Tin tổng hợp

Thi Đánh giá năng lực: Phương thức tuyển sinh ĐH đáng tin cậy

  • 08/08/2019
  • Tự chủ tuyển sinh là một trong những yếu tố cơ bản của tự chủ đại học (ĐH), được Luật Giáo dục Đại học quy định nhằm giúp các cơ sở đào tạo ĐH chọn được những sinh viên ưu tú, đáp ứng yêu cầu và triết lý đào tạo của mình.

    Thí sinh tham dự kỳ thi ĐGNL năm 2019 do ĐHQG-HCM tổ chức.

    Trải qua 2 năm tổ chức, kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQG-HCM đã nhận được phản hồi tích cực từ thí sinh và phụ huynh, tạo niềm tin cho xã hội. Để hiểu rõ hơn những nỗ lực đổi mới theo hướng tự chủ trong hoạt động tuyển sinh của ĐHQG-HCM, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, một trong những thành viên chính yếu góp phần cho sự ra đời của kỳ thi này.

    * Xin ông cho biết ý nghĩa của việc ĐHQG-HCM tổ chức thi ĐGNL?

    - Về tổng thể, ĐHQG-HCM cần thực hiện tốt tầm nhìn, sứ mạng của mình, đó là xây dựng một hệ thống ĐH trong tốp đầu châu Á, nơi tập trung sinh viên tài năng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mà muốn có những kỹ sư, cử nhân, bác sĩ chất lượng cao, chúng ta cần tuyển chọn được những sinh viên có năng lực tốt vào học tập tại ĐHQG-HCM.

    Đồng thời, Luật Giáo dục Đại học đã quy định các trường ĐH cần chủ động trong công tác tuyển sinh, và kỳ thi THPT Quốc gia có mục đích chủ yếu là xét tốt nghiệp, kết quả chỉ mang tính tham khảo để tuyển chọn sinh viên vào học ĐH. Vì thế, ĐHQG-HCM chủ trương tổ chức kỳ thi riêng nhằm tuyển chọn cho mình những sinh viên đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng trong ít nhất 4 năm học tiếp theo ở bậc ĐH. Triết lý của kỳ thi ĐGNL là hướng đến tương lai, chứ không quá quan trọng việc nhìn về quá khứ của thí sinh.

    Hơn nữa, ĐHQG-HCM được giao nhiệm vụ làm nòng cốt và tiên phong cho hệ thống giáo dục ĐH trong việc áp dụng những phương thức đào tạo tiến bộ, hiện đại trên thế giới, vì thế ĐHQG-HCM tổ chức kỳ thi ĐGNL của mình với mong muốn có một hình thức đánh giá toàn diện, ổn định, đáng tin cậy và đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh đầu vào ở bậc ĐH. Đó là tiền đề quan trọng để có được nguồn nhân lực chất lượng cao sau này.

    * Ý tưởng về kỳ thi này đã được hình thành ra sao, thưa ông?

    - Thực ra, ĐHQG-HCM bắt đầu nghiên cứu đổi mới phương thức tuyển sinh ĐH từ rất sớm, ít nhất là từ năm 2008. Năm 2011, ĐHQG-HCM có chủ trương rõ hơn về việc cải tiến công tác tuyển sinh (gồm tuyển thẳng học sinh phổ thông năng khiếu đạt loại giỏi 3 năm liên tục hoặc đạt giải học sinh giỏi toàn quốc). Tháng 3/2012, ĐHQG-HCM hoàn thành Dự thảo Cải tiến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ tại ĐHQG-HCM, với nội dung chính là tách rõ hai bước: thi và xét tuyển. Đề thi sẽ được xây dựng theo hướng đánh giá định chuẩn (standardized test) nhằm kiểm tra đúng năng lực (kỹ năng viết, năng lực suy luận...) để việc học đại học của thí sinh không quá chú trọng kiến thức thuộc lòng, gồm 6 môn: toán, tiếng Việt, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, Anh văn và năng khiếu.

    Về các bước chuẩn bị cho kỳ thi ĐGNL, có thể nhắc đến các mốc chính yếu sau. Vào tháng 5/2014, Giám đốc ĐHQG-HCM khi đó là PGS.TS Phan Thanh Bình đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác chuyên môn của Đề án cải tiến tuyển sinh ĐH. Ban Chỉ đạo do chính Giám đốc ĐHQG-HCM làm Trưởng Ban, thành viên là các Phó Giám đốc, một số trưởng ban và 3 hiệu trưởng của trường thành viên. Tổ công tác gồm các chuyên gia về tuyển sinh ĐH từ các trường thành viên và một chuyên gia ngoài ĐHQG-HCM. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là đề xuất và tư vấn cho Ban Giám đốc về triết lý, mục tiêu, phương thức tuyển sinh tại ĐHQG-HCM và trên cả nước.

    Từ năm 2016, ĐHQG-HCM đã triển khai các bước: xây dựng cấu trúc đề thi; tập huấn cho chuyên gia (là giảng viên của ĐHQG-HCM và giáo viên phổ thông có kinh nghiệm) về việc soạn câu hỏi trắc nghiệm khách quan; xây dựng ngân hàng câu hỏi nhằm đánh giá những năng lực cơ bản nhất để học tốt bậc đại học với kỹ thuật đặt câu hỏi phù hợp. Đến cuối năm 2017, đầu năm 2018, ĐHQG-HCM tổ chức thi thí điểm tại nhiều địa phương ở khu vực phía Nam.   

    Cũng trong năm 2017, ĐHQG-HCM chấp thuận cho Trường ĐH Quốc Tế triển khai thí điểm thi ĐGNL. Đến tháng 3/2018, ĐHQG-HCM hoàn tất Đề án tuyển sinh, gửi Bộ GD&ĐT. Một tháng sau, phương án tuyển sinh bằng kỳ thi ĐGNL được ĐHQG-HCM công bố trước xã hội và được các phương tiện tuyền thông đại chúng đánh giá cao.

    Ngày 7/7/2018, ĐHQG-HCM chính thức tổ chức kỳ thi ĐGNL với gần 5.000 thí sinh dự thi tại 3 điểm là TP.HCM, Quy Nhơn và Cần Thơ. Năm 2019, với 2 đợt thi ĐGNL vào ngày 31/3 và ngày 7/7, gần 50 ngàn thí sinh tham gia kỳ thi này tại 4 điểm thi TP.HCM, Bến Tre, Cần Thơ và Nha Trang. Các đồ thị phân phối điểm thi của thí sinh tương tự nhau giữa 3 đợt, và đều có dạng hình chuông chuẩn, chứng tỏ độ tin cậy rất cao của kỳ thi.

    * Bài thi ĐGNL được xây dựng dựa trên những tiêu chí nào, thưa ông?

    - Bài thi ĐGNL chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh, thông qua một bài thi tổng hợp gồm 120 câu hỏi, thời gian làm bài 150 phút. Về hình thức, đề thi sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn (MCQ - Multiple Choice Questions). Cách soạn câu hỏi phải tuân thủ các nguyên tắc khoa học của MCQ thế giới. Về nội dung, đề thi tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức lẫn tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản, đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa Kỳ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

    Cấu trúc nội dung đề thi và độ khó của các câu hỏi tuân thủ bảng hai chiều đã được xây dựng sẵn một cách kỹ lưỡng. Tuy nhiên, như dưới đây sẽ bàn, việc cho điểm là cả quy trình khoa học.

    * Cấu trúc của đề thi ĐGNL gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; và Giải quyết vấn đề. Ông có thể giải thích rõ hơn về cấu trúc nội dung này?

    - Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất trong học tập. Do vậy ngôn ngữ (gắn với văn học) là một nội dung thiết yếu cần phải kiểm tra. Ngôn ngữ giảng dạy, học tập ở bậc ĐH vẫn là tiếng Việt nên thí sinh có cần năng lực sử dụng tiếng Việt tốt. Ngoài ra cũng có phần tương đương là tiếng Anh để khuyến khích thí sinh học tốt ngoại ngữ này. Bởi tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý kinh doanh trên thế giới. Tóm lại, bài thi sẽ kiểm tra năng lực đọc hiểu, viết và kèm thêm một phần tư duy logic trong ngôn ngữ.

    Phần Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu nhằm đánh giá kỹ năng tư duy chính xác, tỉ mỉ, có phương pháp suy luận cẩn trọng, nói chung là tư duy định lượng (quantitative literacy), là kỹ năng ngày càng được sử dụng nhiều trong khoa học, kể cả khoa học không chính xác.

    Theo thang nhận thức Bloom điều chỉnh/cải tiến, có 6 mức là: nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo. Thực ra, các câu hỏi đã đề cập 4 mức đầu tiên, trong đó chú trọng hơn tới mức 3 và 4, như trong tiêu đề của từng phần đề thi đã chứng tỏ.

    Phần Giải quyết vấn đề nhằm đánh giá năng lực giải quyết các vấn đề toàn diện các môn lý, hóa, sinh, sử, địa, khi đã có dữ liệu nhất định.

    Tựu trung, ngoại trừ phần công cụ ngôn ngữ, phần còn lại của đề thi rất chú trọng tới các phương pháp, không chú trọng phần ghi nhớ. Vì ai cũng hiểu, phương pháp giữ vai trò quan trọng nhất cho sự nghiệp sau này của sinh viên.

    * Thưa ông, bài thi ĐGNL được phân bố điểm ra sao?

    - Đề thi ĐGNL không sử dụng Lý thuyết trắc nghiệm cổ điển (Clasical Test Theory - CTT) để chấm bài và đánh giá như người ta thường dùng, mà sử dụng Lý thuyết ứng đáp câu hỏi (Item Response Theory - IRT), tiếp cận ở cấp độ từng câu hỏi - là một lý thuyết của khoa học về đo lường trong giáo dục, ra đời từ nửa sau của thế kỷ XX.

     

    Lý thuyết đáp ứng câu hỏi có tính đến số lượng câu hỏi được trả lời đúng và độ khó của câu hỏi. Tức là thay vì áp đặt sẵn mức điểm cho các câu hỏi, cách tính điểm theo lý thuyết này sẽ dựa vào đặc trưng số của câu hỏi gồm độ phổ biến, độ khó và một tham số đặc thù để tính điểm cho câu hỏi đó. Do vậy, đề thi ĐGNL gồm 120 câu với thang điểm là 1.200 không có nghĩa là mỗi câu đều 10 điểm ngang nhau. Cả SAT và GRE đều sử dụng Lý thuyết đáp ứng câu hỏi cho các bài kiểm tra của họ.

     

    * Trong đề thi ĐGNL, hệ thống câu hỏi mang tính ứng dụng chiếm tỷ lệ cao hơn so với đề thi THPT Quốc gia. Đây có phải là điểm nhấn của đề thi ĐGNL?

    Mục tiêu của kỳ thi ĐGNL là tìm được những thí sinh thích ứng cho việc học ĐH chỉ sau đó vài tháng. Do vậy đề thi chủ yếu đánh giá năng lực ứng dụng các kiến thức mà thí sinh thụ đắc ở bậc THPT. Chúng ta không đánh giá năng lực thí sinh một cách chung chung, tổng quát, mà đánh giá năng lực của các em qua những yêu cầu cụ thể, đo được, thấy được ngay trong bài làm. Vả lại, thí sinh vốn đã được đánh giá nhiều về khả năng nhớ và hiểu ở bậc THPT, do đó kỳ thi ĐGNL cần tập trung đánh giá cao hơn.

    Tôi rất mong, trong tương lai, chúng ta có thể đánh giá được thí sinh nhiều hơn ở mức 5 và 6 với nội dung, hình thức câu hỏi phù hợp. Đồng thời, việc xây dựng đề thi cũng cần được cải tiến, nhất là về ngân hàng câu hỏi, quy trình thay thế các câu hỏi/nhóm câu hỏi hay tạo các mã đề hoán vị bằng các phần mềm chuyên nghiệp hơn. Chẳng hạn, các bước lập chọn/chỉnh dần các câu hỏi/nhóm câu hỏi để cuối cùng ra được một đề thi gốc tốt, đáp ứng tối ưu mục tiêu của kỳ thi.

    * Hiện tại, ĐHQG-HCM chỉ dành 40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH để xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi ĐGNL. Ông có bình luận gì về tỷ lệ này?

    - Chủ trương của ĐHQG-HCM là tăng dần tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi ĐGNL. Tất nhiên phải có lộ trình khoa học của nó. Ít nhất là phải dựa vào các tổng kết, đánh giá về chất lượng đề thi, công tác tổ chức thi, kết quả học tập của sinh viên được tuyển chọn qua kỳ thi này trong tương quan với sinh viên được tuyển chọn bằng các phương thức khác. Nếu mọi chỉ số đều tốt đẹp thì việc tăng chỉ tiêu mới thuyết phục.

    Theo tôi, phương thức tuyển sinh thông qua kỳ thi ĐGNL sẽ ngày càng xác đáng và phổ biến hơn ở Việt Nam. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang làm như vậy. Thực tiễn cho thấy phương thức tuyển sinh nào đồng thời đáp ứng các mục tiêu (1) tuyển chọn được thí sinh đủ năng lực học tập tốt ở bậc ĐH, (2) đạt được những tiêu chí về khoa học khảo thí, và (3) nhẹ nhàng, tiết kiệm, thuận tiện cho cả thí sinh lẫn các trường ĐH, thì phương thức tuyển sinh đó càng được các trường ĐH áp dụng.

    * Trân trọng cám ơn ông đã tham gia trả lời phỏng vấn.

    PHIÊN AN thực hiện

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên