Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM trong buổi nói chuyện chuyên đề “Cách mạng công nghiệp 4.0” do ĐHQG-HCM tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG sáng 28/2.
Tại buổi nói chuyện, các chuyên gia cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 có những tác động to lớn đối với kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả cấp độ: toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia. Các tác động này mang tính tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra nhiều thách thức trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Khắc Minh Trí - Nhà sáng lập, Chủ tịch Công ty Mimosatek, cho biết thế giới đang phải đối mặt với 4 vấn đề lớn: dân số tăng nhanh, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, biến đổi khí hậu, lãng phí thực phẩm.
“Các vấn đề này dẫn đến khan hiếm thực phẩm cùng sự đói kém. Dự báo sẽ có khoảng 700 người triệu rơi vào trạng thái nghèo đói cùng cực, 800 triệu người thiếu thực phẩm và 2 tỷ người thiếu dưỡng chất vi lượng vào năm 2050. Đây chính là thách thức đặt ra với ngành nông nghiệp 4.0” - Ông Nguyễn Khắc Minh Trí nhấn mạnh.
Nhà sáng lập Mimosatek cho biết thêm, tại Việt Nam, công ty Mimosatek đã có nhiều ứng dụng về nông nghiệp 4.0 được triển khai như hệ thống cảm biến hoặc các thiết bị tự động hóa…
Chia sẻ về công nghiệp 4.0, ông Tạ Văn Toàn - Chủ tịch Công ty iFactory, cho biết mục tiêu chính của công nghiệp 4.0 là thúc đẩy quá trình sản xuất nhanh hơn, hiệu quả hơn và tập trung khách hàng, đồng thời thúc đẩy quá trình tự động và tối ưu hóa bằng công nghệ sản xuất thông minh để khám phá các cơ hội và mô hình kinh doanh mới.
Theo ông Tạ Văn Toàn, giải pháp mà iFactory đề xuất là phát triển nền tảng hệ thống quản lý sản xuất, phát triển năng lực kết nối và tích hợp công nghệ.
Trong tham luận định hình CMCN 4.0, PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, cho rằng sự phát triển của công nghệ sẽ mang đến nhiều “vấn đề” từ bất bình đẳng đến sự băng hoại của phẩm giá con người. Nguyên nhân xuất phát từ quan điểm sai về công nghệ như công nghệ quyết định tương lai hay công nghệ trung tính về giá trị.
“Tất cả công nghệ là hiện thân của những mong muốn và thỏa hiệp xã hội được thể hiện trong suốt quá trình phát triển và triển khai. Các công nghệ và xã hội định hình lẫn nhau theo cách phản chiếu - chúng ta là sản phẩm của công nghệ cũng như công nghệ là sản phẩm của chúng ta tạo ra” - PGS.TS Nguyễn Anh Thi cho biết.
Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM buổi nói chuyện đã mang lại nhiều kiến thức và góc nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Nhất là những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt, để từ đó suy nghĩ, tìm ra những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm hành động, ứng phó kịp thời và hiệu quả với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, nhất là trong lĩnh vực giáo dục đại học của chúng ta” - PGS.TS Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Tin, ảnh: Đức Lộc
Hãy là người bình luận đầu tiên