Vượt qua hơn 50 tiết mục dự thi, Trần Hoàng Nhật - sinh viên năm III, Khoa Văn Học cùng hai người bạn của mình đã trở thành Quán quân tốp ca mùa đầu tiên cuộc thi “Đi giữa đường thơm” với ca khúc tự sáng tác Chim nhại vẫn hót lấy cảm hứng từ tác phẩm nổi tiếng Giết con chim Nhại của nữ văn sĩ Harper Lee.
Đây là cuộc thi trình diễn các tác phẩm văn học do Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức vào đầu tháng 10.
* Nhật viết bài hát này như thế nào?
- Em không phải dân Nhạc viện nên không biết nhạc lý. Em chỉ nghĩ giai điệu, ngân nga nó rồi thu âm vào điện thoại và viết lời. Một bạn học bên Trường ĐH Nông Lâm cũng là thành viên chơi guitar của nhóm đã ký âm, sửa lại dấu bằng trắc, gọt giũa câu từ cho nó thuận tai hơn. Em mất vài phút để viết lời, 2-3 tiếng cho giai điệu. Cứ chuẩn bị đi ngủ thì em lại bật đèn nhẩm tiếp để hoàn thành. Đây cũng là lần đầu tiên em tự sáng tác và trải nghiệm công việc này.
* Tại sao là Harper Lee và Giết con chim Nhại?
- Em đọc tác phẩm vào năm lớp 7, đọc bằng tất cả sự ngây thơ, phiêu lưu của một đứa bé. Lúc đó, em tình cờ đọc là vì Taylor Switf - ca sĩ thần tượng của em giới thiệu cuốn sách này trên báo nên em muốn đọc thử. Và em đọc một mạch từ đầu đến cuối. Mãi sau này khi vào đại học, có dịp đi đường sách Nguyễn Văn Bình, em mua lại cuốn này và đọc thêm lần nữa, cảm giác rất thích và hiểu nhiều vấn đề hơn.
Giết con chim nhại là một trong những cuốn sách tiêu biểu nhất của nước Mỹ viết về nạn phân biệt chủng tộc và bất công ở các bang miền Nam. Đó là câu chuyện về sự ích kỷ, thù hận, lòng dũng cảm, niềm kiêu hãnh lẫn định kiến. Em muốn qua bài hát này, truyền tải thông điệp về sự kỳ thị màu da, chủng tộc chưa bao giờ dừng lại giữa thế giới hôm nay.
Tuy nhiên, ở phần cuối bài hát em đã để hình ảnh của một chú chim máy bay lên như điểm nhấn cho toàn tiết mục. Trong câu chuyện, con chim ẩn dụ cho hình ảnh người da đen. Hình ảnh con chim bay lên như con phượng hoàng cất cánh từ tàn tro, đại diện cho tâm hồn con người. Cuối cùng nó vẫn bay lên, vẫn tiếp tục sống, lao về phía trước dù có những bất công, phân biệt đối xử ở các thế hệ sau như thế nào. Riêng con chim máy em phải đặt mua ở Thượng Hải về, sau đêm bán kết.
* Các thành viên trong nhóm chuẩn bị tiết mục này ra sao?
- Là người sáng tác cũng như lên ý tưởng trình diễn nên em phải chuẩn bị khá nhiều, từ đạo cụ, trang phục, thời gian, địa điểm tập luyện, quay clip giới thiệu về nhóm theo yêu cầu của cuộc thi. Ở phần sơ khảo, em thông báo thành lập nhóm và tập cùng nhau trước đó hai ngày rồi lên thi nên cả nhóm chưa hài lòng.
Còn trước đêm chung kết, các thành viên hầu như đều bận việc cá nhân, tụi em chỉ có hai buổi tập, trong đó một buổi là có đủ thành viên. Lần này, các bạn trong nhóm góp ý về cách hát và phối nhạc sao cho phù hợp, em lên ý tưởng thêm về các đạo cụ, cách diễn với nhau. Mọi thứ hơi gấp gáp nhưng mọi người đã cố gắng làm tốt nhất có thể.
* Dường như Nhật là một người rất yêu thích văn học. Làm sao để các bạn sinh viên khác cũng tìm thấy niềm yêu mến ấy chứ không quay lưng lại với văn học như thời phổ thông?
- Em nghĩ rằng chúng ta đang có một điểm yếu trong cách truyền cảm hứng để văn học trở nên gần gũi với đại chúng, đặc biệt là người trẻ. Đây không phải là câu chuyện của giáo dục mà còn là câu chuyện của xã hội. Bạn bè em ở nước ngoài, dù họ không học văn nhưng lại biết rất nhiều về William Shakespeare hay Homer. Em nghĩ để lấy lại sự yêu thích của sinh viên, văn học cũng phải có cách tiếp cận mới. Gần đây em thấy điện ảnh và âm nhạc đang là cầu nối rất tốt cho giới trẻ, khi các loại hình nghệ thuật này dùng văn học làm chất liệu. Đây có thể là một sự đối thoại có lợi cho những bạn không mặn mà lắm với văn chương.
* Người ta thường nói học xã hội, nhất là văn, sử rất khó tìm việc. Nhật nghĩ sao?
- Thật ra cụm từ “xã hội” trong câu hỏi này đã gắn những ngành học ấy với sự phát triển của xã hội rồi. Do đó, nhu cầu việc làm sẽ ngày càng tăng cao chứ không bị mất đi vì lý do nào đó. Song hành với tiến bộ thì phải có những giá trị tinh thần, văn hay sử đều mang trong mình nhiệm vụ lưu giữ những giá trị hữu ích. Sẽ có nhiều cách để các ngành học này phát huy vai trò của mình. Do đó em không quá lo lắng trước quan niệm này.
Đó là câu chuyện của những năm trước đây, còn bây giờ những ngành xã hội đang dần khẳng định được vị thế quan trọng của mình.
Cuộc thi âm nhạc về các tác phẩm văn học Đi giữa đường thơm là cuộc thi dành cho sinh viên trình diễn các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới thông qua một số loại hình nghệ thuật như thoại kịch, hát, nhảy, múa… Cuộc thi do Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức từ ngày 20/8 với hơn 50 tiết mục tham gia. PGS.TS Lê Quang Trường - Trưởng khoa Khoa Văn Học, cho biết Đi giữa đường thơm là tên một thi phẩm nổi tiếng của Huy Cận trong tập Lửa Thiêng . Cuộc thi không chỉ nhận được sự tham gia của sinh viên Trường ĐH KHXH&NV mà còn thu hút nhiều sinh viên từ các trường khác như Trường ĐH Văn Hiến, Khoa Y ĐHQG-HCM… “Đi giữa đường thơm là sân chơi để lan tỏa và truyền cảm hứng say mê văn chương nghệ thuật đến với các bạn trẻ. Thông qua cuộc thi, sinh viên sẽ tái hiện tác phẩm văn học một cách sinh động, đa dạng qua khả năng sáng tạo của mình” - PGS.TS Lê Quang Trường cho biết. Tại đêm chung kết, các tác phẩm văn học quen thuộc như Truyện Kiều (Nguyễn Du), Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Chí Phèo (Nam Cao), Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) được thí sinh thể hiện qua các ca khúc cuốn hút: Hoạn thư (nhạc sĩ Sa Huỳnh), Đoạn tuyệt (nhạc sĩ Thái Thịnh), Chí Phèo (nhạc sĩ Bùi Công Nam), Những đồi hoa sim (nhạc sĩ Dzũng Chinh)… Đặc biệt, ca khúc Chim nhại vẫn hót được Trần Hoàng Nhật - sinh viên năm III, Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tự sáng tác đã chinh phục ban giám khảo và khán giả, trở thành quán quân của cuộc thi. Tổng giải thưởng của cuộc thi là 20 triệu đồng, trong đó giải Nhất hạng mục tập thể là 5 triệu đồng, giải Nhất hạng mục cá nhân là 2 triệu đồng, giải Tiết mục được yêu thích nhất là 1 triệu đồng. |
PHIÊN AN - HOÀNG AN
Hãy là người bình luận đầu tiên