Trong hơn 4 năm đại học, Lê Thùy Linh là một nữ sinh hoạt bát, luôn say mê tìm những “câu trả lời” trong phòng thí nghiệm (PTN) nhưng có đôi phần tự ti. Cho đến giữa tháng 9/2023, giải thưởng Global Winner danh giá đã đến như một sự công nhận, khiến Thùy Linh hiểu và tự tin hơn về năng lực cũng như lựa chọn theo đuổi nghiên cứu khoa học (NCKH) của mình.
Với việc nghiên cứu hai loại màng bọc thực phẩm thông minh phân hủy sinh học từ chitosan kết hợp với chất màu tự nhiên từ thanh long đỏ và củ dền nhằm kiểm soát chất lượng thực phẩm, Lê Thùy Linh - sinh viên ngành Công nghệ Thực phẩm (CNTP), Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM, đã trở thành “người chiến thắng toàn cầu” đầu tiên của Việt Nam về Khoa học Hóa chất và Dược phẩm. Đây là giải thưởng trong chương trình giải thưởng học thuật hàng đầu thế giới dành cho sinh viên - The Global Undergraduate Awards.
Tạo ra màng bọc có tính năng vượt trội
Việc chọn nguyện vọng đại học của Lê Thùy Linh có phần hơi “ngược đời”, là chọn trường trước rồi mới chọn ngành. “Trong kỳ thi ĐGNL vào cuối năm lớp 12, mình từng được tham quan Trường ĐH Quốc Tế. Lúc đó, mình rất thích môi trường năng động ở đây nên đã bắt đầu tìm hiểu các ngành đào tạo của trường” - Thùy Linh giải thích.
Trong đó, CNTP là ngành mà Linh thấy phù hợp nhất vì cô có sở thích tìm tòi những vấn đề về thực phẩm và sức khỏe. Thêm vào đó, nữ sinh cũng dễ bị ngộ độc thực phẩm nên hiểu rất rõ về tầm quan trọng của vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, Thùy Linh mong có thể góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng bằng những nghiên cứu của mình trong quá trình học ngành CNTP.
Với hình dung ban đầu của nữ sinh quê Bình Định, cô sẽ trở thành một chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) tại các công ty, tập đoàn về thực phẩm ngay sau khi tốt nghiệp. Nhưng từ năm thứ 3 đại học, khi được tiếp xúc với NCKH nhiều hơn, Linh nhận ra bản thân có sự hứng thú đặc biệt đối với công việc này.
Thùy Linh bày tỏ: “Mình không coi nghiên cứu là cái gì quá ‘đao to búa lớn’ vì như vậy mỗi lần vào PTN sẽ mệt lắm. Khi vào PTN, mình chỉ đơn giản là đi tìm lời giải cho những câu hỏi mình đặt ra mà thôi. Hơn thế nữa, việc NCKH còn giúp mình thỏa mãn bản tính tò mò và thích khám phá”.
Từ khi bắt đầu nghiên cứu đến nay, nữ sinh sinh năm 2000 chỉ chuyên tâm nghiên cứu một đề tài và đó cũng là đề tài khóa luận tốt nghiệp của cô. Đề tài này có tên So sánh tính chất vật lý, chức năng của màng bọc thông minh có thể phân hủy sinh học bằng cách kết hợp dịch chiết xuất từ thanh long đỏ và củ dền vào màng chitosan.
Thùy Linh thực hiện đề tài trong khoảng 6 tháng, kể từ tháng 11/2022, trải qua các công đoạn gồm: làm thí nghiệm, tạo ra hai loại màng bọc và phân tích, so sánh tính chất vật lý, chức năng của chúng.
Nói về ý tưởng nghiên cứu, nữ sinh cho hay, những màng bọc sinh học trên thị trường đa phần chưa có khả năng biến đổi màu để chỉ thị tình trạng của thực phẩm. Còn nếu có thì cũng làm từ những nguyên liệu rất đắt tiền.
“Mình thấy thanh long đỏ và củ dền là hai loại thực phẩm có chứa betacyanin, là nhóm chất có khả năng đổi màu phụ thuộc vào độ pH của môi trường. Hơn nữa, đây cũng là hai loại nông sản có giá thành rẻ và phổ biến ở Việt Nam. Nên mình đã chọn chúng để tạo ra một loại màng bọc có tính năng vượt trội và mức giá hợp lý” - Thùy Linh lý giải.
Phân tích kỹ hơn về khả năng đổi màu thông minh của màng bọc, nữ sinh cho biết, khi màng bọc tiếp xúc với những loại thực phẩm giàu protein bị hỏng thì sẽ đổi màu. Ban đầu, màng bọc củ dền màu đỏ, còn màng bọc thanh long màu đỏ hồng. Chúng sẽ chuyển sang màu cam, màu vàng nhạt hoặc trong suốt theo sự tăng dần độ pH của thực phẩm. Bằng mắt thường, mọi người có thể nhận biết sự thay đổi màu sắc của màng bọc và biết được thực phẩm bị hỏng ở mức độ nào.
Bên cạnh khả năng chỉ thị màu, màng bọc từ thanh long đỏ và củ dền còn có những tính năng nổi bật. Điển hình, củ dền mang lại cho màng bọc tính cản sáng, tia UV và chống thấm nước rất tốt. Còn màng bọc thanh long đỏ có khả năng kháng khuẩn, chống oxy hóa hiệu quả, từ đó giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn.
Ngoài dịch chiết xuất từ thanh long đỏ và củ dền, nữ sinh còn kết hợp thêm axit acetic và glycerol vào chất nền chitosan để tạo nên tính phân hủy sinh học cùng tính dẻo dai cho màng bọc.
Mong những nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi
Dù khóa luận tốt nghiệp là công trình nghiên cứu đầu tiên và cũng là duy nhất của Thùy Linh tính đến thời điểm hiện tại, nhưng nó lại nhận được sự đánh giá rất cao từ các giảng viên. Minh chứng là khóa luận của nữ sinh đạt 90/100 điểm, là số điểm cao nhất trong buổi bảo vệ luận văn của cô. Và cũng chính đề tài khóa luận này đã đem đến cho Linh giải Global Winner tại chương trình The Global Undergraduate Awards.
Thùy Linh hồi tưởng: “Mình tham gia giải thưởng này vào tháng 5/2023, ngay sau khi bảo vệ xong luận văn. Ban đầu, mình không định sẽ gửi bài dự thi, nhưng nhờ sự động viên và khích lệ từ giảng viên hướng dẫn của mình là PGS.TS Lê Ngọc Liễu, mình đã quyết định thử sức”.
Nộp bài là vậy, nhưng nữ sinh chưa bao giờ nghĩ mình có thể trở thành “người chiến thắng toàn cầu” đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực Khoa học Hóa chất và Dược phẩm. Khi nhận được thông báo đoạt giải, Linh vô cùng bất ngờ và vui mừng.
“Mình thấy rất tự hào vì 8 năm rồi Việt Nam mới lại có người đạt thành tích tương tự tại chương trình này. Mình nghĩ đây là kỷ niệm đáng nhớ và là sự công nhận dành cho bản thân. Vì trước đó, quá trình nghiên cứu có cực khổ bao nhiêu thì chỉ có mình và cô biết thôi. Còn bây giờ, giải thưởng khiến mình thấy công sức bỏ ra là xứng đáng và nghiên cứu của mình thực sự đem lại giá trị cho cộng đồng” - Linh thổ lộ.
Nhờ giải thưởng Global Winner mà Thùy Linh có cơ hội sang Ireland để nhận giải và trình bày nghiên cứu của mình với bạn bè quốc tế. Cô nghĩ đây cũng là dịp để họ đánh giá cao hơn về nền giáo dục nước ta.
Vì xác định sẽ học lên thạc sĩ nên giải thưởng này còn mở ra nhiều cơ hội cho Linh trong việc xin học bổng thạc sĩ của Trường ĐH Quốc Tế. Ở bậc cao học, nữ sinh dự định tiếp tục nghiên cứu về màng bọc thực phẩm thông minh để cải thiện những hạn chế của màng bọc thanh long và củ dền mà mình đã thực hiện.
Chẳng hạn, cô sẽ kết hợp thêm một số chất vào màng bọc nhằm làm giảm độ nhạy cảm với ánh sáng và nhiệt độ cũng như tăng hạn sử dụng để nó chịu được điều kiện thường thay vì chỉ dùng trong phòng lạnh, tối như hiện tại. Ngoài ra, cô còn muốn tăng khả năng chống thấm nước của màng bọc để bảo quản được các loại thực phẩm lỏng.
Bên cạnh đó, thực phẩm ăn chay, ăn kiêng cũng là một hướng nghiên cứu mà Thùy Linh hứng thú và muốn thử sức ở bậc cao học. Nữ sinh bật mí rằng cô còn muốn trải nghiệm công việc R&D tại các tập đoàn chuyên về thức uống hoặc gia vị.
HƯƠNG NHU - THU THẢO
Là sinh viên có khả năng viết tốt nhất Chia sẻ về cơ duyên đồng hành cùng Lê Thùy Linh, PGS.TS Lê Ngọc Liễu - giảng viên ngành Công nghệ Thực phẩm, cho biết Linh đã chủ động nhờ cô làm giảng viên hướng dẫn từ trước khi học môn cô dạy. Theo PGS.TS Ngọc Liễu, Linh có nhiều tố chất phù hợp với NCKH như có khả năng suy luận, lập luận tốt cùng tính độc lập cao, kiên trì và chịu khó. Khi Linh thông báo về việc nhận giải Global Winner, cô Liễu rất vui nhưng không quá ngạc nhiên, vì chính cô là người đề xuất Linh nộp bài dự thi. “Linh là sinh viên có khả năng viết tốt nhất trong tất cả sinh viên mà tôi từng hướng dẫn. Luận văn của em cũng xuất sắc về nhiều mặt, bao gồm kết quả nghiên cứu, tư duy phân tích biện luận tốt, hiểu sâu về đề tài, đồng thời diễn giải được cho người đọc và ban giám khảo thấy những điều đó” - PGS.TS Ngọc Liễu chia sẻ. |
Hãy là người bình luận đầu tiên