Ngày 16/1/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm PGS.TS Huỳnh Thành Đạt làm Giám đốc ĐHQG-HCM. Nhân dịp này, Bản tin ĐHQG-HCM đã có buổi trò chuyện cùng tân Giám đốc về đường hướng phát triển của ĐHQG-HCM trong thời gian tới.
* Xin trân trọng chúc mừng ông vừa được trao trọng trách mới. Ông có thể giới thiệu đôi nét chính về bối cảnh phát triển của ĐHQG-HCM hiện nay?
- ĐHQG-HCM phát triển trong bối cảnh đất nước trải qua hơn 30 năm đổi mới, ĐHQG-HCM có hơn 20 năm gầy dựng và trưởng thành, đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, và đến nay có thể khẳng định rằng: việc thành lập hai ĐHQG để làm nòng cốt cho giáo dục đại học Việt Nam là quyết định đúng đắn, mang tầm chiến chiến lược của Đảng và Nhà nước.
“Sự xuất sắc và cống hiến hết mình của những người tiền nhiệm vừa cho chúng ta những bài học, những kinh nghiệm quý giá, nhưng đồng thời cũng yêu cầu chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt trong nhiều vấn đề còn khó khăn trước mắt”.
Trong những năm qua, hai ĐHQG đã từng bước trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực với chất lượng hàng đầu của Việt Nam. Hiện nay, riêng ĐHQG-HCM đang dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế, về số lượng và chất lượng công bố quốc tế, và cả về các chương trình liên kết, hợp tác quốc tế. ĐHQG-HCM cũng là đơn vị đi đầu cả nước trong việc hình thành và phát triển một khu đô thị đại học khang trang, hiện đại, thân thiện với môi trường, hướng tới một thành phố đại học thông minh tại cửa ngõ Đông Bắc TP.HCM.
Sự xuất sắc và cống hiến hết mình của những người tiền nhiệm vừa cho chúng ta những bài học, những kinh nghiệm quý giá, nhưng đồng thời cũng yêu cầu chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt trong nhiều vấn đề còn khó khăn trước mắt. Các vấn đề đó là: việc giải phóng mặt bằng trong khu đô thị, việc tiếp tục xây dựng, chăm lo và phát triển đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
* Trong bối cảnh đó, ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Giám đốc ĐHQG-HCM, cảm xúc và suy nghĩ của ông thế nào?
- Tôi rất xúc động và vinh dự khi được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ gánh vác trọng trách Giám đốc ĐHQG-HCM. Đây là nhiệm vụ vinh quang đồng thời cũng rất nặng nề, đầy thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn trên nhiều lĩnh vực trong đó có cả giáo dục đại học từ trong nước và ngoài nước.
Trong những năm qua, ĐHQG-HCM đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng, đóng góp cho sự phát triển đất nước nói chung, ngành giáo dục nói riêng và cho cả chính mình. Thành quả đó là kết tinh công sức của nhiều thế hệ thầy và trò của chúng ta. Đó còn là kết quả của sự chỉ đạo sát sao, hỗ trợ hiệu quả của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương. Tôi nhận thức rằng bảo vệ, duy trì những thành quả đạt được là khó và để có được những thành tựu lớn hơn trong tương lai là khó hơn nhiều lần.
Để làm được điều đó, cá nhân tôi và toàn hệ thống phải nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ trong tư duy và hành động với khát vọng vươn lên đỉnh cao của sự phát triển, góp phần cho sự phồn vinh và vững bền của đất nước.
* Kinh nghiệm nhiều năm liền làm Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG-HCM sẽ giúp ông có nhiều thuận lợi trên cương vị mới để điều hành ĐHQG-HCM?
- Tôi được học tập, rèn luyện và trưởng thành từ một trường thành viên, tham gia công tác quản lý trường sau đó cấp ĐHQG từ những năm đầu hình thành ĐHQG-HCM. Tôi được giao nhiệm vụ Phó Giám đốc Thường trực trong hơn 12 năm, kể từ năm 2004. Tôi đã nỗ lực, phấn đấu để thực thi tốt nhất chức trách của mình, qua đó tôi học hỏi được nhiều điều rất bổ ích, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá từ thực tiễn ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động của một hệ thống đại học lớn. Đặc biệt, tầm nhìn và khả năng tư duy của tôi luôn được mở rộng, nâng cao từng bước.
Cũng trong thời gian này, tôi đã được Đảng, Nhà nước và lãnh đạo ĐHQG-HCM cử tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị và kỹ năng lãnh đạo cấp chiến lược. Một điều không thể không nói đến, là trong thời gian giữ nhiệm vụ Phó Giám đốc Thường trực và trước đó là Chánh Văn phòng, tôi có điều kiện tham gia làm việc nhiều với các đơn vị trong hệ thống. Từ đó, tôi hiểu được được thế mạnh, điểm yếu, tính đặc thù, tính phổ biến, khả năng hợp tác, cạnh tranh của các đơn vị. Dần dần tôi hình thành được mối quan hệ tốt đẹp và mạng lưới công việc ngày càng hiệu quả trong toàn hệ thống.
Ngoài ra, công việc thường xuyên quan hệ với các bộ ngành, cơ quan trung ương và địa phương cũng giúp tôi có được nhiều thuận lợi trong việc báo cáo, đề xuất nhanh những vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển ĐHQG-HCM. Tất cả những điều đó là hành trang quý báu, là thế năng, là xung lượng mạnh mẽ sẽ thực sự giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị mới với nhiều thách thức này.
* Trong công tác chỉ đạo, điều hành ĐHQG-HCM sắp tới, ông có những quyết sách ưu tiên gì?
- Như đã được khẳng định trong chiến lược phát triển của ĐHQG-HCM, thời gian sắp tới hai mảng công việc lớn mà tôi ưu tiên quan tâm trong công tác chỉ đạo điều hành là xây dựng thành công khu đô thi đại học và đưa chất lượng giáo dục đại học của ĐHQG-HCM lên tầm cao mới. Đây là niềm khát vọng luôn cháy bỏng, nỗi trăn trở thường xuyên của cá nhân tôi cũng như của các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm và của tất cả chúng ta.
“Tôi mong muốn chúng ta hãy đoàn kết một lòng, phát huy mạnh mẽ tài năng và trí tuệ, niềm đam mê khoa học, những khát khao khám phá. Chúng ta làm thật tốt vai trò người thầy, người lãnh đạo, người quản lý để cùng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển ĐHQG-HCM”.
Đối với việc thứ nhất, có hai vấn đề khó, đó là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và nguồn vốn cho xây dựng công trình. Hai vấn đề này hiện nay cũng có hướng ra khả thi và giải pháp thực hiện. Về GPMT, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phương án đề xuất của ĐHQG-HCM là giải quyết dứt điểm công tác này trong năm 2018 với nguồn vốn tập trung của Chính phủ, vốn hỗ trợ của hai địa phương (TP.HCM và tỉnh Bình Dương) và những nguồn vốn hợp pháp khác. Về nguồn vốn xây dựng công trình, đây là việc khó, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, vốn đầu tư bị hạn chế. Giải pháp là bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, chúng ta đang đề nghị các cấp có thẩm quyền cho thực hiện phương thức công - tư PPP (cụ thể là phương thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao - BT). Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc. Nếu việc này thuận lợi, các công trình của các đơn vị cũng như của toàn khu có khả năng hoàn thành sớm và theo đó khu đô thi đại học hiện đại, thân thiện, thông minh sẽ sớm thành hiện thực, không còn là “làng đại học” nữa.
Việc nâng cao chất lượng đào tạo để sớm hội nhập, ngang tầm quốc tế và khu vực là trách nhiệm lớn của toàn hệ thống với mục tiêu, lộ trình đã được thể hiện rõ trong chiến lược phát triển. Hiện nay các trường thành viên đã nhận thức ngày càng đầy đủ hơn và theo đó đã có đầu tư thích đáng cho công tác đảm bảo chất lượng đào tạo ở tất cả các mặt.
Văn hóa chất lượng, môi trường chất lượng đã dần được hình thành ở hầu hết đơn vị. Công tác đánh giá, xếp hạng cấp quốc gia, khu vực và quốc tế đã được quan tâm đầu tư đúng mức và cũng đã đạt được nhiều thành quả rất đáng tự hào. Việc tham gia xếp hạng quốc tế cũng đang được đẩy mạnh, bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Đã được xem là ưu tiên, thì cần phải được tập trung đầu tư và chỉ đạo, điều hành và để đạt được hai mục tiêu ưu tiên lớn này trong thời gian không xa nhất thiết chúng ta phải thay đổi cách làm, cách tư duy; cần dám nghĩ, biết làm và sẵn sàng chịu trách nhiệm. Tôi rất mong tất cả chúng ta chia sẻ điều này.
* Trên cương vị mới, ông có gửi thông điệp gì tới cán bộ, giảng viên, công nhân viên ĐHQG-HCM?
- Tôi nghĩ không phải là thông điệp mà là những suy nghĩ, trăn trở, ước muốn và tình cảm mà tôi muốn gửi đến toàn thể cán bộ, công chức, giảng viên, viên chức của ĐHQG-HCM thân yêu của chúng ta rằng Đảng và Nhà nước giao cho ĐHQG-HCM sứ mạng hết sức lớn lao và theo đó trách nhiệm cộng đồng của chúng ta rất vẻ vang.
Tôi mong muốn chúng ta hãy đoàn kết một lòng, phát huy mạnh mẽ tài năng và trí tuệ, niềm đam mê khoa học, những khát khao khám phá. Chúng ta làm thật tốt vai trò người thầy, người lãnh đạo, người quản lý để cùng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển ĐHQG-HCM. Đoàn kết để chúng ta đủ sức làm tròn sứ mệnh và trách nhiệm được giao, đồng thời góp phần nâng tầm tri thức và giá trị Việt Nam sánh ngang cùng với các nước phát triển trong khu vực và thế giới như kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tiểu sử Giám Đốc ĐHQG-HCM
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt sinh ngày 26/8/1962 tại xã An Định, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Trình độ: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vật lý, Cử nhân chính trị.
Trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc ĐHQG-HCM, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt trải qua các chức vụ: Phó Trưởng Phòng Tổ chức Hành chính, Trưởng Phòng Tổ chức Hành chính Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM; Chánh Văn phòng, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG-HCM.
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt hiện là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy ĐHQG-HCM đồng thời là Đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Trong quá trình công tác, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt đã được tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng III, Huy chương “Vì thế hệ trẻ”, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2005, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT năm 2003, Chiến sĩ thi đua cấp Bộ năm 2006, Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2009.
HỮU NGHĨA thực hiện
Hãy là người bình luận đầu tiên