Hơn 100 chuyên viên Phòng Thanh tra - Pháp chế của các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQG-HCM đã tham gia buổi tập huấn chuyên đề pháp luật về doanh nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập do ĐHQG-HCM tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG vào sáng 6/12.
Theo TS Thái Thị Tuyết Dung - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế, buổi tập huấn thuộc chuỗi sự kiện tập huấn nghiệp vụ thường niên về công tác pháp chế tại ĐHQG-HCM, nhằm nâng cao kỹ năng, phố biến các quy định pháp luật mới liên quan hoạt động của các đơn vị thành viên, trực thuộc.
Tại buổi tập huấn, các cử tọa đã lắng nghe báo cáo chuyên đề “Pháp luật về doanh nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập” do ThS Từ Thanh Thảo - Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM - trình bày.
Nội dung báo cáo xoay quanh ba chủ đề chính, gồm Hệ thống văn bản pháp luật về doanh nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập; Quyền thành lập doanh nghiệp, góp vốn vào doanh nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập; và Quản trị doanh nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập.
ThS Từ Thanh Thảo cho biết, Luật Giáo dục Đại học 2018 cho phép các cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp, công ty với mục đích chính là thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tế. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý về việc thành lập doanh nghiệp trong đại học. Điều này gây ra nhiều khó khăn.
Chẳng hạn, nguồn vốn để thành lập doanh nghiệp trong nhiều trường hợp không thể tách bạch giữa vốn riêng của nhà trường và vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. Việc định giá các tài sản trí tuệ được đầu tư ngân sách Nhà nước cũng đang rất khó khả thi. Do các tài sản này đều là những sản phẩm khoa học và công nghệ đặc thù, tiềm năng và giá trị của nó chỉ xác định được sau một thời gian đủ lớn triển khai trên thị trường.
Đối chiếu Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, công chức, viên chức không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành các loại doanh nghiệp. Trong khi đó, các trường đại học lại rất mong muốn người làm chủ doanh nghiệp trực thuộc phải là một cán bộ trong trường để đảm bảo các vấn đề chuyên môn đặc thù.
Ở phần thảo luận, các cử tọa và báo cáo viên đã trao đổi các vấn đề liên quan việc góp vốn điều lệ, quản lý và sử dụng vốn, mô hình quản trị và vai trò của người đại diện theo pháp luật về doanh nghiệp…
Tin, ảnh: PHAN YÊN
Hãy là người bình luận đầu tiên