Tin tổng hợp

Nhà giáo - Nhân tố trụ cột cho sự phát triển của ĐHQG-HCM*

  • 19/11/2018
  • Ngày 20/11 hằng năm là ngày hội của giáo giới Việt Nam, ngày để toàn xã hội tôn vinh những người đã và đang đóng góp công sức, tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Đây cũng là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ tình cảm kính trọng, lòng tri ân sâu sắc với thầy cô giáo.

    PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM và ông Nguyễn Công Mậu - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy ĐHQG-HCM trao Giải thưởng “Tôn vinh CBVC giảng dạy và Phục vụ Giáo dục Đào tạo”. Ảnh: ĐỨC LỘC

    Nhìn lại chặng đường phát triển và những thành tựu của ĐHQG-HCM trong hơn 20 năm qua, chúng ta nhận thấy rất rõ sự cống hiến bền bỉ của đội ngũ cán bộ, viên chức. Trong đó, các thầy giáo, cô giáo là người tiên phong làm nên tên tuổi của ĐHQG-HCM hôm nay. 

    Giảng viên - linh hồn của trường đại học 

    Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt chính là niềm tin của xã hội đối với giáo dục, trong đó có giáo dục đại học. William Arthur Ward - nhà văn nổi tiếng người Anh từng viết: “Niềm tin thấy đóa hoa yêu kiều trong cái nụ; thấy khu vườn xinh đẹp trong một hạt giống; và thấy cây sồi lớn trong một quả sồi”. Còn nhà phê bình và triết gia Thụy Sĩ Henri Frederic Amiel cho rằng: “Xã hội trường tồn vì niềm tin và phát triển nhờ khoa học”. Niềm tin trong giáo dục giúp chúng ta thấy một đất nước Việt Nam tươi đẹp trong đôi mắt hồn nhiên của mỗi sinh viên trên ghế giảng đường.

    Chúng ta đang đóng góp cho sự trường tồn và phát triển của xã hội không chỉ bằng những sáng tạo khoa học công nghệ mà còn bằng việc đào tạo và nuôi dưỡng tài năng.

    Vậy niềm tin đó đang ở đâu?

    Phải chăng nó là sự kỳ vọng của cả dân tộc về những thế hệ sinh viên có tình yêu quê hương, Tổ quốc; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; có kiến thức và trình độ để đưa đất nước này lên một tầm cao mới?  

    Phải chăng đó là kỳ vọng về vai trò đầu tàu của hệ thống ĐHQG-HCM trong việc dẫn dắt giáo dục đại học Việt Nam? Về trách nhiệm và nhiệt huyết trong từng giờ giảng các thầy, các cô?
    Giữa bộn bề lo toan cuộc sống thường nhật, đôi khi chúng ta trăn trở, chua xót trước những sự việc, hiện tượng cá biệt mà quên mất rằng niềm tin đang đặt trên đôi vai của chính mình. Các thầy cô chính là linh hồn của trường đại học, nơi mà niềm tin là ánh sáng soi đường! 

    Tự chủ đại học và ĐHQG

    Hôm nay là một ngày đặc biệt. Chỉ còn vài giờ nữa thôi Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học số 08/2012/QH13. Trong đó, tự chủ đại học là một trong những điểm nhấn của dự luật sửa đổi lần này. 

    Có thể nói tự chủ là nền móng cho sự phát triển đại học.

    Cách đây hơn 25 năm, vấn đề tự chủ đại học đã được đặt ra và trở thành tiền đề cho sự hình thành hai ĐHQG.

    Khi đó, đất nước đang ở giai đoạn đầu của quá trình đổi mới, hội nhập; chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Giáo dục đại học chịu ảnh hưởng nặng nề của cơ chế bao cấp - mô hình quản lý tập trung: từ chính sách đến hệ thống chỉ tiêu, tài liệu, giáo trình… Các trường đại học phần lớn theo hướng chuyên ngành hóa, chuyên biệt hóa hoặc trực thuộc Bộ Giáo dục hoặc trực thuộc các bộ ngành liên quan.

    Làm thế nào để phát triển giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế? 

    Có ý tưởng cho rằng cần xây dựng một trường đại học mới, theo chuẩn mực quốc tế. Có ý tưởng đề xuất nhà nước nên đầu tư vào một trường đại học hiện hữu. Và có ý tưởng đề xuất sáp nhập các trường chuyên ngành hiện có như Trường Tự nhiên, Bách Khoa, Xã hội và Nhân văn… thành một hệ thống tổ chức mới có tên gọi là “Đại học Quốc gia”.

    Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ấy bằng trực giác của một nhà quản trị tài năng đã ủng hộ phương án 3. Việc xây dựng một trường đại học hoàn toàn mới sẽ tốn nhiều thời gian; và nếu chỉ đầu tư cho một trường đại học đơn ngành sẽ khó phát triển bền vững.

    Ngày 14/1/1993, Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng, khóa VII, đã ra nghị quyết, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ: “Xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia”. Cụ thể hóa chủ trương đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định thành lập ĐHQG Hà Nội và sau đó là ĐHQG-HCM. Đây là hai hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có quyền tự chủ cao và được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. 

    ĐHQG-HCM đã phát huy tối đa quyền tự chủ trong việc xây dựng và phát triển. Hơn 20 năm qua, chúng ta đã gặt hái được không ít thành công.

    Tính đến tháng 6/2018, ĐHQG-HCM có 56 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn AUN-QA và nhiều chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế khác. Đặc biệt, năm 2018 đánh dấu bước tiến vượt bậc của ĐHQG-HCM khi lần đầu tiên xuất hiện trong bảng xếp hạng 1.000 đại học xuất sắc nhất thế giới của tổ chức xếp hạng QS (QS World University Rankings) và đứng vào Top 701-750 của bảng xếp hạng này. ĐHQG-HCM vẫn là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế. Việc nâng cao chất lượng giáo dục để sớm hội nhập, ngang tầm khu vực và quốc tế là trách nhiệm lớn của toàn hệ thống ĐHQG-HCM với mục tiêu, lộ trình đã được thể hiện trong chiến lược phát triển.

    Thách thức mới - cơ hội mới

    Việc Quốc hội thông qua Luật Giáo dục Đại học sửa đổi lần này cũng tạo ra không ít thách thức cho hệ thống ĐHQG-HCM chúng ta. Làm thế nào để tiếp tục phát huy sức mạnh hệ thống trong bối cảnh chuẩn hóa và hội nhập quốc tế khi mà các trường đại học nước ngoài đầu tư trực tiếp/gián tiếp vào giáo dục đại học Việt Nam; khi mà các trường đại học công lập bên ngoài hệ thống cũng có quyền tự chủ cao; khi mà khối đại học ngoài công lập, đại học tư thục phát triển?

    Sau buổi làm việc vào cuối tháng 11/2017 của Thường trực Chính phủ với hai ĐHQG và ĐH Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu hai ĐHQG và Đại học Đà Nẵng “xây dựng các đề án phát triển, tái cấu trúc ba đại học này thành các đại học lớn mang tầm quốc tế”.

    ĐHQG-HCM đã cơ bản hoàn thiện đề án theo mục tiêu tổng quát là thúc đẩy các hoạt động chính yếu về khoa học và công nghệ, đào tạo và phục vụ cộng đồng nhằm nhanh chóng đưa ĐHQG-HCM trở thành đại học lớn mang tầm quốc tế, đáp ứng cao nhất yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước; đưa ĐHQG-HCM thành đại học thuộc top 100 trong bảng xếp hạng QS Asia.

    Theo đó, ĐHQG-HCM sẽ hướng đến các mục tiêu cụ thể:

    - Đổi mới nghiên cứu khoa học, xây dựng mô hình khoa học và công nghệ mới, có tính liên kết ngành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và nghiên cứu đỉnh cao; nhanh chóng theo kịp các nước tiên tiến để đủ năng lực thực hiện các chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia, hướng đến các sản phẩm khoa học và công nghệ hoàn chỉnh, phục vụ xã hội.

    - Thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế, cải tiến chương trình đào tạo và xây dựng môi trường học tập hiện đại nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội; hướng đến phát triển một mô hình đào tạo theo giáo dục 4.0 tại ĐHQG-HCM và nhân rộng, phát triển mô hình này cho hệ thống giáo dục Việt Nam.

    - Nâng cao năng lực quản lý đại học nhằm tối ưu hóa nguồn lực và tạo điều kiện để thúc đẩy chất lượng giảng dạy và nghiên cứu trong toàn ĐHQG-HCM.

    - Nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ cộng đồng, địa phương nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội, thể hiện vai trò dẫn dắt của một đại học lớn, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

    - Xây dựng Khu Đô thị ĐHQG-HCM thành đô thị đại học kiểu mẫu, thông minh, xanh, hiện đại và bền vững để đáp ứng tốt nhất yêu cầu hoạt động giảng dạy, học tập, thực hành, trải nghiệm của giảng viên và sinh viên.

    Việc xây dựng và thực hiện dự án “Thúc đẩy xây dựng ĐHQG-HCM trở thành đại học lớn mang tầm quốc tế” hoàn toàn phù hợp với nội dung Kế hoạch chiến lược ĐHQG-HCM giai đoạn 2016-2020. Nội dung chính của dự án này là kế thừa chiến lược 2011-2015, tiếp tục chiến lược 2016-2020 với tầm nhìn 2030. Trong đó, khoa học và công nghệ là đòn bẩy; chất lượng đào tạo là trọng tâm; phục vụ cộng đồng là trách nhiệm.

    Nếu được thông qua, đề án sẽ triển khai từ đầu năm 2020 với kinh phí dự kiến khoảng 100 triệu USD. 

    Phát triển cán bộ, giảng viên toàn diện

    Những kết quả trên của ĐHQG-HCM có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, viên chức ĐHQG-HCM. Chính vì thế, Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQG-HCM luôn coi trọng việc phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên một cách toàn diện. Trong đó, việc xây dựng và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giảng viên trước sự tác động của nền kinh tế thị trường và những biểu hiện lệch lạc trong đời sống xã hội là một trong những nhiệm vụ thiết yếu.

    Đạo đức nhà giáo là cơ sở để các thầy cô giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học vốn luôn được xã hội tôn vinh. Đồng thời đó cũng là một trong những cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng; có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng; có tinh thần tích cực học tập, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm; có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, thực sự là tấm gư­ơng cho người học noi theo.

    Đảng ủy - Ban Giám đốc ĐHQG-HCM xin ghi nhận sự đóng góp đầy trách nhiệm và hiệu quả của các quý thầy cô - những người đã ngày đêm tận tụy với công việc, góp phần đào tạo những trí thức trẻ có đức có tài; đảm nhận vai trò trọng yếu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố và của đất nước. Chính các thầy giáo, cô giáo là nhân tố trụ cột đã góp phần quan trọng cho danh tiếng và sự phát triển của ĐHQG-HCM hơn 20 năm qua.

    Năm học 2018-2019 và những năm tiếp theo, ngành giáo dục nói chung và ĐHQG-HCM nói riêng đứng trước những thuận lợi, thời cơ nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa, tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tích đạt được; khắc phục hạn chế yếu kém đồng thời chủ động đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và quản lý.

    ĐHQG-HCM mong muốn tập thể cán bộ, giảng viên, viên chức tiếp tục phát huy khối đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng ĐHQG-HCM ngày càng phát triển vững mạnh; các thầy cô luôn tận tâm với nghề, gìn giữ phẩm chất đạo đức trong sáng, chí khí cao thượng để làm tròn sứ mệnh khai minh, tải đạo.

    Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thế hệ thầy giáo, cô giáo đã tận tâm, tận lực với sự nghiệp của ĐHQG-HCM.

    PGS.TS VŨ HẢI QUÂN - PHÓ GIÁM ĐỐC ĐHQG-HCM


    * Phát biểu của Phó Giám đốc ĐHQG-HCM Vũ Hải Quân trong Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức tại Hội trường Nhà Điều hành ĐHQG-HCM vào sáng 19/11. Tít và các trung đề đo BBT Website đặt.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên