Đó là nhận định của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân - Trưởng khoa Khoa Đô thị học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tại Hội thảo khoa học quốc tế: “TP.HCM trong mạng lưới các thành phố thông minh ở ASEAN: Cơ hội và thách thức” do Trường ĐH KHXH&NV, Học viện Cán bộ TP.HCM và Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á đồng tổ chức ngày 24/5.
Phát biểu tại hội thảo, ông Apirat Sugondhabhirom Na Badalung - Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM, cho biết sáng kiến xây dựng hệ thống thành phố thông minh sẽ giúp nền kinh tế của các quốc gia ASEAN nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách khuyến khích đổi mới và khởi nghiệp, tạo ra các cơ hội kinh doanh và việc làm. Hệ thống này cũng thúc đẩy tăng trưởng bền vững bằng cách sử dụng công nghệ và năng lượng xanh.
“Tại Thái Lan, chính phủ đã xây dựng chương trình ‘Tầm nhìn thành phố thông minh Phuket’ để xúc tiến du lịch thông qua dữ liệu lớn và các công cụ phân tích. Một trong những ứng dụng của chương trình này là nền tảng dữ liệu thành phố, được sử dụng để hiểu hành vi khách du lịch ở Phuket. Các dữ liệu được thu thập từ wifi, Internet vạn vật (IoT) và mạng xã hội. Bằng cách thu thập dữ liệu khi khách du lịch truy cập wifi, chính phủ Thái Lan có thể biết được các điểm đến yêu thích của họ, đồng thời, việc truy vết khách du lịch cũng là để đảm bảo an toàn cho họ hơn” - Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM cho hay.
Bàn về khái niệm “thành phố thông minh”, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân cho rằng ý tưởng này đã được nghiên cứu hơn 20 năm về trước và mô hình một thành phố hiện đại được ứng dụng các thiết bị công nghệ “không phải là câu chuyện mới”.
Theo Trưởng khoa Khoa Đô thị học, những việc riêng rẽ như sử dụng hệ thống theo dõi sức khỏe tự động ở bệnh viện, hay thay xe buýt bằng xe điện không người lái, gắng hệ thống camera an ninh ở những nơi cộng cộng, trang bị nhà vệ sinh tự động... chỉ là những “giải pháp thông minh”. Và để được gọi là thành phố thông minh, chính quyền phải đảm bảo sự kết nối chặt chẽ, tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh giữa những “giải pháp thông minh này”.
“Việc phát triển thành phố thông minh nên đặt con người làm trung tâm chứ không phải công nghệ. Mục tiêu của việc phát triển thành phố thông minh không phải chỉ đóng khung ‘ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất’ mà là sử dụng công nghệ một cách thông minh nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân” - PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nhấn mạnh.
Hội thảo nhận được 35 bài tham luận của các học giả trong nước và quốc tế đến từ Úc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Đài Loan… Nhiều tham luận đặc sắc của các học giả thu hút sự chú ý của cử tọa như: Mạng lưới các thành phố thông minh trong ASEAN - Sáng kiến của Singapore với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2018 (Bà Leow Siu Lin - Tổng Lãnh sự Singapore tại TP.HCM), Xây dựng và quản lý xã hội thông minh (TS Bùi Ngọc Hiền), Công nghệ chuỗi như là một khung bảo mật cho thành phố thông minh (TS Trần Công Đoàn, TS Võ Xuân Trường)…
Tin, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên