Tại Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM lần VI, nhiệm kỳ 2020-2023 vào ngày 27/12, PGS.TS Vũ Hải Quân - Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG-HCM đã trình bày tham luận phân tích các thách thức của CMCN 4.0 đối với giáo dục đại học và đề xuất một số phẩm chất, kỹ năng cần thiết giúp sinh viên định hướng học tập, chuẩn bị cho một tương lai nhiều biến động.
Bản tin ĐHQG-HCM trân trọng giới thiệu phần lược trích tham luận đặc sắc này đến quý bạn đọc.
Thách thức của giáo dục đại học thời CMCN 4.0
Cuộc CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.
Theo dự báo của tổ chức McKinsey công bố năm 2018 thì đến năm 2030, 70% công ty khắp thế giới sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo và GDP toàn cầu sẽ tăng 13 nghìn tỷ USD. Đến năm 2030, tỷ lệ tự động hóa đối với tất cả công việc ở Hoa Kỳ sẽ là 38%, ở Nhật Bản là 24% và ở Hàn Quốc là 22% và trung bình ở các nước OECD sẽ là 14%. Điều này có nghĩa là nhiều việc làm sẽ được tự động hóa, robot hóa, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng.
Do đó, 3 yếu tố và 5 vấn đề đặt ra đối với giáo dục đại học trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 gồm:
Yếu tố thứ nhất là tốc độ thay đổi diễn ra nhanh hơn so với 3 cuộc CMCN trước. Để đạt con số 50 triệu người dùng thì điện thoại bàn cần 75 năm, tivi cần 25 năm; phần mềm Wechat cần 1 năm; trò chơi Pokemon Go cần đúng 19 ngày!
Yếu tố thứ 2 là xuất hiện hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của các công nghệ tiên tiến ví dụ công nghệ 5G trên điện thoại di động. Con người không chỉ giao tiếp bằng lời nói và chữ viết như trước. Giờ đây, chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho hình thức giao tiếp với mạng xã hội, với nhiều loại thiết bị, robot khác.
Yếu tố thứ 3, rất quan trọng, đó là xuất hiện những câu hỏi mới chưa có trong quá khứ, chưa có trong đó 3 cuộc CMCN trước. Một trong số những câu hỏi đó là khả năng bị thay đổi của con người về hành vi, về cảm xúc, về nhân cách... trước sự gia tăng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, của robot, của tiến trình tự động hoá. Hay nói cách khác, phải chăng hành xử của con người đang bị ảnh hưởng bởi công nghệ nhiều hơn so với 3 cuộc CMCN trước đó?
Ba yếu tố này đang dẫn dắt chúng ta, đặt ra 5 vấn đề có tính định hướng cho giáo dục đại học. Các vấn đề này gồm:
Một, sự biến động của nghề nghiệp và vai trò của giáo dục đại học trong việc đáp ứng sự thay đổi.
Trong cả ba cuộc cách mạng trước, nhiều triệu việc làm đã bị biến mất. Tuy nhiên cuối cùng thì số việc làm mới được tạo ra đã nhiều hơn. Với sự thay đổi quá nhanh của công nghệ thì ở cuộc CMCN 4.0, vấn đề này sẽ diễn ra như thế nào? Những nghề nghiệp nào sẽ bị biến mất? Nghề nghiệp nào sẽ xuất hiện mới? Và nghề nghiệp nào sẽ được xã hội ghi nhận?
Với khả năng của máy in 3D, công ty ICON (Hoa Kỳ) đã phát triển phương pháp in ngôi nhà một tầng diện tích khoảng 60m2 bằng chất liệu xi măng chỉ trong 12 đến 24 tiếng. Nếu mô hình này được nhân rộng thì liệu rằng trong tương lai nghề phụ hồ thậm chí là kỹ sư xây dựng sẽ như thế nào? Hay công ty sản xuất đồ thể thao Adidas bằng việc sử dụng robot tự động hóa đã rút gắn quy trình hoàn thiện sản phẩm từ 5 ngày xuống còn 5 giờ. Adidas đã mang các nhà máy sản xuất về lại Đức và Hoa Kỳ, khiến nhiều công nhân may gia công thất nghiệp; An ninh mạng, grabber là những nghề nghiệp mới xuất hiện.
Có một ví dụ cần phân tích kỹ hơn, đó là nghề bác sĩ chuẩn đoán hình ảnh. Gần đây mọi người cho rằng với sự trợ giúp của AI, máy tính có thể đưa ra các chuẩn đoán bệnh dựa vào hình ảnh tốt hơn con người. Nhưng 20, 30 năm tới liệu rằng việc chăm sóc sức khoẻ được giao cho một người với sự cảm thông chia sẻ sẽ được xã hội ghi nhận nhiều hơn hay là một người được huấn luyện và sử dụng máy móc để chuẩn trị? Nói cách khác, liệu lương của y tá sẽ cao hơn lương của bác sĩ điều trị bằng hình ảnh?
Hai, đâu là chuẩn kiến thức tối thiểu của người tốt nghiệp đại học trong thế kỷ XXI, là cơ sở để chuẩn bị cho hành trình 50 năm tự học tập của sinh viên sau này? Đặc biệt là trong bối cảnh máy móc ngày càng có thể thực hiện nhiều công việc hơn? Đây là vấn đề giáo dục đại học trong việc xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng sự thay đổi của công nghệ, thúc đẩy học tập suốt đời.
Ba, liệu con người có thể đảo ngược lại được các quyết định của máy tính? Vấn đề này liên quan các chuẩn mực về đạo đức trong công tác giảng dạy và nghiên cứu các công nghệ mới. Tuy nhiên ngay cả khi chúng ta có thể đảo ngược các quyết định của máy tính thì liệu rằng chúng ta có thể thực hiện ngay đúng thời điểm để có thể kịp thời ngăn chặn thảm hoạ? Liệu chúng ta có thể ngăn chặn con người sử dụng công nghệ theo chiều hướng xấu một cách vô ý hoặc cố ý, giống như từng xảy ra với các cuộc CMCN lần trước?
Bốn, sự sáng tạo và vai trò của lãnh đạo trong việc nuôi dưỡng sự sáng tạo trong các trường đại học. Nói đến AI, người ta nói đến sự chính xác và hoàn hảo. Tuy nhiên dường như sự không hoàn hảo, sự tương đối là những thuộc tính quan trọng và cần thiết cho sự sáng tạo của con người. Liệu rằng trong 50 năm tới, sự sáng tạo của con người sẽ bị ảnh hưởng bởi chúng ta luôn đặt mọi thứ phải nhanh hơn, chính xác hơn, hoàn hảo hơn?
Cuối cùng liên quan con người - vai trò của của văn hóa, xã hội và nhân văn. Chúng ta sẽ hành xử như thế nào? Theo các chuẩn mực gì? Trên một lượng lớn dữ liệu lớn xuyên biên giới, xuyên văn hoá, liệu máy tính có thể hiểu và phân biệt được nhân phẩm, sự đồng cảm của mỗi người là khác nhau?
Giá trị cốt lõi cho người tốt nghiệp đại học
Tại hội nghị hiệu trưởng các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á tổ chức năm 2018 ở Brunei, vấn đề đào tạo đáp ứng sự thay đổi đã được thảo luận. Có một từ khoá được nhắc nhiều trong hội thảo này là tích hợp: tích hợp nội dung, chuyển từ đào tạo đơn ngành sang hướng đào tạo đa ngành, cân bằng giữa khoa học công nghệ và khoa học xã hội; tích hợp lý thuyết và thực tiễn, khuyến khích phương pháp học chủ động, học bằng trải nghiệm; tích hợp công nghệ với nội dung và phương pháp giảng dạy.
ĐHQG Singapore đã đề xuất 5 giá trị cốt lõi của người tốt nghiệp đại học trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của công nghệ, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Các giá trị này được hội nghị thống nhất cao, gồm: (1) Có kiến thức toàn diện và liên ngành, thay vì chỉ đào tạo đơn ngành như trước; (2) Có kiến thức về hội nhập quốc tế, các giá trị đa văn hóa và có kỹ năng ngoại ngữ; (3) Có trải nghiệm thực tiễn thông qua đào tạo gắn kết với doanh nghiệp; (4) Có nền tảng tự phát triển lâu dài thông qua khả năng tự học, học tập suốt đời; (5) Có tinh thần khởi nghiệp.
Đây là 5 giá trị cốt lõi mà các chương trình đào tạo cần trang bị cho sinh viên để đáp ứng sự thay đổi trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0. Bên cạnh đó, 5 đề xuất mang tính định hướng cho sinh viên trong hành trình hướng đến thành công sau này, cụ thể: Tầm nhìn, Tâm thế mở, Quy tắc 10.000 giờ, Mối quan hệ và Kế hoạch hành động.
Tầm nhìn giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp và mục tiêu dài hạn của mình trong tương lai. Tâm thế mở giúp các em hiểu và tự tin khám phá, thử thách năng lực của chính bản thân mình. Quy tắc 10.000 giờ để các em kiên trì học tập, rèn luyện, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà mình đã chọn. Xây dựng mối quan hệ để các em có thể hỗ trợ nhau, cùng nhau đi xa hơn trong sự nghiệp của mình. Cuối cùng, các mục tiêu cần được đặt trong một kế hoạch hành động cụ thể. Chinh phục mỗi mục tiêu nhỏ sẽ là hành động lực giúp các em đạt được mục tiêu lớn hơn.
Nếu đào tạo được đội ngũ sinh viên có phẩm chất và năng lực thì mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh là hoàn toàn khả thi.
PGS.TS VŨ HẢI QUÂN
(*) Tít và trung đề do Bản tin ĐHQG-HCM đặt.
Hãy là người bình luận đầu tiên