Chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển của ĐHQG-HCM đã được tái hiện khá đầy đủ và sinh động qua nhiều bài viết trong tập sách này. Nhìn lại 15 năm là dịp nhớ lại những sự kiện, đặc biệt là cái thuở ban đầu gian khó ấy, chúng ta - những người trong cuộc, hồ dễ mấy ai quên, nhưng cần thiết hơn là chiêm nghiệm để rút ra những bài học, cho hôm nay và cho cả ngày mai.
Vì sao có thời kỳ khủng hoảng trong những năm mới ra đời của ĐHQG-HCM? Câu trả lời chính thức (và chính xác) đã có trong Thông báo số 315-TB/TW ngày 29/8/2000 của Bộ Chính trị. Tôi nói thêm những suy nghĩ của mình.
Xây dựng ĐHQG là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nằm trong chiến lược sớm đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Nhận thức được sự cần thiết phải xây dựng những trung tâm đại học mạnh cần phải có tầm nhìn xa, phải có ước mơ to, hoài bão lớn, quyết tâm cao. Các trường đại học của ta thường đơn ngành, quy mô nhỏ, “Giấc mơ con đè nát cuộc đời con” (Chế Lan Viên), tồn tại nhờ vào chế độ bao cấp, nhu cầu được học đại học của thanh niên vẫn tăng, không cần cạnh tranh vẫn phát triển do đó không phải ai cũng thấy cần thiết phải tổ chức lại để vươn lên tầm cao mới. Các trường đại học của một nước nông nghiệp vẫn mang tính cách của hộ nông dân, không có những mối gắn kết ngang với nhau, như K. Marx ví von, như những củ khoai tây bỏ chung vào một bị, khi đổ ra mỗi củ lại lăn đi một hướng. Không có khát vọng vươn ra biển lớn, sợ sóng lớn gió to nên yên ổn nhất là “Ta về ta tắm ao ta”. Tư duy nhỏ không thể làm nên sự nghiệp lớn. Cũng hiểu cho những trường xin tách ra khỏi ĐHQG-HCM.
Một thành tố mới xuất hiện trong hệ thống tổ chức cũ thế nào cũng gây nên sự xáo động về cơ cấu, và khi thành tố mới này chưa có được chỗ đứng của mình thì cái cũ theo bản năng tự vệ sẽ liên kết nhau nhằm loại trừ cái mới. Trong tự nhiên đã vậy, trong xã hội càng phức tạp gay gắt hơn do có sự đụng chạm về quyến lực và lợi ích, nhất là ở đường biên giáp ranh và những vùng chồng lấn. Thói tư hữu tiểu nông thường suy tính thiệt hơn, được mất, của anh của tôi không phải không có trong tư duy đong đếm của một số trường khi cân nhắc ở lại hay ra khỏi ĐHQG-HCM. Đành rằng làm gì cũng xuất phát từ lợi ích, phải tính đến hiệu quả nhưng trong lĩnh vực giáo dục lợi ích hướng tới phải là lợi ích xã hội, là hiệu quả lâu dài của sự nghiệp trồng người. Làm giáo dục mà chỉ tính lợi ích và hiệu quả trước mắt thì có thề có những thành công nhất thời song không thể bền lâu.
Bước chập chững, lúng túng ban đầu của ĐHQG-HCM có người cho rằng là do cơ chế, là do chậm ban hành quy chế. Quản lý hành chính quan liêu mệnh lệnh rất sính dùng cơ chế, quy chế tạo ra những rào cản, những trói buộc, chỉ cho phép hoạt động trong những không gian chật hẹp. Công cuộc đổi mới chẳng phải đã bắt đầu bằng những làm chui, phá rào, tự cởi trói đó sao? Giáo dục đại học là lĩnh vực cần có sự tự chủ cao nhất để thực hiện trách nhiệm cao nhất, do đó quy chế mà ĐHQG cần là không có quy chế gì, là tuân theo pháp luật, là được phép làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, tất cả vì sự nghiệp bồi dưỡng nhân tài và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Đã từng có những ý tưởng táo bạo, những dự tính đột phá nhưng rồi có thể do sự trì trệ, bảo thủ của cơ chế cũ quá nặng nề, cũng có thể do chúng ta chưa đủ trí tuệ và bản lĩnh nên nhiều ước vọng chưa thành, còn nằm trong khuôn phép cũ. Làm sao có thể trở thành đại học hàng đầu khi vẫn phải tuyển sinh ba chung, khi vẫn áp phải áp dụng chương trình khung, khi vẫn phải theo đủ thứ quy chế, quy định vụn vặt, linh tinh khác? Đã đến lúc quản lý ngành giáo dục và đào tạo phải đổi mới tư duy về chính mình.
Đã vượt qua thời kỳ “tồn tại hay không tồn tại” (1996-2000), ĐHQG-HCM bước vào thời kỳ ‘tồn tại như thế nào’ để tự khẳng định mình, để tạo nội lực, tạo ra những tiền đề, những điều kiện cho sự phát triển bền vững, hay như cách nói hình tượng, xây dựng đường băng để cất cánh (2001-2009). Những con số thống kê đã phần nào nói lên thành quả to lớn mà ĐHQG-HCM đã đạt được, nhưng đằng sau những con số khô khan đó là biết bao công sức thầm lặng của thầy và trò, cán bộ quản lý và công nhân viên, người trẻ tiếp bước người cao tuổi, người mới thay thế người ra đi… kiên trì mục tiêu vì một ĐHQG lớn mạnh.
“Mười lắm năm ấy bây giờ là đây”
(Nguyễn Du)
Tôi tin rằng ĐHQG-HCM cũng đã trải qua thời kỳ “tồn tại hay không tồn tại” và “tồn tại như thế nào” để bước vào thời kỳ thứ ba, thời kỳ “phát triển như thế nào”. Xu thế chỉ có một nhưng phương hướng, cách thức, nhịp độ phát triển như thế nào cho nhanh và bền vững thì có nhiều, phải suy nghĩ để tìm ra và lựa chọn. Có điều cần khảng định ĐHQG là mô hình khai phá nên không thể theo phương cách đã có, cũng không thể đi theo cách của nước ngoài mặc dù có thể học được nhiều điều hay từ họ. Vấn đề là phải có trí tuệ, bản lĩnh để sáng tạo.
Xây dựng ĐHQG là một thành tố trong toàn bộ công cuộc Đổi mới. Đổi mới mang tính cách mạng mà cuộc cách mạng nào, theo Lenin, cũng là cuộc sinh đẻ kéo dài và đau đớn. ĐHQG-HCM qua những cơn đau đã lộ hình hài, đã chập chững những bước đi đầu tiên, đã có đủ hành trang để vững bước trên con đường, tuy chưa hết gập gềnh nhưng đã phong quang lộng gió thời đại.
(*) Thơ Hồ Chí Minh
PGS.TS NGUYỄN QUANG ĐIỂN
(Nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM - Theo Kỷ yếu ĐHQG-HCM:15 năm xây dựng và Phát triển)
Hãy là người bình luận đầu tiên