Đỗ Nguyễn Hoàng Nga (sinh năm 1996, ngành Kỹ thuật Hóa học) tốt nghiệp thạc sĩ với số điểm 9,63/10 - cao nhất trong số học viên cao học vừa tốt nghiệp của trường vào tháng 11/2020.
Cô hiện là Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển Dự án của Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Lọc hóa dầu Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM.
Luôn đặt mục tiêu để phấn đấu
Khi mới tốt nghiệp đại học, Hoàng Nga đã đặt mục tiêu từ năm 20 đến 30 tuổi sẽ tập trung học tập chuyên môn, trau dồi kinh nghiệm thực tiễn, hoàn thành bậc học thạc sĩ và tiến sĩ. Sau năm 30 tuổi, khi đã có nhiều kinh nghiệm, Nga sẽ cùng bạn bè khởi nghiệp.
Theo Hoàng Nga, niềm đam mê lớn nhất của cô là ngành hóa dược. Cô mong muốn sẽ khởi nghiệp ở lĩnh vực này để mang lại nhiều điều hữu ích cho sức khỏe con người. “Tại các công ty về giải pháp công nghệ, bộ phận nghiên cứu và phát triển là một trong những bộ phận cốt lõi nên mình muốn bản thân phải thật sự am hiểu và giàu kinh nghiệm mới bắt đầu con đường kinh doanh” - Hoàng Nga cho biết.
Chia sẻ về công việc, Hoàng Nga tâm sự rằng bản thân cũng không tránh khỏi những lúc căng thẳng vì không nảy ra ý tưởng mới. Để cân bằng cuộc sống, vài năm trở lại đây, cô tìm đến sách. Cô thường chọn sách có chủ đề tình cảm, mang giá trị nhân văn để nhìn cuộc sống ở nhiều chiều khác nhau và trau dồi thêm về cách diễn đạt ngôn từ. “Các dự án hiện nay của mình không chỉ thiên về nghiên cứu khoa học, mà còn đánh giá tính khả thi và ý nghĩa thực tiễn của chúng đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Do đó, người làm dự án phải có vốn từ ngữ và cách diễn đạt chặt chẽ, mạch lạc để các ý tưởng được trình bày rõ ràng, có điểm nhấn và tính thuyết phục” - Hoàng Nga lý giải về sở thích mới của mình.
Chú trọng trau dồi tiếng Anh
Một dấu ấn quan trọng của Hoàng Nga trong hai năm học thạc sĩ là chuyến thực tập trao đổi tại Singapore. Chuyến đi 6 tháng này đã đem lại cho cô những bài học và kinh nghiệm quý giá. Ở Đại học Quốc gia Singapore, cô được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp từ kiến thức chuyên môn đến tư duy phản biện và giải quyết vấn đề.
Công việc ban đầu không được suôn sẻ vì cô chưa tạo ra thành phẩm như mong muốn. Sau nhiều lần thất bại, Nga nhận ra mình đã bỏ qua một bước trong quy trình tổng hợp. Đây là bài học đầu tiên và cũng đáng nhớ nhất của cô. Mãi sau này Nga vẫn tự nhắc nhở bản thân và các bạn sinh viên rằng “khi làm thí nghiệm, chúng ta không được quá tự tin vào trí nhớ của mình, mọi thứ đều phải được viết ra rõ ràng”.
Một lý do giúp Hoàng Nga có được chuyến thực tập trao đổi này là cô có vốn tiếng Anh tốt, thể hiện qua chứng chỉ IELTS mà cô đạt được. Nga chia sẻ rằng cô cảm thấy may mắn vì được tiếp xúc tiếng Anh ngay từ khi mới học lớp 1. Cô luôn duy trì thói quen về nhà đọc lại các bài giảng của thầy cô trong suốt quá trình học tiếng Anh. Bên cạnh đó, Nga cũng thường xuyên nghe và bắt chước phát âm tiếng Anh từ băng cassette, video trên YouTube và chương trình BBC Learning English. Cô cho biết: “Muốn học giỏi tiếng Anh, chúng ta phải tiếp xúc với nó thật nhiều và tự tạo ra cơ hội để tiếp xúc với nó”.
Chính vì thế, khi đến Singapore, Nga khá dễ dàng hòa nhập với người bản xứ. Tuy nhiên, kiến thức là không giới hạn nên cô vẫn học hỏi và cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình. Cũng nhờ chuyến đi này, khả năng sử dụng tiếng Anh của cô trở nên thành thạo hơn, đặc biệt là kỹ năng viết bài báo khoa học bằng tiếng Anh. Trong nửa năm du học, cô có được hai công bố khoa học quốc tế và sau đó là bào vệ thành công xuất sắc luận văn thạc sĩ bằng tiếng Anh với số điểm 9,9.
Hoàng Nga trải lòng với các bạn trẻ: “Cuộc sống là của mình, do mình quyết định. Có thể đôi lúc gặp điều không may mắn, nhưng mình phải chấp nhận. Rồi mình phải đứng dậy đi tiếp và cố gắng hơn so với chính mình trong quá khứ”.
HOÀI THƯƠNG (Bản tin ĐHQG-HCM xuân Tân sửu 2021)
Hãy là người bình luận đầu tiên