Hội thảo

Sẽ xuất bản công trình nghiên cứu Lịch sử Đảng bộ ĐHQG-HCM

  • 31/10/2023
  • PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Trưởng ban Ban Tuyên giáo ĐHQG-HCM, cho biết như vậy tại Hội thảo khoa học “Lịch sử Đảng bộ ĐHQG-HCM (1996-2020)”, do ĐHQG-HCM tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV (cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Q1) vào sáng 31/10.

    Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, việc biên soạn lịch sử Đảng bộ ĐHQG-HCM nhằm cụ thể hóa chỉ thị số 20 của Trung ương và kế hoạch số 263 của Thành ủy nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cho cán bộ, đảng viên và sinh viên.

    Đến nay, Ban Biên soạn đã cơ bản hoàn thiện bản thảo. Các ý kiến đóng góp cho hội thảo này sẽ được Ban Biên soạn tiếp thu, hoàn chỉnh nhằm mang đến một sản phẩm khoa học đạt những mục tiêu đã đặt ra.

    “Dự kiến tháng 11 chúng ta sẽ nghiệm thu đề tài, xuất bản và thúc đẩy một nội dung quan trọng khác là giáo dục lịch sử Đảng bộ. Như vậy, biên soạn chỉ là một nửa nhiệm vụ mà chúng ta thực hiện theo Nghị quyết 03 của Đảng bộ ĐHQG-HCM” - Trưởng ban Ban Tuyên giáo ĐHQG-HCM nói.

    PGS.TS Hà Minh Hồng - nguyên Trưởng khoa Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV, thành viên Ban Biên soạn, cho biết bản thảo công trình nghiên cứu Lịch sử Đảng bộ ĐHQG-HCM 1996-2020 được thể hiện qua 7 nội dung.

    Cụ thể, (1) mô hình ĐHQG-HCM và sự ra đời của Đảng bộ ĐHQG-HCM; (2) Đảng bộ trong quá trình hoàn thiện mô hình ĐHQG-HCM trong giai đoạn 1995-2000; (3) Đảng bộ lãnh đạo phát triển sức mạnh hệ thống của ĐHQG-HCM trong giai đoạn 2000-2010; (4) Đảng bộ lãnh đạo xây dựng, mở rộng, phát triển toàn diện ĐHQG-HCM để có tầm vóc quốc tế trong giai đoạn 2010-2015; (5) Đảng bộ lãnh đạo phát triển ĐHQG-HCM thực hiện sứ mạng thúc đẩy tiến bộ xã hội trong giai đoạn 2015-2020; (6) Nhìn lại chặng đường 25 năm từ 1995-2020; (7) Phụ lục, sơ đồ và biên niên lịch sử, hình ảnh minh họa quá trình hoạt động, xây dựng và phát triển của ĐHQG-HCM.

    Ông Hồng cho rằng có 2 vấn đề quan trọng mà bản thảo này đặt ra. Đầu tiên là sự phân kỳ. Cách phân kỳ trên chỉ là ý tưởng ban đầu. Do vậy, cần có thêm sự góp ý của lãnh đạo ĐHQG-HCM qua các thời kỳ, các nhà khoa học, những người am hiểu về ĐHQG-HCM. 

    Tiếp đến là về nguồn tư liệu. Ban Biên soạn sử dụng 2 nguồn tư liệu phản ánh sự lãnh đạo của Đảng bộ. Đó là một số văn kiện của Đảng bộ và tài liệu thể hiện sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy thông qua việc triển khai kế hoạch trung hạn của ĐHQG-HCM, các cơ sở Đảng của trường đại học thành viên. 

    Trên thực tế, để nói về cách tiếp cận lịch sử Đảng bộ lãnh đạo một mô hình đại học gồm nhiều trường đại học đa ngành đa lĩnh vực, cần có sự cân nhắc trong vấn đề đưa tư liệu như thế nào.

    “Trong phạm vi hai ĐHQG của Việt Nam, chưa có một dự thảo, công trình hay ấn phẩm nào về lịch sử Đảng bộ, kể cả lịch sử Đảng bộ cơ sở. Do chưa được thừa kế các công trình đi trước nên trong quá trình nghiên cứu, chắc chắn có khá nhiều vấn đề nảy sinh và tạm thời chưa giải quyết được” - PGS.TS Hà Minh Hồng đánh giá.

    Hội thảo đã lắng nghe các góp ý từ thành viên Ban Thường vụ Đảng ủy ĐHQG-HCM qua các thời kỳ, Bí thư Đảng ủy của các trường thành viên và gần 30 nhà quản lý, nhà khoa học trong hệ thống ĐHQG-HCM. Các ý kiến này chủ yếu xoay quanh một số chủ đề như mô hình ĐHQG và vai trò của Đảng bộ đối với sự hoàn thiện và phát triển mô hình này; phân kỳ lịch sử Đảng bộ; tính chính xác của phụ lục 25 năm ĐHQG-HCM…

    PGS.TS Ngô Thị Phương Lan phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: THU TRANG
    Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: THU TRANG

    PHIÊN AN - THU TRANG

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên