Thi Đánh giá năng lực

Thí sinh, phụ huynh nói gì về Kỳ thi ĐGNL đợt 1?

  • 29/03/2021
  • Sáng 28/3, gần 70 ngàn thí sinh tham gia Kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1 do ĐHQG-HCM tổ chức tại 7 cụm thi gồm TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Khánh Hòa (Nha Trang), Đà Nẵng và 2 điểm thi mới so với mọi năm là Bạc Liêu và Đăk Lăk (Buôn Ma Thuột). Thống kê cho thấy có 97,94% thí sinh dự thi so với số lượng đăng ký trước đó. Đây là tỷ lệ dự thi cao nhất từ trước tới nay.

    Kỳ thi ĐGNL được thí sinh, phụ huynh đánh giá không áp lực và đòi hỏi khả năng tư duy cao hơn là ghi nhớ kiến thức.

    Tại điểm thi Trường ĐH Sài Gòn, chú Phạm Minh Soái (Quận 2), đưa con đi thi từ rất sớm và ở lại điểm thi để chờ con. Chú chia sẻ: “Kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM tổ chức rất tốt, đây là cơ hội để con tôi thử sức, cọ xát và tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Ngay khi con tôi bày tỏ ý muốn dự thi kỳ thi này, tôi đã rất vui mừng và đồng ý. Tôi luôn ở bên cạnh để động viên, khuyến khích tinh thần con và trở thành hậu phương vững chắc để con an tâm dự thi”.

    Gác lại công việc bận rộn ở quê nhà, vợ chồng chú Nguyễn Thành Phương (Rạch Giá, Kiên Giang) đưa con lên TP.HCM dự thi. Chú Thành Phương nói: “Từ năm lớp 12 nhà trường đã phổ biến cho tất cả học sinh biết về kỳ thi ĐGNL. Khi cháu muốn tham gia kỳ thi này tôi ủng hộ hết mình. Tham gia kỳ thi ĐGNL lần này tôi muốn cháu có được sự trải nghiệm cho bản thân”.

    Cô Vũ Thị Dung (Đồng Nai) chia sẻ, cô biết đến kỳ thi ĐGNL nhờ sự tư vấn của một cháu từng thi kỳ thi này. Cô nói: “Năm ngoái, tôi thấy điểm kỳ thi THPT Quốc gia rất cao, tỷ lệ chọi cũng rất cao, thời gian chờ đợi kết quả cũng khá lâu. Tôi cảm thấy rất hồi hộp khi phải cân nhắc rất kỹ để đưa ra quyết định trước kỳ thi THPT. Trong khi đó, kỳ thi ĐGNL nhanh hơn với kiến thức mang tính tổng thể, đòi hỏi sự tư duy cao của học sinh. Theo tôi, để thi đậu vào trường đại học mình thích thì có nhiều cách khác nhau, trong đó có kỳ thi ĐGNL”.

    Đưa em đi thi ĐGNL từ khá sớm, Võ Hoàng Giang, sinh viên Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, thí sinh từng dự thi ĐGNL, cho biết: “Năm mình thi ĐH, mình không nắm bắt kịp thông tin nên đã bỏ lỡ kỳ thi đánh giá năng lực. Nên năm nay mình đã động viên em mình đăng ký kỳ thi này, để không bỏ lỡ một cánh cửa vào đại học. Mình cảm thấy đề thi ĐGNL rất khách quan, toàn diện và đặc biệt các thí sinh phải chuẩn bị kiến thức tích lũy từ lâu, chứ không thể học ôn cấp tốc được. Do đó kết quả của kỳ thi này mình thấy rằng nó đánh giá đúng năng lực của các thí sinh”.

    Phần lớn các thí sinh khi được hỏi về bài thi ĐGNL đều cho rằng đề thi không buộc thí sinh phải ghi nhớ kiến thức, nhiều câu hỏi hay, đòi hỏi khả năng suy luận. Thí sinh Nguyễn Ngọc Yến Nhi đến từ Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) vui vẻ chia sẻ: “Em tự tin mỗi thứ một ít, và mong là các bạn sẽ thi được kết quả tốt”.

    Bạn Thiên Trúc, cùng trường với Yến Nhi cũng chia sẻ: “Em tự tin hơn ở các môn xã hội, em cũng có nguyện vọng vào ngành Báo chí của Trường ĐH KHXH & NV”.

    Thí sinh Lê Đình Minh Trí Trường - THPT An Dương Vương (Tân Phú) cho rằng: “Em khá hài lòng với bài thi của mình với mức điểm tự đánh giá là khoảng 900 điểm”. Bạn đánh giá đề thi vừa sức, có tính phân hoá và vận dụng cao, có thể đánh giá tổng quát năng lực hiểu biết, khả năng tư duy của học sinh cũng như nên trở thành xu hướng cho việc xét tuyển vào đại học. Ngành Logistic của Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM là mục tiêu bạn hướng đến khi đến với kì thi Đánh giá năng lực lần này.

    Đôi bạn Hồng Điệp (trái) và Hồng Hân là học sinh của trường THPT Bình Hưng Hoà cùng có nguyện vọng vào ngành Du lịch của Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM. Hai bạn tự tin làm được 70% đề. “Em thấy đề khó ở phần toán và lý, còn các câu hỏi ở phần xã hội khá hay, em tự tin làm tốt phần này” - Hồng Hân nói.

    Thấy thí sinh đến ĐHQG-HCM dự thi, Bình Thắng - sinh viên Trường ĐH KHTN nhớ lại hình ảnh của mình 2 năm trước và chia sẻ: “Ngày 31/3/2019 em dự thi tại Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG HCM . Em đến sớm vào chiều thứ 7 và ở tại KTX Khu B. Thế là được trải nghiệm cuộc sống ở Khu đô thị ĐHQG-HCM và thích ‘làng’ từ đây. Em còn nhớ, năm đó em thi tại phòng E.501 UIT. Em thấy cách bố trí phòng học và hình thức thi rất khác với THPT. Bộ đề thi ĐGNL làm em ‘ghiền’ vì phân bổ nhiều khía cạnh của kiến thức mình học và kiến thức thực tế”.

    Thắng cho biết em thích nhất phần toán logic và dành hết quỹ thời gian cuối để suy nghĩ hết các câu toán logic cuối.Trong kỳ thi năm nay, Bình Thắng trở thành tình nguyện viên, hỗ trợ cho thí sinh tham gia thi. Thắng nói: “Em rất thích và nhìn thấy được hình ảnh của mình trong đó. Chúc các thí sinh năm nay trúng tuyển vào trường mình mong ước, như em trước đây”.

    Kết quả thi đợt 1 được ĐHQG-HCM dự kiến công bố khoảng 1 tuần sau khi thi. Ở đợt 2, ĐHQG-HCM sẽ mở cổng đăng ký dự thi từ ngày 4/5-4/6 và dự kiến tổ chức thi đúng sau 1 tuần kỳ thi tốt nghiệp THPT tại 4 địa phương TP.HCM, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng. Thời gian đăng ký xét tuyển nguyện vọng sẽ kéo dài trong 1 tháng, từ ngày 4/5-4/6.

    Sau lần đầu tổ chức vào năm 2018, kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và sự tin tưởng của xã hội. Ngoài các trường đại học thành viên, từ 24 trường ĐH, CĐ ngoài hệ thống ĐHQG-HCM sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh đến năm 2021 đã tăng lên hơn 70 trường. Đặc biệt, chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi ĐGNL năm 2021 của các trường thành viên ĐHQG-HCM đều tăng lên. Trong đó, Trường ĐH KHXH&NV chiếm tới 50%, Trường ĐH Bách Khoa tối đa 70%.

    Cô Lưu Kim Ánh cho biết đã bắt xe từ Hậu Giang đưa con lên TP.HCM tham gia kì thi trong đêm. Cô hy vọng con của mình sẽ được xét tuyển vào ĐHQG-HCM.
    Chú Phạm Minh Soái chia sẻ: "Kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM tổ chức rất tốt, đây là cơ hội để con tôi thử sức, cọ xát và tìm kiếm những cơ hội tốt hơn".
    Đôi bạn Hồng Điệp và Hồng Hân đều tự tin làm được 70% đề thi.
    Thí sinh Lê Đình Minh Trí cho biết em hoàn thành bài thi khá tốt và tự đánh giá sẽ đạt 900 điểm.

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên