Sáng 20/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM). Website ĐHQG-HCM trân trọng giới thiệu phát biểu của Thủ tướng.
Ngày hội của trái tim*
Hôm nay, tôi rất xúc động về thăm ĐHQG-HCM vào đúng dịp lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, một ngày hội lớn không chỉ của ngành giáo dục, của thầy giáo, cô giáo và các em sinh viên mà còn là ngày hội của trái tim, của truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn trong suốt chiều dài lịch sử văn hiến của dân tộc Việt Nam.
Cách đây 34 năm, vào đúng ngày khởi đầu của năm mới, ngày 1/1/1982, chính người thầy giáo dạy lịch sử đáng kính và cũng là người Anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Trải qua 34 năm, ngày 20/11 luôn là sự kiện đặc biệt, giàu cảm xúc của toàn ngành giáo dục và của mọi người dân Việt Nam. Tôi biết ở nhiều nơi có những thầy giáo, cô giáo không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức cho học sinh trong điều kiện khó khăn, mà còn kiêm cả vai trò người bố, người mẹ, chăm sóc, động viên từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của các em.
Hôm nay, cho phép tôi được thay mặt Đảng, Nhà nước bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đến toàn thể thầy giáo, cô giáo trên cả nước, đặc biệt những thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Chính phủ và nhân dân ta luôn trân trọng, ghi nhớ, biết ơn tấm lòng, sự hy sinh và cống hiến thầm lặng, không mệt mỏi của các thầy giáo, cô giáo.
Thành quả đầy tự hào của ĐHQG-HCM
Trong 21 năm xây dựng và phát triển, ĐHQG-HCM đã luôn đi đầu cả nước về nghiên cứu và ứng dụng khoa học với việc hình thành hệ thống hơn 70 phòng thí nghiệm và hơn 30 tổ chức khoa học công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo theo các chương trình nghiên cứu trọng điểm; hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trong hầu hết lĩnh vực khoa học trọng điểm với trung bình mỗi năm công bố từ 180 đến 200 bài báo ISI, là những tạp chí danh tiếng quốc tế, hơn 200 đối tượng sở hữu trí tuệ đã được đăng ký. ĐHQG-HCM cũng hình thành mạng lưới hợp tác quốc tế rộng khắp từ châu Á, châu Âu đến Bắc Mỹ với những trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu như MINATEC (Pháp), UCLA, UCB (Hoa Kỳ), các tập đoàn công nghiệp lớn như Intel, Qualcomm, Toshiba, Mentor Graphics…
Nhiều dự án hợp tác khoa học công nghệ đã và đang được triển khai, điển hình là Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải, Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu, Công ty May Tada, Ngân hàng Eximbank, Công ty Trường Hải…
Đặc biệt ĐHQG-HCM đã triển khai bước đầu rất thành công dự án đô thị đại học đầu tiên ở Việt Nam.
Gần đây nhất, tôi đã tiếp ông Thống đốc tỉnh Nagano, Nhật Bản và rất phấn khởi khi được biết ngay sau đó, họ đã đến tìm hiểu, học tập cách vận hành của một trung tâm công nghệ Việt Nam chuyên về nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch TP.HCM (ICDREC) trực thuộc ĐHQG-HCM. ICDREC không chỉ là trung tâm nghiên cứu mà còn làm thương mại các sản phẩm từ chip đến thiết bị đầu cuối.
Đây là điều cần được khuyến khích, nhân rộng trong hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam bởi nghiên cứu phải gắn liền với thực tế, phải đi vào đời sống, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp; từ đó, đem lại nguồn lực và nâng cao thương hiệu cho nhà trường.
Thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương những thành quả đầy tự hào của các thế hệ thầy giáo và sinh viên ĐHQG-HCM. Với tất cả những gì đạt được ngày hôm nay, có thể nói ĐHQG-HCM cùng với ĐHQG Hà Nội đã thực hiện rất tốt tầm nhìn và kỳ vọng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm xưa, người đã có công sáng lập ĐHQG Hà Nội và ĐHQG-HCM.
Khởi nghiệp là mệnh lệnh của cách mạng công nghiệp
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống đại học nói chung và ĐHQG-HCM nói riêng. Nó đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ nội dung đào tạo đến phương thức dạy và học, cách thức mà ở đó thầy và trò tương tác với nhau, cách thức mà tri thức được tạo ra cho đến sự tiếp cận và lĩnh hội tri thức cũng thay đổi đáng kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này.
Tri thức không phải từ một phía mà có tính đa chiều. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là tận dụng được tính đa chiều của thông tin và tri thức, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ mà ngay ở trong nó cũng là một sản phẩm của thông tin và tri thức. Hệ quả của cuộc cách mạng công nghiệp là sự phủ nhận nhiều mô hình kinh doanh cũ và khai sáng những phương thức kinh doanh hoàn toàn mới. Sau các cuộc cách mạng công nghiệp đều tạo ra những thế hệ doanh nhân và doanh nghiệp mới, chẳng hạn Bill Gates của Microsoft, Zuckerberg của Facebook…, những người không xuất hiện ở các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lần thứ hai. Tương tự, câu chuyện thành công của FPT hay ứng dụng trò chơi của Nguyễn Hà Đông ở Việt Nam không xuất hiện ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lần thứ hai.
Cách mạng công nghiệp đồng nghĩa với tư duy khởi nghiệp và sản sinh ra những thế hệ khởi nghiệp mới. Do vậy, khởi nghiệp là mệnh lệnh của cách mạng công nghiệp. Nếu Việt Nam từng làm cả thế giới ngưỡng mộ vì khả năng tổng động viên sức mạnh, ý chí toàn dân tộc khi đất nước lâm nguy thì ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể động viên người dân khởi nghiệp sáng tạo, làm kinh tế, xây dựng đất nước, chinh phục thị trường thế giới và xác lập chỗ đứng vững chắc trên sân chơi toàn cầu hóa.
Khởi nghiệp là một động lực phát triển quan trọng.Khởi nghiệp càng nhiều thì tiềm năng của nhân dân được phát huy, mọi nguồn lực xã hội được đưa vào khai thác toàn dụng. Khởi nghiệp không chỉ là thiết lập một mô hình hay một ý tưởng kinh doanh. Đó có thể là khởi sự và hành động trong các lĩnh vực khác nhau, hướng tới phục vụ cộng đồng, xã hội; giải quyết những bài toán về con người và sự phát triển bền vững. Do vậy, giá trị của khởi nghiệp không chỉ là thành công tài chính của một dự án kinh doanh mà còn là giá trị xã hội về tính nhân bản, đem lại sự khác biệt và được xã hội tôn trọng.
Là một trường đại học hàng đầu của cả nước, ĐHQG-HCM phải chú trọng xây dựng những kỹ năng cần thiết, ươm trồng những tài năng, những ước mơ khởi nghiệp. Những hoạt động nghiên cứu khoa học có sự tham gia của sinh viên, các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, các đề án, ý tưởng do sinh viên đề xuất nhằm đem đến những thay đổi tích cực cho nhà trường…; nếu chúng ta khuyến khích những điều này chính là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ ngày hôm nay.
Trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ, một lần nữa tôi khẳng định khởi nghiệp chính là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Người dân, đặc biệt là lớp trẻ khởi nghiệp càng nhiều thì nền kinh tế càng năng động, chất lượng nguồn nhân lực được thử thách, rèn luyện, nâng cao.Chưa bao giờ khởi nghiệp được sự quan tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị như lúc này.Chưa bao giờ khởi nghiệp có được điều kiện thuận lợi về vật chất, tinh thần và về thể chế như lúc này.
Sinh viên hãy làm chủ sự học của mình
Những năm 1970, khi thế hệ của chúng tôi ở cùng độ tuổi với các em sinh viên hôm nay, nhiều người chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc điện thoại vì năm 1973, Hãng Motorola mới chính thức phát minh chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới. Ngày hôm nay, mỗi sinh viên đều cầm trên tay một chiếc điện thoại di động, thậm chí, với chiếc điện thoại đó, các em có thể xem tin tức, học tập, tương tác với bạn bè trong và ngoài nước hoặc có thể kinh doanh, kiếm tiền và khởi nghiệp. Ví dụ trường hợp của Nguyễn Hà Đông và các mô hình kinh doanh vận tải như Uber, Grab taxi, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới. Vì thế, các em là thế hệ có trong tay những điều kiện kết nối, học tập và phát triển tốt nhất. Vấn đề là các em tận dụng và phát huy những điều kiện đó như thế nào.
Nhân đây, tôi có đôi lời muốn chia sẻ với các em sinh viên. Trong bài phát biểu đầu tiên ngay khi được Đảng và nhân dân giao phó trách nhiệm làm Thủ tướng, tôi đã nói rõ quyết tâm của mình là chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, có cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Đối với cá nhân tôi, không có ý nghĩa gì hơn là được trò chuyện với thế hệ tài năng trẻ của đất nước.Các em không chỉ là tiềm năng, là tương lai mà còn là động lực quyết định đến vận mệnh phát triển của dân tộc Việt Nam.
Tôi kêu gọi các em hãy mạnh dạn hơn nữa, hãy làm chủ sự học của chính mình.Học đại học chính là một quyết định đầu tư không chỉ là của các em mà còn là của cả gia đình các em trong tương lai.Thế nên các em phải là người có trách nhiệm cao nhất với quyết định của mình đồng thời cũng sẽ là người gánh chịu nhiều thiệt hại nhất nếu để lãng phí thời gian, tiền của trong quãng thời gian ở trường đại học. Hãy chủ động nghiên cứu, tăng cường trao đổi với bạn bè, với các thầy cô, tham gia các hoạt động cộng đồng, thực tập ở doanh nghiệp để tích lũy kinh nghiệm, trao đổi kiến thức, kỹ năng qua cọ xát thực tiễn; và hãy nhớ học thật tốt ngoại ngữ vì đó chính là chìa khóa không giới hạn mọi kiến thức mà mình cần, xã hội cần với chi phí thấp nhất nhờ cuộc cách mạng giáo dục vĩ đại hiện nay trên thế giới.
Từ văn hóa, do văn hóa
Cách đây tròn một năm, trong bài diễn văn chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam của Giám đốc ĐHQG-HCM, đồng chí có nói: “Phải chăng mọi việc cuối cùng lại là từ văn hóa, do văn hóa mà ra”. Tôi rất chia sẻ quan điểm này với các đồng chí. Tôi đã đọc các giá trị cốt lõi mà các đồng chí thể hiện trên Website ĐHQG-HCM: “Vì sự phát triển toàn diện của con người, lấy người học làm trung tâm; chất lượng giáo dục là yếu tố quan tâm hàng đầu cho mọi hoạt động; đề cao tính độc lập, sáng tạo trong nghiên cứu, sáng tạo khoa học; sự liên thông, hợp tác quốc tế là nòng cốt cho sự phát triển; đề cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong công tác quản lý; gắn kết và phục vụ cộng đồng”, là những giá trị mà tôi rất tâm đắc. Các đồng chí hãy luôn ghi nhớ chừng nào xã hội, các bậc phụ huynh, đối tác và sinh viên của các đồng chí còn tin vào những giá trị hay nguyên tắc này thì chứng tỏ ĐHQG-HCM còn phát triển mạnh hơn nữa; và chừng nào những giá trị đó thấm nhuần trong toàn thể đội ngũ giảng viên, được chuyển hóa thành những hành động cụ thể dù rất nhỏ trong mỗi người thì lúc đó ĐHQG-HCM sẽ thực sự khác biệt. Các đồng chí cũng cần lưu ý rằng, ĐHQG-HCM sẽ thành công khi và chỉ khi từng trường thành viên thành công.Mỗi trường đều cần có chiến lược, chương trình hành động cụ thể để có thể phát huy tốt nhất đặc thù, lợi thế của từng trường.Chỉ có như vậy ĐHQG-HCM mới vững mạnh và phát triển.
Tôi xin chia sẻ với các đồng chí lời Công sứ Nagai của Nhật vừa nói với tôi, Đại học Việt - Nhật sẽ thành công, trở thành đại học hàng đầu ở châu Á, dù mới tuyển sinh đầu tiên năm 2016 vì từng khoa của Đại học Việt - Nhật sẽ hợp tác với từng trường, có thể mạnh tương ứng với Nhật Bản. Các giáo sư hàng đầu ở Nhật sẽ sang giảng dạy, tham vấn kinh nghiệm cho Đại học Việt - Nhật … Như vậy, các đồng chí thấy chiến lược đối tác, chiến lược hội nhập với hệ thống giáo dục đại học Nhật Bản sẽ làm nên thành công của Đại học Việt - Nhật trong tương lai.Vì vậy, chiến lược tổng thể của ĐHQG-HCM là gì, chiến lược thành công của từng trường thành viên trực thuộc ĐHQG-HCM là gì? Nếu trả lời xuất sắc những câu hỏi này, tôi tin các đồng chí sẽ không chỉ đứng vào tốp đầu của châu Á mà biết đâu có thể của thế giới trong tương lai. Tại sao lại không?
Tôi muốn nhấn mạnh rằng uy tín mà các đồng chí tạo ra với xã hội, danh tiếng mà các đồng chí tạo ra trên trường quốc tế cũng chính là hình ảnh và vị thế mà các đồng chí tạo ra cho đất nước chúng ta.
Cuối cùng, tôi xin nhắc lại lời phát biểu của cố Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, nguyên Giám đốc Học vụ của Bộ Giáo dục, sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc Trường đại học Việt Nam, tiền thân của Đại học Quốc gia ngày nay, trong bài phát biểu khai giảng Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15/11/1945, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi muốn nó là một thành lũy để trường kỳ kháng chiến phục hồi hoàn toàn lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và đã tự gây nên được một nền văn minh đặc sắc trên ven bể Thái Bình Dương này”.
Một trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc ngày nay chính là các nhà khởi nghiệp Việt Nam, chính là thế hệ trẻ đầy tâm huyết, sáng tạo của ĐHQG-HCM cũng như ở các trường đại học trên khắp cả nước, kể cả du học sinh ở nước ngoài. Với vị thế là một trường trực thuộc Chính phủ, có sự quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, ĐHQG-HCM phải luôn không ngừng đổi mới để thực hiện tốt nhất vai trò và sứ mệnh trong việc xây dựng, phát triển lực lượng khởi nghiệp cho quốc gia hiện tại và tương lai, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp để đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng dạy bảo.
Chính vì vậy, trong bối cảnh tự chủ đại học được thực hiện, tôi cũng đề nghị ĐHQG-HCM tạo điều kiện tốt nhất cho các em sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học, quan tâm các em sinh viên dân tộc thiểu số, những sinh viên nghèo, sinh viên vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn phấn đấu vươn lên trong học tập. Nhà trường cũng cần lắng nghe ý kiến, ý tưởng của các em và phụ huynh để hoàn thiện môi trường dạy và học ngày càng tốt hơn.
Hôm nay, nhân kỷ nhiệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, về đây cùng với các em và các đồng chí, đặc biệt là các giáo sư, nguyên là hiệu trưởng của trường, tôi xin gửi tặng món quà đặc biệt về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã ký quyết định thành lập Đại học Quốc gia - 100 cuốn sách mang tên Kính chào thế hệ thứ tư như sự tri ân đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; đồng thời cũng chính là mong đợi và kỳ vọng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ muốn gửi đến thế hệ sinh viên ĐHQG-HCM hôm nay, thế hệ của niềm tin mới, của tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, ý thức không ngừng đổi mới vươn lên trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Một lần nữa, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và kính chúc các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh, sinh viên của ĐHQG-HCM và ở tất cả trường học trên cả nước, những thầy giáo, cô giáo đã nghỉ hưu sức khỏe, hạnh phúc, giữ mãi niềm tin, không ngừng phấn đấu vì nền giáo dục nước nhà, vì tương lai tươi sáng của thế hệ trẻ, vì đất nước, dân tộc chúng ta.
Chúng ta tin tưởng rằng ĐHQG-HCM và ĐHQG Hà Nội sẽ là những hải đăng của đại học Việt Nam.
(Theo Chinhphu.vn,Chủ nhật 20/11/2016 20:00)
* Các intertitre do Website ĐHQG-HCM đặt
Hãy là người bình luận đầu tiên