Đây là thứ hạng cao nhất không chỉ của ĐHQG-HCM mà còn đại diện cho nền giáo dục đại học Việt Nam kể từ khi tham gia bảng xếp hạng QS World University Ranking by Subject. Trong một góc nhìn cận cảnh, phấn khởi, tự hào xen lẫn những thôi thúc về trách nhiệm duy trì kết quả… là cảm xúc của tất cả giảng viên Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí - Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, ở những tháng ngày này.
Giảng dạy theo chương trình của các nước phát triển
TS Bùi Trọng Vinh - Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, chia sẻ: “Đây là kết quả của cả quá trình nhiều năm, từ khi ngành Kỹ thuật Dầu khí được thành lập vào năm 1994 cùng công sức đóng góp của các thế hệ giảng viên, cựu sinh viên, sinh viên Trường ĐH Bách Khoa. Chúng tôi rất tự hào về kết quả này”.
Để chuẩn bị tham gia xếp hạng QS, TS Bùi Trọng Vinh cho biết, Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí chú trọng đến hai yếu tố nội và ngoại lực.
Về nội lực, khoa luôn khẳng định vị thế trong việc mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dầu khí Việt Nam và thế giới. Ngành Kỹ thuật Dầu khí chất lượng cao được khoa triển khai liên kết Trường ĐH Adelaide (Úc) hơn 10 năm. Sinh viên học 2 năm ở Việt Nam và 2 năm ở Úc, bằng tốt nghiệp do Trường ĐH Adelaide cấp. Chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, có sự tham gia của nhiều giáo sư quốc tế. Ngoại lực của khoa là nhiều thế hệ cựu sinh viên đang làm việc trong lĩnh vực dầu khí cùng hợp tác đào tạo, nghiên cứu, thực hiện công bố bài báo khoa học và hỗ trợ tuyển dụng. Cựu sinh viên đã cùng khoa hướng dẫn thực tập, luận văn tốt nghiệp, tham gia hội đồng chấm luận văn, viết báo khoa học và tổ chức hội nghị liên quan lĩnh vực dầu khí.
“Ngành Kỹ thuật Dầu khí đã cải tiến chương trình dạy học song song với chiến lược của Trường ĐH Bách Khoa. Đó là quốc tế hóa giáo dục, tức cần đưa được chương trình đào tạo của những nước phát triển đến khoa và giảng dạy cho sinh viên. Các thầy cô đến từ nhiều trường đại học nổi tiếng ở Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc đã cùng tham gia giảng dạy. Họ là những học giả thuộc lĩnh vực kỹ thuật dầu khí, tài nguyên và năng lượng, có thể kể đến như GS Peter, TS Abbas (ĐH Adelaide, Úc), GS Shin Huyndo (ĐH Inha, Hàn Quốc), GS Bae Wisup (ĐH Sejong, Hàn Quốc), GS Kim Kangjoo (ĐHQG Chonnam, Hàn Quốc)” - TS Bùi Trọng Vinh lý giải.
Theo Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, chương trình giảng dạy của khoa còn chú trọng kết hợp với các doanh nghiệp. Khoa đã mời doanh nghiệp tham gia giảng dạy để sinh viên có thể tìm hiểu hoạt động của ngành công nghiệp dầu khí hiện nay cùng những thay đổi về công nghệ trong lĩnh vực này. Có thể kể đến như Công ty Điều hành dầu khí Biển Đông (BienDong POC), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), CUULONG JOC, Công ty Murphy Oil, Hiệp hội Kỹ sư Dầu khí (SPE). Các doanh nghiệp này đã hỗ trợ nhiều buổi báo cáo khoa học liên quan dầu khí, địa chất, chuyển đổi số, học sâu, IoT, logistics, lọc hóa dầu và môi trường.
“Phương hướng chương trình giảng dạy của khoa là bám sát sự phát triển của ngành dầu khí thế giới cũng như trong nước” - TS Vinh lưu ý.
Trong 4 tiêu chí đánh giá của tổ chức QS, tiêu chí tỷ lệ trích dẫn (Citations per paper) và chỉ số ảnh hưởng (H-index) của ngành Kỹ thuật Dầu khí đều lần lượt đạt kết quả ấn tượng với 82,5/100 và 73,2/100. TS Bùi Trọng Vinh cho rằng đó đều là nỗ lực của tất cả giảng viên.
Hằng năm, các giảng viên đều có những công bố, bài báo trên tạp chí chuyên ngành dầu khí như: Khoa học Trái Đất, Applied Mathematical Modelling, Improved Oil and Gas Recovery, Petroleum Exploration and Development. Đồng thời, giảng viên của khoa còn hợp tác nghiên cứu với nhiều chuyên gia uy tín đến từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Liên doanh Dầu khí Việt - Nhật (JVPC), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc (KNOC), Công ty Eni SpA (Ý)...
Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí nhận định: “Ngành dầu khí thế giới rất quan tâm những vấn đề sa lắng muối, tối ưu hóa xử lý nước trong quá trình khai thác, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, bảo vệ môi trường... Đây đều là các đề tài khoa học do giảng viên của khoa công bố”.
TS Vinh nói thêm, khi các trường đại học, đối tác công nghiệp truy cập những bài báo, kết quả nghiên cứu, họ sẽ biết đến ngành học và cả giảng viên thực hiện chúng. Các giảng viên của khoa hiện được đánh giá là những chuyên gia giàu uy tín trong học giới. Họ công tác cả trong và ngoài nước, hợp tác giảng dạy với Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khu vực Đông Nam Á.
70% sinh viên có việc làm sau 2 năm tốt nghiệp
Nói về hoạt động đào tạo, TS Bùi Trọng Vinh nhận xét Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí đã có những bước chuyển hướng quan trọng. Khoa đang đẩy mạnh chương trình đào tạo để sinh viên có thể tiếp cận chuyên ngành ngay từ năm nhất. Cùng với việc hướng dẫn tại lớp, giảng viên sẽ giới thiệu những doanh nghiệp để sinh viên dễ dàng tiếp cận môi trường thực tiễn, hướng nghiên cứu và gặp gỡ các giáo sư trong và ngoài nước.
“Chiến lược của khoa là không chỉ cung cấp nhân lực cho ngành dầu khí Việt Nam mà còn thế giới. Ngoài ra, khoa đã mở rộng đào tạo công tác thăm dò dầu khí, khai thác, vận chuyển, chế biến và lưu trữ để đa dạng hóa việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp” - ông Vinh nói.
Theo TS Mai Cao Lân, Trưởng Bộ môn Khoan và Khai thác Dầu khí, Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, các giảng viên của khoa luôn cập nhật bài giảng liên tục với nhiều vấn đề thời sự như phát hiện mỏ mới, tăng cường hoạt động khai thác... Những thông tin này góp phần định hướng cho sinh viên về kiến thức và kỹ năng cần thiết trước sự biến động của nền công nghiệp dầu khí.
Đồng thời, phòng ốc, thiết bị dạy học, hệ thống thư viện và các khu vực học tập dành cho sinh viên được Trường ĐH Bách Khoa đầu tư, nâng cấp và không ngừng đổi mới. Chẳng hạn, tòa nhà B8 có các phòng học được xây dựng mới hoàn toàn ở tầng 3. Các phòng học và khu vực học tập của sinh viên thuộc chương trình chất lượng cao ở tòa nhà A4 được đầu tư với trang thiết bị hiện đại.
Thành tích ấn tượng trên bảng xếp hạng quốc tế đã mở ra những cơ hội và thách thức đáng kể cho giảng viên Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí. TS Lân cho rằng cơ hội lớn nhất là khả năng thu hút chất lượng sinh viên đầu vào. Tiếp đến là việc hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và hiệp hội lớn trên thế giới sẽ tăng trong thời gian tới. Chỉ số H-index của thầy cô được QS đánh giá cao sẽ mở ra cơ hội tìm kiếm các nguồn ngân sách nghiên cứu từ các tổ chức trong và ngoài nước…
Về thách thức, ông Lân nhìn nhận mỗi cá nhân phải nỗ lực nhiều hơn để có thể duy trì vị trí như hiện tại và hướng đến mục tiêu nâng cao vị thế trong tương lai.
TS Mai Cao Lân cho biết, hằng năm, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp của khoa luôn đạt hơn 85%. Đồng thời, tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm sau 2 năm ra trường chiếm đến 70%.
Những đổi mới trong cách tiếp cận và giảng dạy tại Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí đã mang đến cho sinh viên nhiều trải nghiệm thú vị. Đinh Thái Nhật Duy - Sinh viên năm 3, ngành Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, chia sẻ: “Khoa có cách học và giảng dạy khác với những khoa còn lại. Cụ thể, sinh viên tiếp xúc với kiến thức chuyên ngành từ sớm. Các bạn sẽ đi thực địa từ năm nhất, được tiếp cận, nghiên cứu khoáng vật. Ngoài ra, sinh viên có cơ hội gặp gỡ với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực dầu khí. Điều này góp phần tiếp thêm động lực và cảm hứng cho quá trình học tập”.
Đào tạo hơn 4.000 kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ ngành dầu khí Được thành lập từ năm 1978, Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí - Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM đã đào tạo hơn 4.000 kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp to lớn cho lĩnh vực dầu khí trong và ngoài nước. Định hướng phát triển của khoa là tiếp cận, triển khai, ứng dụng thành tựu công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), khai phá dữ liệu (data mining), Internet vạn vật (IoT)... trong các lĩnh vực khoa học Trái Đất, khoa học không gian, tài nguyên Trái Đất, môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch... Trong đợt công bố kết quả xếp hạng đại học theo lĩnh vực của tổ chức QS vào đầu tháng 4 năm nay, ngành Kỹ thuật Dầu khí là một trong 7 ngành học của ĐHQG-HCM được vinh danh trên bảng xếp hạng này. Thành tích của ngành Kỹ thuật Dầu khí đã để lại dấu ấn vượt bậc cho ĐHQG-HCM khi từ Top 101-150 năm 2021 đã lên Top 51-100. |
LÝ SƯƠNG
Hãy là người bình luận đầu tiên