Hoạt động sinh viên và cộng đồng

Sinh viên Báo chí mang “dị bản cổ tích” lên sân khấu

  • 22/12/2023
  • Sau hơn 12 tuần tập luyện ráo riết, tối 22/12, CLB Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn công diễn vở kịch Đạo chích & Quốc vương tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, cơ sở Đinh Tiên Hoàng (Q1), thu hút hơn 500 sinh viên tham dự.

    Thành viên của CLB Kịch Khoa Báo chí & Truyền thông chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc buổi tập thử.

    Đạo Chích & Quốc Vương là vở diễn mang màu sắc dân gian, được cảm tác từ những truyện cổ tích quen thuộc: Đúc người, Quận gió, và Dã Tràng. Tác phẩm kể về hành trình Quận Phong - một tên cướp trượng nghĩa, tình cờ đụng độ với chàng học trò nghèo vốn là đức vua cải trang để thị sát cuộc sống người dân. Cả hai bị cuốn vào một vụ trộm vàng kỳ lạ, từ đó phát hiện ra bí mật động trời về số phận bản thân và vận mệnh đất nước.

    Nguyễn Đức Huy (tác giả và dàn dựng) cho biết: “Chúng mình muốn mượn chuyện xưa để nói chuyện nay. Những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện đại như tình nghĩa đồng bào, lòng trắc ẩn, thói vô ơn…, sẽ được thể hiện thông qua loạt chi tiết châm biếm dí dỏm, sâu cay”.

    Đây là vở diễn có bối cảnh dân gian, nên việc tạo hình nhân vật, cách diễn đạt, đài từ, hành động… của diễn viên đều có sự khác biệt so với hầu hết vở mà CLB từng trình diễn. “Mình cực kỳ ấn tượng bởi sự đầu tư của đội kịch cả về kịch bản, diễn xuất lẫn cách bài trí trên sân khấu. Kịch bản biến hóa liên tục khiến mình khá bất ngờ và không đoán trước được diễn biến tiếp theo. Mình không nghĩ một vở kịch do sinh viên biểu diễn lại có thể chỉn chu được như vậy” - khán giả Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết.

    Chuẩn bị cảnh trí và đạo cụ cho vở diễn cũng là một thách thức không nhỏ. Phan Anh Toàn - thành viên ban sản xuất, chia sẻ: “Đây là vở diễn được đầu tư ‘khổng lồ’ về số lượng đạo cụ, cảnh trí. Tổ sản xuất đã chuẩn bị gần 10 cảnh trí lớn cho sân khấu (cây liễu, núi đá, khung hầm vàng, hòn non bộ, khung tranh...). Bên cạnh đó, số lượng đạo cụ nhỏ có thể đến vài chục món (dao, pháo, ống tre, cá, rắn...). Tất cả đều được chúng mình đầu tư hết sức chỉn chu”.

    Song song đó, đội ngũ phục trang của vở diễn cũng dành nhiều thời gian và công sức để phác thảo tạo hình và phục trang phù hợp với từng nhân vật trước ngày công diễn đến gần 6 tháng. Nguyễn Võ Thanh Nhân, thành viên tổ phục trang, cho hay: “Sau khi nhận được mô tả kịch bản từ đạo diễn, tổ phục trang đã tìm hiểu và lên bản thiết kế cho từng bộ trang phục. Với mong muốn mang nét đẹp Việt phục đến gần hơn với sinh viên nên các khâu từ thời gian thực hiện, chi phí, chất liệu đến các loại trang sức, phụ kiện để tạo hình cho nhân vật đều được tính toán kỹ lưỡng. Đây cũng là lần đầu tiên tụi mình phải tự tay may và trang trí cho hầu hết bộ phục trang”.

    Hoạt động từ năm 2017, CLB Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn đã trình diễn 7 vở kịch dài và để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả, gồm: Mặt trời soi kiếp rong chơi, Nửa trời phiêu lãng, Cuối trời phiêu lãng, Trái tim hóa thạch, Lá hát như mưa, Nằm khóc một mình, Đạo chích & quốc vương.

    Các bạn sinh viên thể hiện vai diễn của mình trên sân khấu.
    Các diễn viên trong phân cảnh khép lại vở kịch.
    Tổ phục trang trang trí hoa văn cho các bộ trang phục.
    Tổ sản xuất trang trí các đạo cụ cho đêm diễn. 

    Tin, ảnh: ĐÌNH KHẢI

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên