Được may mắn tiếp cận những kiến thức về trí tuệ nhân tạo từ năm 1995 - khi là sinh viên năm III Khoa Toán - Tin, Trường ĐH Tổng Hợp TP.HCM, PGS.TS Vũ Hải Quân đã nhanh chóng nhận ra niềm đam mê của mình về lĩnh vực này. Quá trình liên tục nghiên cứu, từ bậc cử nhân đến hậu tiến sĩ, đã giúp ông nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu đáng quý về học thuật.
Ông hiện là Phó Giám đốc ĐHQG-HCM và là chuyên gia đầu ngành trí tuệ nhân tạo ứng dụng, dẫn dắt các nhóm nghiên cứu về giao tiếp máy tính bằng tiếng Việt.
Huy hiệu Tuổi trẻ Sáng tạo
PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, khi tham dự các môn học về trí tuệ nhân tạo và đồ họa do GS Hoàng Kiếm (nguyên là Trưởng khoa CNTT của Trường ĐH KHTN, Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT) trình bày, ông đặc biệt quan tâm đến các kỹ thuật tương tác với máy tính bằng hình ảnh. Sau đó, ông cùng bạn chọn đề tài “Ứng dụng đồ họa 3D trong các bài toán môi trường” làm khóa luận tốt nghiệp đại học. Khóa luận của ông đạt điểm tuyệt đối và được trao giải Nhất - Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM năm 1996. Cũng năm đó, ông tình nguyện ở lại trường làm công tác trợ giảng và tiếp tục nghiên cứu.
Trong những năm 1999-2001, Vũ Hải Quân tham gia dự án phát triển hệ thống đào tạo từ xa do GS Hoàng Kiếm làm chủ nhiệm. Trong dự án này, ông dẫn đầu nhóm nghiên cứu về việc ứng dụng đồ họa mô phỏng các thuật toán và các kỹ thuật nén video để truyền bài giảng qua mạng. Kết quả nghiên cứu là hệ thống và chương trình đào tạo từ xa đầu tiên của ĐHQG-HCM được triển khai ở Trung tâm CITD (nay là Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM). Ông cùng nhóm nghiên cứu của mình nhận được giải Nhì - Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Việt Nam năm 2001 và được Trung ương Đoàn trao huy hiệu Tuổi trẻ Sáng tạo.
Nghiên cứu giao tiếp với máy tính
Mặc dù có những thành tựu ban đầu rất đáng khích lệ trong nghiên cứu về kỹ thuật đồ họa nhưng Vũ Hải Quân vẫn cảm giác rằng đó chưa phải là hướng nghiên cứu của mình. Làm thế nào để có thể giao tiếp và điều khiển máy tính bằng hình ảnh, âm thanh và ngôn ngữ tiếng Việt mới chính là mối quan tâm hàng đầu của ông. Ý tưởng này đã thôi thúc ông thực hiện đề tài “Phát triển một số phương pháp nhận dạng ảnh văn bản” làm luận văn thạc sĩ dưới sự hướng dẫn của GS Hoàng Kiếm. Đóng góp đáng chú ý của ông trong luận văn là đề xuất được phương pháp kết hợp đặc trưng hình ảnh và ngôn ngữ trong một hệ thống nhận dạng ảnh văn bản tiếng Việt.
Tháng 11/2001, ông nhận học bổng qua Ý làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Tổng Hợp Trento. Ở đây, ông tham gia nhóm nghiên cứu về Xử lý ngôn ngữ nói của Viện ITC-Irst và bắt đầu làm quen với hệ thống nhận dạng tiếng nói do ITC-Irst phát triển. “Giáo sư hướng dẫn tôi nói rằng hệ thống của ITC-Irst hiện tại chỉ có thể tìm kiếm và trả về một kết quả tốt nhất. Ông muốn nghiên cứu cải tiến mô-đun này để nó có thể trả về nhiều hơn một kết quả dạng tập hợp các câu tốt nhất. Vì vậy, tôi nghĩ về việc sử dụng tập câu này để gia tăng độ chính xác cho hệ thống dịch bằng phương pháp học máy. Sau khi trình bày ý tưởng với giáo sư và mất gần một năm vừa lập trình vừa thực nghiệm, kết quả hoàn toàn đáp ứng mong đợi: độ chính xác của hệ thống và tốc độ được gia tăng đáng kể” - PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết.
Toàn bộ phương pháp và thực nghiệm của công trình này được ông mô tả trong bài báo khoa học và trình bày ở hội nghị Eurospeech 2005, một trong số ít hội nghị được xếp hạng cao trong lĩnh vực xử lý tiếng nói.
Tháng 2/2005, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và nhận học bổng postdoc ở ĐH Tổng Hợp Leuven, đại học danh tiếng của nước Bỉ và nằm trong danh sách 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Tháng 8/2005, hệ thống dịch tiếng nói của ITC-Irst mà ông tham gia phát triển đạt giải cao nhất trong cuộc thi dịch máy quốc tế tổ chức ở ĐH Carnegie Mellon (Mỹ), vượt qua cả các công ty lớn như IBM, Microsoft.
Sáng lập Phòng thí nghiệm AILab
Trở về nước năm 2007, PGS.TS Vũ Hải Quân rất muốn tiếp tục nghiên cứu lĩnh vực này nhưng gặp khó khăn vì việc xử lý tiếng nói là lĩnh vực nghiên cứu đặc thù, đòi hỏi nhiều thiết bị như hệ thống thu âm dữ liệu, hệ thống máy tính tốc độ cao để chạy thực nghiệm... mà lúc đó, những thiết bị này, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đều chưa có. Không chịu ngồi yên, ông liền bắt tay viết dự án xin đầu tư Phòng thí nghiệm AILab và đề tài cấp trọng điểm ĐHQG-HCM về tổng hợp tiếng nói để thực hiện niềm đam mê nghiên cứu của mình. Dự án được ĐHQG-HCM phê duyệt, cấp kinh phí gần 7 tỷ đồng để ông xây dựng phòng thí nghiệm AILab và cấp gần 400 triệu cho đề tài trọng điểm.
Năm 2009, nhóm nghiên cứu của ông công bố phần mềm “Tiếng nói Phương Nam” - phần mềm tổng hợp tiếng nói dựa trên phương pháp ghép nối đơn vị ngữ âm. Ngay lập tức phần mềm này thu hút được sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là sau khi nhận giải Ba - Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2009. Năm 2012, “Hệ thống trả lời tự động bằng giọng nói” (VIS: Viet voice Serve) của phòng thí nghiệm AILab tiếp tục đạt giải Nhì - Giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Đến nay, AILab đã ký nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ với các công ty lớn ở Việt Nam, tham gia dự án do USAID tài trợ để xây dựng chương trình đọc màn hình cho người khiếm thị. AILab cũng đã hoàn tất phần đăng ký sở hữu trí tuệ và giải pháp hữu ích cho phần mềm này.
“Trong chiến lược lâu dài, tôi quan tâm đến lĩnh vực tìm kiếm video dựa trên công nghệ nhận dạng tiếng nói vì đó là một lĩnh vực vừa có tiềm năng ứng dụng, vừa đặt ra nhiều bài toán có hàm lượng khoa học cao” - PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết.
Ngoài ra PGS. Vũ Hải Quân còn là người sáng lập CLB Robotics-IoT trực thuộc phòng thí nghiệm AILab. Với dự tài trợ của Cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ, tính từ 2015 đến nay, đã có hơn 2.000 lượt bạn trẻ được đào tạo về lập trình robot, Internet vạn vật. Nhiều bạn đã đạt giải thưởng trong nước và quốc tế.
PGS.TS VŨ HẢI QUÂN NHẬN DANH HIỆU GIÁO SƯ DANH DỰ AUT (NEW ZEALAND) Tối 1/10, dưới sự chứng kiến của bà Wendy Matthews, đại sứ New Zealand tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo ĐH Công nghệ Auckland (AUT), đã trao danh hiệu Giáo sư Danh dự (Adjunct Professor) cho PGS.TS Vũ Hải Quân. Đây là một trong những hoạt động đánh dấu 10 năm hợp tác giữa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM và ĐH AUT (2008-2018). PGS.TS Vũ Hải Quân nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM. Ông là người đã triển khai chương trình liên kết với AUT đào tạo ngành Công nghệ thông tin chất lượng cao ngay từ những năm đầu. Hiện chương trình đã đào tạo đến khóa thứ 11 với tổng số hơn 600 sinh viên. Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng đây là một chương trình hợp tác quy mô nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn, đưa hai quốc gia ngày càng gần nhau hơn. |
MINH CHÂU (Bản tin ĐHQG-HCM số 191-192)
Hãy là người bình luận đầu tiên