Là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu cả nước, bên cạnh đầu tư về con người, ĐHQG-HCM luôn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế.
Trong những năm tới, ĐHQG-HCM tiếp tục phát triển Khu Đô thị ĐHQG-HCM thành đô thị đại học kiểu mẫu, xanh, thông minh, hiện đại và bền vững. Năm 2023, cơ sở giáo dục đại học này sẽ khởi công xây dựng nhiều công trình mới.
Dự kiến vào quý 2/2023, Trường ĐH Bách Khoa sẽ khởi công xây dựng Công trình Nhà học tập và thí nghiệm BK.B7 tại cơ sở Dĩ An. Công trình gồm 8 tầng, xây dựng trên diện tích 16.420m2 với tổng mức đầu tư là 164 tỷ đồng. Khi hoàn thành vào năm 2024, nơi đây sẽ là khu vực học tập, thí nghiệm tiện nghi, hiện đại dành cho sinh viên.
Công trình Nhà NV B4-2 của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn dự kiến xây dựng trong quý 3/2023, với tổng mức đầu tư hơn 99,5 tỷ đồng nhằm phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của trường.
Trong năm 2023, Trường ĐH Kinh tế - Luật sẽ triển khai đầu tư xây dựng Khối Trung tâm nghiên cứu phát triển chính sách KTL.A3. Công trình gồm 5 tầng, xây dựng trên diện tích 3.100 m2 với tổng diện tích sàn 13.046 m2, tổng mức đầu tư hơn 228 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, công trình được đưa vào phục vụ cho nhu cầu, học tập, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật.
Để đáp ứng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo giảng dạy cho 11.325 sinh viên vào năm 2025 theo đề án đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Quốc Tế, dự kiến năm 2023, trường này sẽ thi công tiếp công trình Khối Hành chính - Nghiên cứu QT.A1 và khởi công mới công trình Khối Lớp học - Thí nghiệm Khoa Công nghệ Sinh học QT.B4 (Khối 7 tầng).
Trong đó, công trình Khối Lớp học - Thí nghiệm Khoa Công nghệ Sinh học có quy mô 7 tầng, được xây trên diện tích 9.800m2 với tổng mức đầu tư là 159,26 tỷ đồng. Công trình chủ yếu gồm phòng thí nghiệm, thực hành cho các chuyên ngành khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, môi trường như: công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, kỹ thuật y sinh, kỹ thuật hóa học và môi trường; các phòng học lý thuyết, phòng nghiên cứu, phòng chờ cho giảng viên và không gian trưng bày, triển lãm, giao lưu.
Được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, giai đoạn 2021-2025, ĐHQG-HCM triển khai nhiều hợp phần. Trong đó có đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dạy và học, cải tạo và cung cấp trang thiết bị giảng dạy, học tập cho lớp học thông minh, phòng thí nghiệm, thực hành ảo của các trường.
Thông qua dự án này, ĐHQG-HCM cũng xây dựng các khối nhà của Khoa Y cùng với trang thiết bị giảng dạy hiện đại và khuôn viên hạ tầng đi kèm.
Khu Viện Nghiên cứu cũng là một trong những công trình thuộc dự án WB. Công trình này có 7 tầng, được xây dựng trên diện tích 10.928m2. Nơi đây sẽ được cung cấp trang thiết bị hiện đại để nghiên cứu về 5 lĩnh vực thế mạnh của ĐHQG-HCM: xã hội nhân văn, phát triển chính sách, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu và công nghệ sinh học.
Công trình Ký túc xá B6 của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh ĐHQG-HCM dự kiến khởi công vào tháng 3/2023, nhằm cung cấp thêm 600 chỗ ở cho sinh viên nội trú. Công trình gồm 4 tầng, xây dựng trên diện tích 5.572,32m2 với tổng mức đầu tư là 25,6 tỷ đồng. Khi hoàn thành, Ký túc xá B6 sẽ kết nối các công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật hiện hữu và các công trình quy hoạch mới, giúp hài hòa cảnh quan khu vực, góp phần mang lại cho Trung tâm cơ sở hiện đại, thân thiện với môi trường.
Năm 2023, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên dự kiến tiếp tục đầu tư xây dựng dự án Nhà TN.B4-2 cho các khoa, bộ môn và phòng thí nghiệm giai đoạn 2. Công trình này cao 14 tầng, được xây dựng trên diện tích 1.103m2, tổng diện tích sàn là 13.593m2.
Công trình Nhà TN.B5-2, cao 9 tầng, được xây dựng trên diện tích 1.600m2 cũng được Trường ĐH Khoa học Tự nhiên dự kiến đầu tư xây dựng trong năm 2023. Khi hoàn thành, giảng viên, sinh viên sẽ có thêm hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại để nghiên cứu và học tập.
KHÁNH LÂM
Hãy là người bình luận đầu tiên