Ngày 7/6, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế Vi mạch ĐHQG-HCM (ICDREC) đã công bố kết quả định giá của Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ thuộc Bộ KH&CN cho sản phẩm IP do ICDREC thiết kế, xây dựng. Theo đó, các sản phẩm vi mạch của ICDREC được định giá 290,404 tỷ đồng.
Các sản phẩm vi mạch Việt Nam được định giá gồm: chip vi xử lý 8 bit và 32 bit; lõi IP ngoại vi cho vi xử lý 8 bit; các lõi IP ngoại vi cho vi xử lý 32 bit; lõi IP xử lý tín hiệu số và xử lý ảnh; lõi IP chip Analog và Mix-signal. Các sản phẩm được ứng dụng như điện kế điện tử, thiết bị giám sát hành trình, hệ thống đèn chiếu sáng… cũng được định giá trong đợt này.
Các sản phẩm trên ra đời từ nguồn đầu tư của Bộ KH&CN cùng Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013-2020.
Với nguồn đầu tư nhà nước ban đầu là 213 tỷ đồng, đến nay giá trị công nghệ ICDREC lên đến 290 tỷ đồng. Ngoài ra, ICDREC còn thu được từ hoạt động chuyển giao công nghệ 68 tỷ đồng và từ sản xuất sản phẩm, cung cấp thiết bị 31 tỷ đồng.
Theo ThS Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC, với các sản phẩm trên, Việt Nam đã có tên ghi tên trên bản đồ thiết kế vi mạch thế giới. Tuy nhiên, các sản phẩm vi mạch Việt Nam thuộc loại giá trị thấp, phát triển trên công nghệ 180 và 130 nanomet. Ông Hoàng cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện các sản phẩm vi mạch và chuyển đổi một số IP hiện có sang công nghệ mới SOTB.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá thành quả của ICDREC là rất đáng khích lệ bởi nó cho thấy sự cố gắng bước vào lĩnh vực công nghệ cao của đội ngũ kỹ sư Việt Nam. Vì thế, Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư cho chương trình phát triển vi mạch để ứng dụng vào việc kiến tạo đô thị thông minh.
Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ trao giấy chứng nhận định giá sản phẩm IP
cho Trung tâm ICDREC. Ảnh: ICDREC
KHÁNH LÂM
Hãy là người bình luận đầu tiên