Thiết bị đeo tay hỗ trợ tìm kiếm người bị nạn trên biển của 4 sinh viên Trường ĐH CNTT (ĐHQG-HCM) đã xuất sắc vượt qua 63 sáng chế từ nhiều trường ĐH, CĐ trên toàn quốc để giành giải Nhất cuộc thi sáng tạo kỹ thuật Monokon 2016, tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng ngày 21/5.
Thương ngư dân gặp nạn trên biển
Câu chuyện về thiết bị đeo tay hỗ trợ ngư dân bắt đầu từ ý tưởng của sinh viên Nguyễn Phú Cường. Vào tháng 1/2016 khi xem tivi, đọc báo Cường thấy nhiều tin tức về ngư dân gặp nạn, chìm tàu, mất tích, thiệt hại rất lớn. “Em thấy thương những ngư dân, cuộc sống mưu sinh của họ gặp quá nhiều khó khăn. Và em mong muốn làm một điều gì đó cho những người phải đêm ngày vật lộn giữa sóng gió, ý tưởng về thiết bị hỗ trợ ngư dân trên biển bắt đầu từ đó”.
Nghĩ là làm, Cường bắt tay tìm hiểu về các thiết bị và phương tiện hiện có được trang bị cho ngư dân khi đi biển, và thấy rằng hiện nay đang thiếu một thiết bị thông tin gắn trực tiếp lên người ngư dân, giúp họ có thể thông báo vị trí của mình cho các thuyền cứu hộ. “Trên thực tế, có nhiều thiết bị phát tín hiệu hỗ trợ ngư dân nhưng chỉ được gắn trên tàu biển mà thôi. Trong khi ngư dân gặp nạn họ thường phải rời khỏi thuyền và lúc này những thiết bị gắn trên thuyền trở nên kém hiệu quả. Em muốn làm nên một thiết bị nhỏ, gọn nhất có thể gắn trên người mỗi ngư dân” - Cường chia sẻ.
Ý tưởng của Cường nhưng công sức để làm nên sản phẩm là của 4 thành viên trong nhóm Saviors và sự hỗ trợ từ nhiều thầy cô trong Trường ĐH CNTT. “Từ lúc nêu ra ý tưởng, nhóm đã nhận được sự khuyến khích và tư vấn kỹ thuật của các thầy cô trong khoa Kỹ thuật Máy tính. Và phải mất 2 tháng ròng rã chúng em mới hoàn thành thiết bị này” - Hoàng Lộc một thành viên trong nhóm cho biết.
Để có được một thiết bị hoàn chỉnh, 4 sinh viên khoa Kỹ thuật Máy tính gặp khá nhiều khó khăn. Đầu tiên là câu chuyện công nghệ khi nhóm sử dụng LoRa (công nghệ truyền thông mới trên thế giới, có nhiều ưu điểm so với các loại công nghệ truyền thông phổ biến Wifi hay sóng Bluetooth), loại công nghệ mới mẻ này rất khó tìm được những thiết bị tương thích. Để giải quyết khó khăn này nhóm phải nhờ đến sự giúp đỡ của một số đơn vị như phòng Lab LEAT thuộc trường ĐH Nice Sophia Antipolis, công ty Abeeway là nơi sản xuất thiết bị Module.
Và không những thế, ngay cả trong thời gian nghiên cứu và thử nghiệm nhóm phải thường xuyên đến các nơi xa để thử nghiệm khả năng hoạt động của sản phẩm. Rồi chuyện sắp xếp thời gian học, thời gian làm sao cho sản phẩm không bị gián đoạn, chuyện chọn địa điểm phù hợp để có được số liệu thực nghiệm chính xác… “Quãng thời gian đó thực sự khó khăn với nhóm, nhưng khi hoàn thành thì niềm vui được nhân đôi” - Thanh Toản một thành viên của nhóm cho biết.
Mong muốn thiết bị đến tay ngư dân
So với những thiết bị khác, thiết bị đeo tay cá nhân của nhóm Saviors có nhiều ưu điểm như: tiêu thụ ít điện năng, có khả năng phát ra tín hiệu kết nối với các trạm cơ sở. Với thiết bị này, khi gặp bất cứ tình huống khẩn cấp nào, ngư dân có thể kết nối với trạm cơ sở, từ đó các cơ quan tìm kiếm cứu nạn có thể thuận lợi trong tìm kiếm. Bên cạnh đó, để thiết bị hoạt động tốt, kịp thời bảo vệ ngư dân khi gặp hình huống xấu, nhóm Saviors cũng thiết kế một mạng lưới gồm nhiều trạm cơ sở LoRa đặt cố định hoặc di động trên biển (trên các hòn đảo, vùng đất liền ven biển hoặc trên tàu đánh cá, tàu tuần ngư…). Điều này giúp xác định nhanh người bị nạn đang ở đâu và đưa ra phương án ứng cứu kịp thời.
Xuất sắc vượt qua 63 sáng chế từ nhiều trường ĐH, CĐ trên toàn quốc để giành giải Nhất vòng chung kết cuộc thi sáng tạo kỹ thuật Monokon 2016 là một thành quả xứng đáng với 4 sinh viên Trường ĐH CNTT. “Chúng em cảm thấy rất vui vì công sức những ngày làm việc của mình đã được cộng đồng ghi nhận, nhưng điều chúng em đau đáu vẫn là làm sao để sản phẩm này đến tay những ngư dân”. - Xứng một thành viên trong nhóm cho biết.
Hiện nay, nhóm của Cường đang hướng mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng nhiều hơn nữa công nghệ truyền thông LoRa vào một số ứng dụng tiềm năng khác. Khi được hỏi về những dự định tương lai, 4 chàng sinh viên nhìn nhau cười, “Hy vọng sau này dù có làm gì thì mong mọi người luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp mà công việc của mình mang lại cho cuộc sống”- Cường chia sẻ.
Saviors Team gồm 4 thành viên: Nguyễn Phú Cường, Trần Thanh Toản cùng quê Đồng Tháp, Bùi Văn Xứng quê Đăk Lăk và Trần Hoàng Lộc ở TP.HCM. Tất cả đều là sinh viên năm III Khoa Kỹ thuật Máy tính, Trường ĐH CNTT.
Cuộc thi Monokon 2016 là cuộc thi sáng tạo công nghệ dành cho sinh viên do Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) phối hợp cùng công ty cổ phần Global CyberSoft Việt Nam tổ chức. Đây là năm đầu tiên cuộc thi Monokon được tổ chức với chủ đề “Internet of Things - Now and Future” thu hút 63 ý tưởng tham dự của sinh viên thuộc nhiều ngành như tự động hóa, điện tử viễn thông, CNTT, cơ điện tử... đến từ các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc.
ĐỨC LỘC
Hãy là người bình luận đầu tiên