Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM tại tọa đàm về định hướng nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tại ĐHQG-HCM. Tọa đàm do ĐHQG-HCM tổ chức vào chiều 28/4 tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM.
Tại tọa đàm, PGS.TS Lâm Quang Vinh - Trưởng ban Ban KHCN ĐHQG-HCM, đã giới thiệu danh mục các chương trình cấp quốc gia về KHCN được Thủ tướng phê duyệt. Ông cũng lưu ý dựa theo nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia và cấp ĐHQG-HCM giai đoạn 2023-2025, các nhà nghiên cứu có thể đăng ký online đề tài liên quan lĩnh vực NNCNC theo hai cấp này.
Ông Vinh cho biết thêm, về việc hình thành Khu vườn ươm NNCNC tại Khu đô thị ĐHQG-HCM, Ban KHCN đã nhận được 26 đề xuất từ các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQG-HCM. Trong đó, một số đề xuất nổi bật được giới thiệu và thảo luận như: triển khai trang trại sản xuất quy mô công nghiệp rau-cá công nghệ theo mô hình Aquaponic (TS Hồ Thanh Huy, Trường ĐH KHTN); mô hình sản xuất thử nghiệm phân bón và thuốc trừ sâu sinh học (PGS.TS Lê Thị Kim Phụng, Trường ĐH Bách Khoa); ứng dụng công nghệ sinh học thực vật 4.0 Khu vườn ươm NNCNC (PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, Trường ĐH Quốc Tế); triển khai khu thực nghiệm dược liệu (GS.TS Lê Minh Trí, Khoa Y ĐHQG-HCM), ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chế phẩm prebiotic, probiotic, synbiotic phục vụ ngành nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (TS Nguyễn Hữu Thanh, Trường ĐH An Giang),…
Đề xuất mô hình sản xuất thử nghiệm trình diễn NNCNC, TS Nguyễn Hữu Hoàng - Trường ĐH KHTN, cho rằng ĐHQG-HCM cần đầu tư xây dựng một phòng thí nghiệm lõi dùng chung cho các đơn vị đồng thời phát triển hệ thống cộng tác viên trong toàn miền Nam để tiếp nhận những yêu cầu thực tế của người nông dân.
Phòng thí nghiệm lõi này sẽ gồm hệ thống máy móc sinh học phân tử, hệ thống vi khí hậu, phòng tập huấn cho doanh nghiệp và nông dân khi chuyển giao các sản phẩm công nghệ. Hiệu quả hoạt động của phòng được tính theo số lượng hợp tác khai thác hằng năm.
Kết hợp phòng thí nghiệm lõi này là ba khu vực phụ cận khác. Đó là khu vực sản xuất cây giống, cây con với tỉ trọng gia công/tự sản xuất tăng dần theo từng năm và hoạt động theo hình thức tự thu tự chi. Tiếp đến là khu vực nhà lưới nhằm phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển, có thể cho doanh nghiệp thuê theo diện tích với giá ưu đãi cũng như sản xuất cây con và cây giống cũng như trình diễn các kỹ thuật thủy canh, khí canh, aquaponic khi chưa có như cầu bên ngoài. Cuối cùng là khu vực trưng bày sản phẩm, giới thiệu năng lực nghiên cứu và phát triển của ĐHQG-HCM trong lĩnh vực NNCNC.
Phát biểu kết luận tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, cho rằng ĐHQG-HCM có ít nhất 3 thế mạnh để thực hiện mô hình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ lĩnh vực NNCNC. Đó là quyết tâm cao của Ban Giám đốc ĐHQG-HCM; trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học được thể hiện qua số lượng đề xuất mô hình nghiên cứu NNCNC và nguồn lực về hạ tầng.
Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh rằng, các nhà khoa học không chỉ dừng lại ở việc thực hiện các nghiên cứu đồng hành với người nông dân như chữa sâu bệnh cho cây trồng mà còn phải tìm ra những nghiên cứu mang tính dẫn dắt.
“Vai trò của đại học là phải đặt ra những nghiên cứu dẫn dắt, mang lại giá trị lớn, góp phần tạo sự thay đổi cho nông nghiệp nước nhà. Từ đó hình thành nên những trung tâm về giống cây, trung tâm trưng bày sản phẩm công nghệ cao” - ông Quân nhận định.
Tin, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên