Đó là nhận định của TS Nguyễn Tấn Đại - Nghiên cứu viên liên kết, LISEC, ĐH Strabourg (Pháp) tại Hội thảo trực tuyến “Đánh giá hoạt động học tập trong dạy học trực tuyến: Từ thiết kế đến triển khai” do Ban Đại Học, ĐHQG-HCM tổ chức ngày 26/8. Hội thảo thu hút gần 500 người tham dự.
Theo TS Nguyễn Tấn Đại, trước khi thi trực tuyến, ProctorU - công ty cung cấp dịch vụ theo dõi người dự thi và kiểm tra ID, đã bắt quả tang sinh viên gian lận chỉ dưới 1% trong số 340.000 bài thi từ tháng 1-3/2020. Khi áp dụng thi trực tuyến có giám thị theo dõi từ xa, tỷ lệ sinh viên gian lận đã tăng trên 8% trong 1,3 triệu bài thi từ tháng 4-6/2020.
“Điều này cho thấy thi trực tuyến có giám thị (e-proctoring) tỷ lệ gian lận không giảm, thậm chí tăng cao do áp lực lợi ích ngắn hạn làm thúc đẩy động cơ gian lận. Đồng thời chi phí tổ chức thi với dịch vụ giám sát khá đắt đỏ. Trên thị trường châu Âu và Bắc Mĩ, đơn giá tổ chức thi có giám thị trực tuyến chuyên nghiệp dao động trong khoảng 10 euro/giờ/thí sinh” - TS Đại cho biết.
TS Nguyễn Tấn Đại cũng cho rằng, khác với hoạt động thi truyền thống, nếu thí sinh gian lận sẽ có bằng chức trực tiếp, việc thi trực tuyến cùng giám sát bằng camera chỉ đem lại bằng chứng gián tiếp. Các bằng chứng này dễ dẫn đến phạt sai cho sinh viên.
“Trong năm học 2020-2021, Trường ĐH Texas - Autin thuê dịch vụ gác thi trực tuyến bằng AI đã phát hiện 27 trường hợp đưa ra hội đồng kỷ luật của trường. Tuy nhiên, sau khi hội bồng xem xét các chứng cứ do AI cung cấp, chỉ có 13 trường hợp sinh viên được xác thực là vi phạm. Có thể thấy, các bằng chứng gian lận do AI đưa ra chỉ đúng dưới 50%, điều này làm sai lệch kết quả và thiếu công bằng cho sinh viên” - TS Đại khẳng định.
Ông cũng lưu ý, việc giám sát qua camera trong quá trình thi cử ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý của sinh viên. Thông thường, khi sinh viên thi tập trung, việc giám sát chỉ 1-3 giám thị trong phòng thi. Hiện nay 1 thí sinh thi trực tuyến sẽ có nhiều giám thị cùng giám sát, gây áp lực tâm lý nặng nề cho sinh viên, ảnh hưởng tinh thần làm bài của các em.
TS Nguyễn Tấn Đại nhấn mạnh: “Tôi không phủ định việc gác thi từ xa nhưng cần cân nhắc những yếu tố này để đảm bảo mức độ xác thực và công bằng. Chúng ta thuê dịch vụ phục vụ việc giám sát thi của sinh viên nhưng khi xâm nhập vào máy tính cá nhân của sinh viên liệu có quan tâm đến dữ liệu cá nhân, đời sống riêng tư của các em?”.
Đề xuất giải pháp cho hoạt động thi trực tuyến, TS Đại cho rằng giảng viên cần đa dạng hóa hình thức đánh giá, tức kiểm tra đánh giá đa tiêu chí. Điều này sẽ giúp đa dạng hóa hình thức dạy học, giảm áp lực trong bài thi cuối kỳ cho sinh viên.
Theo đó, người dạy cần chia nhỏ yêu cầu đánh giá liên tục qua nhiều hoạt động. Dùng hệ thống quản lí tập trung định danh người học, sử dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan kết hợp đầu tư xây dựng ngân hàng đề thi chất lượng. Đồng thời, trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần đa dạng hoá các hình thức làm bài thực hành, tự luận, bài tập nhóm, thuyết trình; xây dựng quy chế kiểm tra đánh giá đặc biệt cho tình huống đặc biệt.
Hội thảo còn lắng nghe báo cáo "Chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai đánh giá dạy học trực tuyến” của PGS.TS Nguyễn Duy Anh - Phó Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM cũng như trao đổi thảo luận các vấn đề xoay quanh giảng dạy trực tuyến.
PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết hội thảo được tổ chức nhằm trang bị cho giảng viên ĐHQG-HCM kiến thức và hướng dẫn thực hành về thiết kế kiểm tra, đánh giá hoạt động học tập trong dạy học trực tuyến. Đồng thời, tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị trong triển khai đánh giá hoạt động học tập, dạy học trực tuyến hiện nay.
Tin, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên