tự chủ đại học phải đi cùng với trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm giải trình của trường đại học thể hiện sự minh bạch của các bên liên quan. Thông thường đó sẽ là một báo cáo giải trình được xây dựng dựa trên các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động, trong đó có 2 chỉ số quan trọng là tài chính và chất lượng đào tạo. Các trường đại học nhận kinh phí từ ngân sách nhà nước, từ các nhà tài trợ và từ nguồn học phí của sinh viên và do vậy việc minh bạch các khoản chi là bắt buộc. Chỉ số thứ hai là chất lượng đào tạo mà thước đo quan trọng nhất là khả năng có việc làm của người học sau khi tốt nghiệp cũng như mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng.

    Tuy nhiên, quá trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam cũng đặt ra ba thách thức rất lớn liên quan đến tài chính đại học mà nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ thì sẽ giới hạn cơ hội tiếp cận GD-ĐH của một bộ phận không nhỏ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sẽ khiến các trường đại học chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển quốc gia. Ba thách thức tài chính đối với các trường đại học tự chủ bao gồm: (1) không còn được đảm bảo nguồn chi từ ngân sách nhà nước; (2) chưa có chính sách tín dụng phù hợp cho sinh viên vay và (3) chưa đa dạng hóa được các nguồn thu.

    “Quá trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam đặt ra ba thách thức rất lớn liên quan đến tài chính đại học mà nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ thì sẽ giới hạn cơ hội tiếp cận GD-ĐH của một bộ phận không nhỏ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sẽ khiến các trường đại học chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia”.
    (PGS.TS Vũ Hải Quân)


    * Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề thứ nhất liên quan đến việc không đảm bảo nguồn chi từ ngân sách khi các trường tự chủ cũng như các vấn đề có thể phát sinh?

    - PGS.TS Vũ Hải Quân: Hệ thống GD-ĐH của chúng ta đang phải đối mặt với một khó khăn cơ bản, đó là nguồn chi từ ngân sách nhà nước rất giới hạn. Nó chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với chi cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, năm 2015, GD-ĐH chỉ nhận được khoảng 6,1% trong tổng chi của ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, tương đương 0,33% GDP. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ trọng GDP của chi ngân sách cho GD-ĐH ở nhiều nước láng giềng, chẳng hạn như Singapore (1,0%), Hàn Quốc (0,94%), Malaysia (1,3%) và Thái Lan (0,64%). Cũng theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới, tổng chi của ngân sách nhà nước tính trên đầu sinh viên ở Việt Nam cũng ở mức rất thấp trong khu vực, ước tính khoảng 316 USD ở thời điểm năm 2015. Trong đó, phần chi thường xuyên cho mỗi sinh viên tại 48 trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thì chưa đến 40 USD; con số tương đương của ĐHQG-Hà Nội là gần 130 USD (con số của ĐHQG-HCM không có trong báo cáo này).


    Nghị định số 86/2015/ NĐ-CP do Chính phủ ban hành năm 2015 cho phép các trường đại học công được tự chủ, trong đó có tự chủ về tài chính. Theo đó, các trường đại học công lập nếu tự chủ hoàn toàn theo Nghị định này sẽ không còn được nhận kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên các trường đại học tự chủ sẽ được phép tính học phí theo định mức kinh tế - kỹ thuật, thực hiện tính đúng, tính đủ và thường cao hơn so với mức học phí trước khi tự chủ. Thực tế cho thấy, học phí cho năm học 2020-2021 bậc đào tạo cử nhân tại các trường đại học công lập tự chủ cao hơn từ 2,1 đến 3,5 lần so với các trường đại học không tự chủ (cao hơn cả là ở các trường đào tạo khối ngành Y-Dược).

    Ở ĐHQG-HCM, Trường Đại học Quốc tế là đơn vị thành viên tự chủ rất sớm, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, có mức học phí trung bình một năm là khoảng 50 triệu. Thu nhập bình quân hàng tháng của giảng viên trường này năm 2020 vào khoảng 50 triệu. Nhờ cơ chế tự chủ, Trường ĐH Quốc tế đã thu hút được nhiều giảng viên giỏi trong đó có nhiều giáo sư nước ngoài. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên là một đơn vị thành viên chưa tự chủ của ĐHQG-HCM. Bên cạnh các chương trình đề án có mức thu học phí cao, Trường thu học phí bậc cử nhân trung bình mỗi năm khoảng trên dưới 10 triệu đồng; lương trung bình mỗi tháng của giảng viên năm 2020 là xấp xỉ gần 20 triệu. Thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều giảng viên của trường này đã xin chuyển công tác. Chỉ tính Khoa Toán-Tin học đã có 10 giảng viên giỏi, có thành tích công bố khoa học xuất sắc chuyển qua các trường đại học công tự chủ hoặc các trường tư thục trong thời gian qua.

    Nhìn ra bên ngoài, hai trường đại học hàng đầu của Trung Quốc là ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh có mức thu học phí bậc đào tạo cử nhân cho năm học 2018 khoảng trên dưới 18 triệu, thấp hơn so với mức thu học phí của các trường tự chủ ở Việt Nam. Tuy nhiên mức lương trung bình hàng tháng của các giáo sư ở 2 trường đại học này, ước tính khoảng 82 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các đồng nghiệp ở Việt Nam. Con số này cho thấy mức đầu tư công cho GD-ĐH ở Trung Quốc là rất lớn.

    Mặt trái của việc tăng học phí trong các trường đại học công lập tự chủ có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học. Một con số thống kê năm 2016 của Ngân hàng Thế giới cho thấy tỷ lệ sinh viên đại học đến từ các gia đình có mức thu nhập cao là 52% trong khi chỉ có 19% sinh viên đến từ các gia đình có mức thu thấp, nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19.

    ĐHQG-HCM vừa thực hiện khảo sát về tác động của COVID-19 đối với sinh viên của mình. Đã có 39.000 sinh viên tham gia. Phân tích dữ liệu khảo sát đã cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích cho quá trình hoạch định chính sách trong đó có vấn đề tài chính đại học. Theo đó, chính sách hỗ trợ tài chính cho người học trong đợt dịch vừa qua có triển khai kịp thời nhưng chưa sâu rộng và hiệu quả. Có đến 45,7% gia đình sinh viên bị mất ít nhất một nguồn thu nhập, trên 52% sinh viên đề nghị có chính sách hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn. Có đến 71,7% sinh viên của Trường ĐH Quốc tế lo lắng về khả năng đóng học phí trong khi con số tương tự ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên là 57,6%.


    Chính sách tín dụng cho sinh viên và hợp tác công tư

    * Một trong những giải pháp mà các nước trên thế giới thường áp dụng là chính sách tín dụng cho sinh viên vay để học đại học. Ông đánh giá về chính sách tín dụng này ở Việt Nam như thế nào?

    - PGS.TS Vũ Hải Quân: Việt Nam đã bắt đầu áp dụng chính sách tín dụng đối với sinh viên từ năm 1998 với mức vay tối đa 150.000 đồng/tháng. Từ 1998 đến nay, quy định về tín dụng sinh viên đã được sửa đổi nhiều lần. Hiện nay, chính sách tín dụng cho sinh viên đang thực hiện theo Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

    Mặc dù các quy định về chính sách tín dụng cho sinh viên đã được sửa đổi, nhưng nhìn chung vẫn mang tính chất là chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn tài chính hơn là một chính sách tài chính cho GD-ĐH, vì vậy chính sách này vẫn có nhiều hạn chế, cụ thể:

    Thứ nhất, đối tượng được vay khá hạn chế. Theo quy định được ban hành từ năm 2007 áp dụng đến hiện nay, chỉ có sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như mồ côi hoặc thành viên của hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập thấp hoặc gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, dịch bệnh mới được vay. Ở thời điểm hiện nay, các tiêu chí xác định chuẩn hộ nghèo, cận nghèo, có mức sống trung bình đã quy định rõ tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ  nên các quy định về tiêu chuẩn vay vốn theo quyết định số 157/2007/QĐ-TTg cần phải được rà soát lại để đảm bảo phù hợp với thực tế.

    Thứ hai, mức cho vay khá thấp. Theo quyết định số 1656/QĐ-TTg, mức cho vay là 2,5 triệu đồng/tháng. Nếu chỉ so với mức học phí thì khoản vay 2,5 triệu đồng/tháng bằng 1,74-2,55 lần học phí của trường đại học công lập chưa tự chủ, khoảng 0,5-1,21 lần học phí tối đa của trường đại học công lập tự chủ chi thường xuyên, tùy theo ngành học và danh tiếng của trường đại học. Tuy nhiên, nếu so sánh mức sống thì số tiền vay 2,5 triệu đồng/tháng chỉ bằng và chiếm khoảng 35%-40% tổng chi phí học tập của sinh viên. Vì vậy, việc nghiên cứu tăng mức cho vay là rất cần thiết.

    Thứ ba, thời hạn cho vay ngắn. Sinh viên phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay khi có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khoá học. Thời hạn vay tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. Như vậy, nếu sinh viên được vay lần đầu tiên ngay khi trúng tuyển đại học và thời gian học 5 năm thì thời hạn vay tối đa chỉ 10 năm tức sinh viên phải trả nợ tối đa 5 năm sau khi ra trường. Thời hạn vay của Việt Nam ngắn hơn nhiều so với các quốc gia khác, chẳng hạn như Brazil (12 năm), Nhật Bản (18 năm), Malaysia và Hàn Quốc (20 năm), Trung Quốc (23 năm).

    Thứ tư, thủ tục và phương thức vay phức tạp. Sinh viên không được trực tiếp vay tiền mà hộ gia đình với người đứng tên vay phải là bố mẹ hoặc người giám hộ (nếu sinh viên mồ côi). Vì vậy, việc giải ngân sẽ thực hiện thông qua hộ gia đình và bố mẹ chính là người chịu trách nhiệm trả nợ vay cho người thụ hưởng nợ vay là sinh viên.

    Thứ năm, lãi suất cho vay cao. Lãi suất cho vay đang áp dụng tại thời điểm năm 2021 là 6,6% năm. Đây là mức lãi suất khá cao cho đối tượng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội (cho vay trồng rừng 1,2%/năm, cho vay nhà ở từ 3%-4,8%/năm). Mức lãi suất này cao hơn khoảng 1% so với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại nhà nước và tương đương với mức lãi suất cho vay mà các ngân hàng thương mại áp dụng ưu đãi cho cán bộ nhân viên hoặc một số chương trình ưu đãi khác. Rõ ràng, có sự bất hợp lý trong việc áp dụng lãi suất ưu đãi đối với tín dụng sinh viên.


    * Ông nói đến vấn đề đa dạng hóa nguồn thu của các trường đại học trong đó có hợp tác công tư. Cụ thể của vấn đề này là gì, thưa ông?

    - PGS.TS Vũ Hải Quân: Ba nguồn thu chính tại các trường đại học công lập bao gồm: ngân sách nhà nước, học phí và các nguồn thu khác (thu từ chuyển giao công nghệ, thu từ các hoạt động dịch vụ, từ hiến tặng, từ hợp tác công tư...). Trong 3 nguồn thu này thì lớn nhất và quan trọng nhất vẫn là học phí. Khi các trường đại học tự chủ, ngân sách nhà nước sẽ không còn. Để giảm bớt gánh nặng học phí, các trường cần đẩy mạnh hoạt động để tăng nguồn thu khác. Tuy nhiên, việc gia tăng các nguồn thu này phụ thuộc vào quy định của các văn bản pháp luật cũng như cần thời gian lâu dài.

    Đơn cử như việc chuyển giao công nghệ đối với các đề tài dự án nhận tài trợ từ ngân sách nhà nước, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ hiện mới chỉ đang trình phương án giao cho đơn vị chủ trì nghiên cứu khoa học được quyền đăng ký sáng chế, tạo thuận lợi cho việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Bên cạnh đó, cơ chế định giá tài sản trí tuệ của các bên liên quan cũng còn vướng mắc.

    Về hợp tác công tư trong lĩnh vực GD-ĐH, các văn bản pháp lý đang được từng bước hoàn thiện. Đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD-ĐH ban hành năm 2018 xác định có doanh nghiệp trong cơ cấu tổ chức của trường đại học; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, ban hành năm 2020 xác định lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án PPP trong đó có lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên để triển khai hợp tác đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực GD-ĐH thì còn gặp một số khó khăn, đặc biệt là việc định giá tài sản của các trường. Đối với các trường đại học công thì đất là thuộc sở hữu nhà nước. Nhà trường chỉ được giao quyền sử dụng nên việc định giá tài sản là rất khó. Tương tự là vấn đề định giá thương hiệu cũng như xác định lợi thế khai thác các dịch vụ. Ngay cả khi các dự án hợp tác PPP đi vào hoạt động thì cũng cần một thời gian dài để thu hồi vốn và từ đó mới có thể tính đến việc đóng góp kinh phí lại cho trường đại học. Điểm cuối cùng là chưa có chính sách ưu tiên trong hợp tác PPP cho các trường đại học tự chủ.

    Nguồn thu từ hiến tặng cũng rất hạn chế mà một trong những nguyên nhân là chưa có chính sách pháp luật (ví dụ như chính sách về miễn trừ thuế) để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hiến tặng trực tiếp cho trường đại học. Quỹ Phát triển ĐHQG-HCM được thành lập từ năm 2009, trải qua 12 năm hoạt động cũng mới chỉ vận động tài trợ được gần 100 tỷ đồng để tài trợ trực tiếp cho các hoạt động của ĐHQG-HCM. Từ nguồn tài trợ này, Quỹ đã cấp học bổng, phối hợp với ngân hàng BIDV triển khai chương trình cho sinh viên vay ưu đãi lãi suất 0%. Tuy nhiên, do hạn chế về tài chính nên số lượng sinh viên nhận học bổng, được tiếp cận nguồn vốn vay của Quỹ còn ít.

    * Từ những vấn đề thách thức nêu trên, để tự chủ đại học thực sự phát huy hiệu quả, giải phóng hết các nguồn năng lượng, thúc đẩy GD-ĐH phát triển, ông có kiến nghị gì?

    - PGS.TS Vũ Hải Quân: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định các mục tiêu cụ thể: (1) Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; (2) Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; (3) Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Nghị quyết cũng đã xác định 3 đột phá chiến lược trong đó có đột phá về Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặt kỳ vọng vào nhân lực, vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, Đảng đặt kỳ vọng và trách nhiệm rất lớn cho các đại học, trong đó có ĐHQG-HCM. Đó là trách nhiệm với tương lai của đất nước, là trách nhiệm đào tạo nhân tài, bồi dưỡng các thế hệ lãnh đạo tương lai.

    Có thể nói hơn lúc nào hết, GD-ĐH phải ý thức được vai trò quan trọng của mình đối với vận mệnh của quốc gia, của dân tộc. Cùng với các đại học khác, ĐHQG-HCM phải có trách nhiệm thực hiện chiến lược quốc gia, đóng góp quan trọng cho mục tiêu phát triển đất nước; phải là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của Việt Nam, của Việt Nam với bạn bè quốc tế. ĐHQG-HCM nhận thức sâu sắc rằng tài sản quý giá nhất và quan trọng nhất chính là trí tuệ của các thầy, cô giáo và các em sinh viên, học sinh.

    Trong bối cảnh đó, để GD-ĐH thực sự là nền tảng của quá trình trẻ hóa lao động, thúc đẩy tiến bộ xã hội; là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện con người, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để đạt được mục tiêu xây dựng quốc gia sáng tạo, độc lập, dân chủ, giàu có và bản sắc, chúng tôi cho rằng GD-ĐH phải được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất. Trên cơ sở đó, có hai kiến nghị liên quan đến đầu tư của nhà nước cho giáo dục đại học và chính sách tài chính cho sinh viên cụ thể như sau.

    Trong bối cảnh đó, để giáo dục đại học thực sự là nền tảng của quá trình trẻ hóa lao động, thúc đẩy tiến bộ xã hội; là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện con người, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để đạt được mục tiêu xây dựng quốc gia sáng tạo, độc lập, dân chủ, giàu có và bản sắc, chúng tôi cho rằng giáo dục đại học phải được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất.
    (PGS.TS Vũ Hải Quân)

    1.    Kiến nghị về đầu tư của nhà nước cho GD-ĐH
    -    Sớm xây dựng và ban hành Chiến lược tổng thể phát triển GD-ĐH ở Việt Nam, trong đó có phân tích, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao cho mỗi giai đoạn, đề xuất kinh phí đầu tư của nhà nước để đào tạo nhóm lao động này, từ đó sớm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng đào tạo đối với các trường đại học trong đó có 2 ĐHQG.
    -    Bên cạnh nguồn đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người. Thực tế các phòng thí nghiệm chỉ hoạt động hiệu quả khi nó được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi.
    -    Có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường đại học tự chủ phải theo lộ trình.
    -    Sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng…

    2.    Kiến nghị về chính sách tín dụng cho sinh viên vay
    -    Cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên.
    -    Điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí.
    -    Giảm mức lãi suất cho vay đối với sinh viên vay vốn là 3-4% năm hoặc chia theo lộ trình trong thời gian đi học được áp dụng lãi suất vay ưu đãi là 3-4% năm; sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ áp dụng lãi suất cao hơn.
    -    Điều chỉnh thời gian vay tối thiểu 15 năm hoặc gấp 3 lần thời gian vay (ví dụ học 4 năm được vay và trả nợ vay tối đa là 12 năm; học 7 năm tối đa là 21 năm).
    -    Nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên.

    *Xin cảm ơn ông!
     


    BẢO KHÁNH thực hiện

    Tài liệu tham khảo:
    [1] Dung Doan, Jiacheng Kang and Yanran Zhu, “Improving the Performance of Higher Education in Vietnam”, Published by the Centre for Global Higher Education, Department of Education, University of Oxford.
    [2] World Bank, “Improving the Performance of Higher Education in Vietnam: Strategic Priorities and Policy Options”, April 27, 2020.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên