Phát biểu tại Hội nghị về xếp hạng đại học quốc tế do ĐHQG-HCM tổ chức vào ngày 1/3 tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh: “Chúng ta cần thẳng thắn đối diện với sự thật và cùng nhau suy nghĩ về những định hướng, giải pháp mang tính chiến lược để duy trì và cải thiện vị trí của ĐHQG-HCM trên các bảng xếp hạng quốc tế”.
Để làm rõ hơn những thách thức, cơ hội và giải pháp chiến lược của ĐHQG-HCM trong việc xếp hạng đại học thời gian tới, Website ĐHQG-HCM đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS.TS Vũ Hải Quân bên lề hội nghị này.
Thách thức và cơ hội của ĐHQG-HCM
* Thưa ông, tham gia xếp hạng đại học trong bối cảnh hiện nay, ĐHQG-HCM phải đối mặt với những thách thức nào?
- Tôi cho rằng ĐHQG-HCM cần nhận thức rõ và chia sẻ một số nguy cơ sau. Trước nhất, xuất phát từ nội tại của ĐHQG-HCM, đó là sự tự mãn - tự mãn với những thành tích, ngủ quên trên chiến thắng. Biểu hiện của tự mãn là luôn nói về thành tích, xem thường đối thủ, cho mình là đúng, không có tinh thần tìm tòi, học hỏi những điều mới. Nói ngắn gọn: tự mãn là kẻ thù của thành công. Tiếp đến là cấu trúc và mô hình quản trị. Liệu cấu trúc và mô hình quản trị của ĐHQG-HCM có theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ và tự chủ đại học? Song song đó là chiều hướng giảm dần của các nguồn tư công, cụ thể là ngân sách nhà nước. Nguy cơ thứ tư, đến từ bên ngoài, đó là sự phát triển nhanh chóng của các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước, cạnh tranh gián tiếp, trực tiếp với ĐHQG-HCM. Không chỉ cạnh tranh vị trí trên bảng xếp hạng mà còn cạnh tranh về chính sách thu hút nhà khoa học, sinh viên xuất sắc từ ĐHQG-HCM.
Bốn nguy cơ này dẫn đến nguy cơ thứ năm, ĐHQG-HCM có thể sẽ không có tên trên các bảng xếp hạng quốc tế trong thời gian tới!
* Như vậy, việc xếp hạng của ĐHQG-HCM trong thời gian tới không được khả quan, thưa ông?
- Theo tôi, trong khó khăn đó, ĐHQG-HCM vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội để phát triển và vươn tầm. Có thể nhận thấy ngay là “thương hiệu” - vị thế và vai trò của ĐHQG-HCM ngày càng trở nên rõ nét trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cũng như quốc tế. Đồng thời ĐHQG-HCM đang sở hữu tập thể lãnh đạo ở độ tuổi vàng, được đào tạo bài bản và có chung khát vọng thực hiện sứ mệnh tiên phong; tính kết nối và chia sẻ trong hệ thống ngày càng được gia tăng.
Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp lý ngày càng hoàn thiện: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học; Nghị định về ĐHQG; Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các đơn vị thành viên; Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Nghị định 150 về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần... Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự quan tâm, hỗ trợ, hợp tác của Chính phủ và các bộ - ngành, của TP.HCM và các địa phương, doanh nghiệp ngày càng cao; yêu cầu và kỳ vọng về ĐHQG-HCM ngày càng lớn.
Cuối cùng, ĐHQG-HCM đang sở hữu một nguồn tài sản rất lớn: đó là trí tuệ của gần 6.000 thầy cô, nhà khoa học và của khoảng 70 nghìn sinh viên. Đây là nguồn vốn quan trọng nhất mà ĐHQG-HCM cần khai thác và sử dụng hiệu quả để phát triển và vươn tầm. Trên thực tế, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng và của Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần XI đều xác định đào tạo nhân lực trình độ cao, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là những giải pháp đột phá, chương trình đột phá để đưa đất nước và thành phố phát triển nhanh, bền vững. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ ĐHQG-HCM lần VI cũng xác định rõ mục tiêu: “Đến năm 2025 bắt kịp các trường đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực Đông Nam Á ở một số lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu; đến năm 2030 nằm trong nhóm 100 trường đại học hàng đầu của châu Á”.
Phải có chiến lược từ cấp quốc gia
* Có thể thấy 3 lĩnh vực cơ bản trong các bảng xếp hạng đại học là đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Ông đánh giá năng lực đáp ứng các lĩnh vực này của ĐHQG-HCM như thế nào?
- Xếp hạng đại học là vấn đề lớn, đòi hỏi phải có chiến lược từ cấp quốc gia. Hầu hết các nước trong khu vực Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… đều đã có chiến lược xếp hạng đại học và đều đạt những thành tựu quan trọng.
Xếp hạng đại học được thực hiện dựa trên hệ thống tiêu chí định lượng cụ thể, chủ yếu liên quan công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Đó có thể là mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng, là tỷ lệ giảng viên/sinh viên, tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên, sinh viên quốc tế… Đó cũng có thể là đánh giá đồng cấp của giới học thuật, số lượng bài báo, số lượt trích dẫn trong danh mục Scopus, tỷ lệ SV/SĐH… Ở thời điểm hiện tại, các chỉ số này của ĐHQG-HCM còn ở mức khiêm tốn, có xu hướng tăng nhẹ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, chưa có cơ chế chính sách để khai thác hết tài sản trí tuệ; có xu hướng tăng nhưng chậm hơn so với các cơ sở giáo dục đại học trong nước và khu vực.
* Theo ông, ĐHQG-HCM cần làm gì để cải thiện năng lực xếp hạng đại học?
- Trong thời gian qua, Ban Giám đốc ĐHQG-HCM đã có những chính sách hướng tới cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng như thực hiện các chương trình đào tạo mới và xây dựng đề án tăng cường năng lực công bố khoa học. Chẳng hạn, chương trình đào tạo song bằng, một mặt là để gia tăng tính kết nối hệ thống, mang lại lợi ích cho người học; mặt khác đây có thể xem là một giải pháp để giảm tổng chỉ tiêu chung trong toàn hệ thống mà ít ảnh hưởng tới nguồn thu chung.
Ngoài ra, có thể kể đến chương trình đào tạo tích hợp. Chương trình này cho phép các sinh viên giỏi có thể học tích lũy trước các tín chỉ sau đại học. Ngoài việc mang lại lợi ích cho người học, chính sách này còn được kỳ vọng gia tăng số lượng học viên sau đại học, gia tăng số lượng công bố khoa học.
Về Đề án tăng cường năng lực công bố Scopus. Đây là đề án hỗ trợ tăng cường năng lực công bố khoa học trong ĐHQG-HCM thông qua các chính sách đào tạo, hỗ trợ, khen thưởng. Đề án cũng đã đề xuất ban hành cách ghi tên bài báo khoa học theo hướng đủ cả tên ĐHQG-HCM và tên của đơn vị thành viên để phục vụ cho việc xếp hạng theo trường thành viên sau này.
Trong các buổi làm việc với các chuyên gia của QS và THE, khi được tham vấn về chiến lược xếp hạng đại học cho ĐHQG-HCM, tất cả đều đồng thuận rằng, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học trong đó có tăng cường công bố bài báo trong danh mục Scopus là những nội dung cần làm ngay.
PHIÊN AN thực hiện
Hãy là người bình luận đầu tiên