Tin tổng hợp

Niềm tin - cội nguồn của sức mạnh

  • 21/11/2020
  • Tôi nhận được Quyết định của Thủ tướng bổ nhiệm Giám đốc ĐHQG-HCM, đồng thời vẫn tiếp tục giữ trọng trách Thứ trưởng Bộ GD&ĐT vào khoảng giữa năm 2001. Lúc ấy, tôi đang là Ủy viên BCH TW Đảng khóa IX, Đại biểu Quốc hội khóa X, Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT.

    Cầm tờ quyết định trong tay, tôi không khỏi có chút phân vân, tự hỏi: Không biết mình có thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ mới này hay không? Thật lòng, lúc ấy tôi rất muốn có đồng chí khác giữ cương vị Giám đốc, vì dù sao tôi đã quen việc ở Bộ, mà quỹ thời gian cho công việc trước khi nghỉ hưu của tôi cũng không còn nhiều.

    Trở lại với ĐHQG-HCM là trở lại với một trung tâm đào tạo lớn nhất nước, nơi cách đó 4 năm, tôi đã từng công tác trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc.

    Vào thời điểm ấy, ĐHQG-HCM vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng về mô hình. Các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm gặp rất nhiều trở ngại để giữ vững mô hình mới mang đậm dấu ấn cải cách giáo dục, nhưng cũng là mô hình chưa kịp chuẩn bị chu đáo về quy chế tổ chức hoạt động, và cũng chưa có tiền lệ trong lịch sử giáo dục nước nhà. Năm năm trước khi tôi về, ĐHQG-HCM chứng kiến nhiều lần tách nhập, có lúc nhập lên đến 10 trường. Lần tách nhập cuối cùng còn lại ba trường lớn, một viện nghiên cứu và một khoa trực thuộc vừa được thành lập…

    Sau những phút có phần ngỡ ngàng, do dự; tôi quyết định dấn thân vào công việc mới.

    Niềm tin. Hai chữ “Niềm tin” là tài sản cá nhân lớn nhất mà tôi có được khi bắt tay vào việc. Không biết tự bao giờ, trong tôi đã có niềm tin rằng, với những đại học mạnh như các đại học thành viên của ĐHQG-HCM, chúng ta có thể thực hiện được giấc mơ Đổi mới giáo dục theo hướng nâng cao chất lượng toàn diện, từng bước góp phần phát triển giáo dục nước nhà ngang với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Chẳng phải khi nhiều dòng sông cùng hòa chung một hướng, khi những luồng gió mạnh thổi cùng chiều thì sức mạnh tương tác của nó sẽ hoàn toàn khác trước hay sao? Tôi nghĩ, cần hết sức nâng niu sáng tạo của từng cá thể, nhưng cũng phải biết vun đắp giá trị phi thường của sức mạnh quần thể, nhất là những quần thể vốn đã tiềm ẩn nhiều khát vọng vươn lên.

    Và tôi đã bắt tay vào việc, trước hết nhắm vào con người, tổ chức và chiến lược phát triển.

    Với con người, tôi đặc biệt chú ý phát huy sức mạnh trí tuệ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến tập thể. Tôi chú tâm nhanh chóng kiện toàn Ban giám đốc, Hội đồng ĐHQG-HCM, Trưởng phó các ban, Ban giám hiệu các đại học thành viên; đồng thời xúc tiến quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế cận để kịp thời có người thay thế khi tình huống yêu cầu. Tổ chức và tổ chức! Nhưng việc này không phải ở đâu cũng diễn ra thuận buồm xuôi gió! Đã có không ít những nhân sự gay cấn, đã có một số vị trí mà việc chọn người cần mở rộng ra khỏi phạm vi ĐHQG-HCM, cho dù trong ĐHQG-HCM vẫn tiềm ẩn người tài, nhưng do mới về, tôi và cả những đồng chí đã làm việc lâu năm, do khác đơn vị nên chưa phát hiện ra. Vấn đề là phải chấp nhận những người lâu nay chưa thật hiểu nhau, thậm chí tính cách rất khác nhau, nhưng công tâm và nhiệt huyết ngồi lại với nhau, để tạo nên thành công mới, và trước mắt không vì những trở ngại nhỏ mà gián đoạn công việc. Chỉ trong vài tháng, với quyết tâm cao, bộ máy lãnh đạo mới đã định hình và đi vào hoạt động có hiệu quả. Sau này, khi cầm quyết định nghỉ hưu, tôi rất thanh thản trao nhiệm vụ cho những người kế cận, không gặp bất kỳ trở ngại nào. Và những người sát cánh cùng tôi trong nhiệm kỳ đã làm tốt trách nhiệm được giao phó; đương nhiên không tránh khỏi có sự thay đổi, bố trí, sắp xếp lại ở một số vị trí.

    Với chiến lược, tôi đặc biệt có nhiều trăn trở. Chiến lược ở thời điểm đó-theo tôi nghĩ và làm-nhất thiết phải có sự hòa quyện của hai phần: phần khơi dậy khát vọng, sự đồng thuận, niềm tin và hy vọng; phần khác là tính khoa học và khả thi. Chiến lược phải định rõ kế hoạch, bước đi, giải pháp và phân công trách nhiệm. Trong tình hình một cơ sở mới vừa được tổ chức, sắp xếp lại, cần sớm có chiến lược để không mất hướng, để quy tụ trí tuệ và để có động lực mới trong suy nghĩ, hành động.

    Khi thảo luận chiến lược ở hội nghị, tập thể tán thành rất cao về ba mũi đột phá, nhưng lại phân tán về cách sắp xếp thứ tự ba mũi đột phá ấy. Không ít ý kiến đề nghị xếp ở vị trí thứ nhất là vấn đề chất lượng đào tạo, vấn đề chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy; hoặc vấn đề số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ. Tôi tán thành các ý kiến tâm huyết như vậy,  nhưng cố thuyết phục tập thể đặt vấn đề xây dựng cơ sở vật chất lên vị trí thứ nhất. Chất lượng đào tạo, xây dựng đội ngũ đương nhiên là vấn đề số một ở mọi nơi, mọi trường đại học. Với ĐHQG, điều ấy lại càng đúng. Duy có điều, chưa bao giờ ĐHQG-HCM lại có được cơ hội và nhu cầu bức bách về một cơ ngơi mới, khang trang, tầm cỡ như lúc này. Bỏ qua cơ hội này là bỏ qua kho báu không mấy khi tìm lại được. Vì vậy, tôi sử dụng cương vị Giám đốc của mình để thuyết phục tập thể chấp nhận đưa vấn đề xây dựng cơ sở vật chất mới ở Thủ Đức - Dĩ An (kể cả nội thành) lên vị trí số một. Và trong điều hành, chỉ đạo, bản thân tôi đã thật sự bám vào mục tiêu ấy với vai trò thủ trưởng ở mặt trận khó khăn, mới mẻ, nhiều ý tưởng khác nhau.

    Cái khó về kinh phí, cái khó về việc giải phóng hàng trăm hécta mặt bằng để xây dựng, cái khó về thiết kế, vật giá …cứ dồn dập ập đến. Mối quan tâm về ĐHQG-HCM của Đảng, Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và các tỉnh thành khác ngày càng lớn. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã trực tiếp về thăm và làm việc với ĐHQG. Chính phủ tổ chức nhiều cuộc họp, thậm chí có cả cuộc họp của Thường trực Chính phủ chỉ để thông qua một khoản ngân sách bổ sung cho việc xây dựng và giải phóng mặt bằng cho ĐHQG-HCM. Bản thân tôi tự xác định trách nhiệm thường xuyên có mặt ở tất cả cuộc họp quan trọng, trực tiếp chỉ đạo, kết luận và giải quyết các vướng mắc gay cấn; và đã có không dưới 30 lần trực tiếp tham dự lễ khởi công các công trình lớn của ĐHQG-HCM như Nhà điều hành, Quảng trường trung tâm, Thư viện trung tâm, Phòng thí nghiệm Nano, Khu Công nghệ Phần mềm, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, Nhà khách trung tâm, các giảng đường, các nhà làm việc mới của các đại học thành viên, hàng chục ký túc xá cho hàng ngàn sinh viên ở Thủ Đức - Dĩ An, kể cả ký túc xá hiện đại bậc nhất của Đại học Bách khoa ở nội thành… Một đô thị đại học dần dần ló dạng. Tuy khối lượng công việc còn lại là rất lớn, nhưng những gì đã làm được và đưa vào khai thác, sử dụng đều có tác động rất tích cực, củng cố niềm tin, niềm tự hào, tạo thêm động lực kích thích sáng tạo và vươn lên mạnh mẽ của cả hệ thống.

    Trong nhiệm kỳ làm Giám đốc, tôi đặc biệt vui mừng cảm nhận được sức mạnh tương tác của mô hình tổ chức đại học mới. Ai cũng biết, nếu trong một tập thể sinh viên có những nhóm xuất sắc cùng ngồi học với nhau, cùng trao đổi thảo luận các vấn đề học thuật thì nhóm xuất sắc ấy càng trở nên xuất sắc, tiến nhanh hơn nhiều so với những cá thể chỉ lặng lẽ ngồi học một mình. Điều giản đơn ấy đang được áp dụng và khai thác đúng quy luật ở mô hình tổ chức ĐHQG-HCM. Giờ đây, khi mà các cuộc họp giao ban, các hội nghị sơ kết, tổng kết đi vào nền nếp thì mọi hoạt động của các đơn vị đều có ý nghĩa tác động tương hỗ, thúc đẩy tính tích cực, sự năng nổ sáng tạo của các đơn vị khác. Rất nhiều hoạt động, nếu chỉ là một đơn vị riêng lẻ thì nó chỉ như đốm sáng leo lét nhưng khi cả ĐHQG vào cuộc thì nó sẽ bừng lên như một ngọn đuốc thiêng sáng rực cả bầu trời. Bộ GD&ĐT, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác đã “có lãi” khi giao cho ĐHQG-HCM trọng trách trong tuyển sinh, đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Chính phủ vì thế mà tiếp tục giao cho ĐHQG-HCM những nhiệm vụ quan yếu mà một đại học riêng lẻ không sao đảm nhận nổi. Hãy kiểm nghiệm điều này khi liên hệ với sự kiện mới đây, khi Chính phủ giao cho ĐHQG-HCM làm chủ đầu tư xây dựng ký túc xá 60.000 chỗ  cho sinh viên, hoặc nâng cấp Trung tâm Giáo dục Quốc phòng lên lưu lượng 50.000 lượt sinh viên/năm. Và cũng hãy kiểm nghiệm điều này khi đối chiếu với kết quả thực hiện Chiến lược trung hạn 2001-2006. Trong giai đoạn ấy, ĐHQG-HCM đã lập thêm hai đại học thành viên (Đại học Quốc tế, Đại học Công nghệ Thông tin), mở hàng chục ngành đào tào đại học và sau đại học mới, tăng gấp đôi số lượng cán bộ giảng dạy, tăng gần gấp ba số lượng giảng viên được phong học hàm giáo sư, phó giáo sư. Trong ĐHQG-HCM có đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ Đổi mới; tất cả các đơn vị trong hệ thống ĐHQG-HCM chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ; nhiều giảng viên, sinh viên tham gia các chương trình hoạt động học thuật quốc tế và được đánh giá cao…

    Đầu năm 2007, sau gần sáu năm đảm nhận chức vụ Giám đốc, tôi nhận được gần như một lúc hai quyết định: một quyết định thôi chức Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và một quết định thôi chức Giám đốc ĐHQG-HCM để thực hiện chế độ nghỉ hưu.

    Tôi rất thanh thản cầm hai quyết định và suy nghĩ: Sự nghiệp GD&ĐT là chiếc thang không có bậc cuối cùng. Mỗi người may mắn lắm cũng chỉ đóng góp được một phần để làm dài mãi các bậc thang ấy.

    Điều may mắn và hạnh phúc đối với tôi là trong nhiệm kỳ Giám đốc của mình, tôi đã cùng tập thể làm được những điều mà xét về mặt tạo niềm tin và động lực cho sự phát triển tiếp theo, tôi cảm thấy yên tâm và tự hào. Với niềm tin và động lực ngày càng lớn, ĐHQG-HCM - nơi đào tạo nhân tài, đào tạo những trí thức có tâm huyết và trình độ cao, sẽ góp phần xứng đáng để giáo dục Việt Nam sớm sánh ngang với các cường quốc trên thế giới.

    PGS.TS NGUYỄN TẤN PHÁT

    (Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM

    - Theo Kỷ yếu ĐHQG-HCM:15 năm xây dựng và Phát triển)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên