Tin tổng hợp

Thầy Cô là ai trong đại dịch này?

  • 20/11/2021
  • LTS: Sáng 20/11, trong khuôn khổ buổi làm việc của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa với ĐHQG-HCM, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM đã có bài phát biểu, chúc mừng quý Thầy Cô giáo nhân Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, đồng thời bày tỏ những suy nghĩ, chia sẻ chân thành về vị trí, vai trò và cả những áp lực của người thầy trên giảng đường “online” để hoàn thành cùng lúc nhiều nhiệm vụ.

    Website ĐHQG-HCM trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Giám đốc Vũ Hải Quân đến toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐHQG-HCM và quý bạn đọc.

     

    Trước tiên, có thể khẳng định rằng, dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, các thầy cô giáo đại học vẫn là những người thực hiện sứ mệnh cơ bản là sáng tạo và truyền tải tri thức. Đại dịch đã phá vỡ mô hình lớp học truyền thống. Tất cả mọi hoạt động đều phải đưa lên mạng. Trong ngôi nhà nhỏ khiêm tốn như mức lương của nhà giáo, bếp ăn đã trở thành giảng đường, bàn ăn đã trở thành bục giảng, máy tính đã trở thành bảng đen.

    Họ là một kỹ thuật viên máy tính để hỗ trợ khi các em có bất cứ sự cố nào về đường truyền mạng, về phần mềm học trực tuyến…

    Họ là một nhà biên kịch, kiêm đạo diễn, kiêm quay phim, kiêm luôn cả diễn viên chính và lồng tiếng để thực hiện các clip bài giảng sinh động.

    Họ là một nhà tâm lý học, luôn sẵn sàng tư vấn, an ủi, động viên khi học trò gặp khó khăn.

    Họ là bảo vệ, là người canh cửa, sẵn sàng ngăn chặn người lạ thâm nhập, quấy rối lớp học.

    Họ đồng thời còn làm những công việc gia đình, chăm sóc con, chăm sóc người thân, tham gia chống dịch.

    Họ thực hiện tất cả những công việc này trong một trạng thái tâm lý căng thẳng:

    Căng thẳng vì nỗi lo dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình, người thân;

    Căng thẳng vì cả Thành phố bị phong tỏa; nỗi lo cơm, rau mỗi ngày;

    Căng thẳng vì phải chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của nhiều gia đình sinh viên, học sinh mà vô tình nhìn thấy, nghe thấy qua webcam; điều mà nếu chỉ học ở lớp ở trường, họ không biết được;


    Căng thẳng vì bài giảng giờ đây có thể được ghi hình, ghi âm và phát tán trên mạng xã hội bất cứ lúc nào.

    Đôi lúc, họ xin 3 phút giải lao đột xuất, chỉ là lấy lại bình tĩnh hoặc để đơn giản là dỗ giấc ngủ cho con.

    Nhưng họ đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình!

    Kết quả khảo sát được thực hiện trên quy mô gần 40 nghìn sinh viên của ĐHQG-HCM cuối tháng 10 vừa qua cho thấy, trên 80% sinh viên đánh giá cao sự chuyển đổi linh hoạt kịp thời sang phương thức trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng giảng dạy của ĐHQG-HCM. Trên 62% sinh viên tin tưởng vào giá trị bằng cấp của ĐHQG-HCM trong điều kiện giảng dạy trực tuyến.

    Và họ còn làm được nhiều hơn thế nữa!

    Một cuộc khảo sát ở Hoa Kỳ gần đây cho thấy, cứ 5 giáo viên thì có 1 người nói sẽ nghỉ việc vì bị áp lực!

    Vậy mà giữa đại dịch, đã có 1.300 thầy cô giáo của ĐHQG-HCM tình nguyện làm công tác dọn dẹp, chuẩn bị cơ sở vật chất bàn giao KTX và Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh làm khu cách ly, bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân COVID. Gần 50.000 lượt người đã được cách ly, điều trị ở đây trong đợt dịch vừa qua.

    Vậy mà giữa đại dịch, các thầy cô giáo của ĐHQG-HCM đã thực hiện hỗ trợ được cho 5.595 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên ở quê bị kẹt lại TP.HCM.

    Vậy mà giữa đại dịch, chuyên trang COVID-19, chương trình vắc-xin tinh thần, các hoạt động tình nguyện, tổng đài 1022… liên tục hoạt động;

    Và có người trong số họ đã ra đi mãi mãi...

     

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên