Ở môi trường đại học, thư viện không chỉ là nơi sinh viên đến để tìm kiếm tài liệu học tập, nghiên cứu mà còn là nơi để sinh viên tự học, làm việc nhóm. Thực tế cho thấy, việc sử dụng thư viện vẫn chưa được sinh viên coi trọng đúng mức.
Chuyển từ đọc giấy qua đọc online
Thư viện Trung tâm ĐHQG-HCM được đánh giá là thư viện hiện đại, đạt chuẩn quốc tế. Mỗi ngày thư viện này đón 400-500 lượt sinh viên đến sinh hoạt và 200-300 lượt mượn sách. Con số này khá khiêm tốn so với hơn 60 ngàn sinh viên của ĐHQG-HCM. Tương tự, thư viện của từng trường thành viên ghi nhận cũng chỉ khoảng 300-400 lượt sinh viên đến mỗi ngày.
Chị Ninh Thị Kim Duyên - Phó Phòng Phục vụ độc giả Thư viện Trung tâm, cho biết: “So với những năm đầu thành lập, lượng sinh viên đến thư viện có phần đông hơn. Nhìn chung, lượt đến thư viện để trực tiếp mượn sách đọc có xu hướng giảm nhưng lượt truy cập online từ xa có xu hướng tăng. Dường như, các bạn sinh viên đang dần chuyển từ hình thức đọc giấy qua đọc online nhiều hơn”.
Nguyễn Thị Loan - sinh viên năm II, Trường ĐH KHXH&NV, chia sẻ: “Lâu lâu mình mới đến một lần, chủ yếu là để ôn bài. Thường vào dịp thi nên mình cần nơi yên tĩnh. Mình không dành nhiều thời gian trong thư viện. Trung bình mỗi tuần mình đến chỉ một hai lần để nghỉ ngơi vào buổi trưa. Mình chưa từng mượn sách thư viện vì mình không biết cách mượn và cũng chưa cần mượn”.
Ngược lại, Trần Thị Thu Hà - sinh viên Trường ĐH Nông Lâm, cho biết tuy phải đi một đoạn đường khá xa nhưng Hà vẫn thường tranh thủ thời gian nghỉ từ 1 đến 2 tiếng mỗi ngày để đến Thư viện Trung tâm. “Ở trường khá ồn nên mình cần chỗ yên tĩnh để tập trung học bài. Ở đây có gần như đầy đủ những loại sách mình cần, từ sách đại cương, chuyên ngành cho đến các loại sách văn học, nghệ thuật...” - Hà chia sẻ.
Khi tìm kiếm thông tin quá dễ dàng
Lý giải về tình trạng sinh viên không mặn mà với thư viện, ThS Bùi Thu Hằng - Giám đốc Thư viện Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, cho rằng có nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan: “Đầu tiên phải kể đến các loại hình dịch vụ của thư viện chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của sinh viên. Trong đó, có thể kể đến điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo, nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế, gây khó khăn trong việc bổ sung tài liệu cho tất cả ngành, nhất là tài liệu ngoại văn”.
Giám đốc Thư viện Trường ĐH KHXH&NV cho biết thêm, với sự tiến bộ của công nghệ, sinh viên dễ dàng tiếp cận thông tin từ Internet. Chính sự tiện ích đó khiến họ nghĩ rằng những thông tin mình thu thập trên mạng đã đầy đủ và không cần tìm đến thư viện. Xét từ phía sinh viên, khi ở bậc trung học phổ thông, họ chưa ý thức cũng như chưa được khuyến khích việc tự tìm tòi, học hỏi. Vì thế, khi bước vào đại học, nhiều sinh viên vẫn giữ tâm lý đó, dẫn đến coi nhẹ việc sử dụng thư viện.
Nguyễn Ngọc Dũng - sinh viên năm III, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, thố lộ rằng mình rất ít đến thư viện vì mọi thông tin cần thiết đều dễ dàng tìm được trên Internet. “Mình chỉ đến thư viện lúc phải thực hiện các bài tiểu luận. Còn bình thường thì mình không thích đến đây rồi vùi đầu vào sách vở vì cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Hơn nữa, không gian ở thư viện nhàm chán, không tạo sự thoải mái cho mình” - Dũng bộc bạch.
Tạo không gian gần gũi hơn với bạn đọc
Theo ThS Bùi Thu Hằng, để thu hút sinh viên tương tác với thư viện nhiều hơn, Thư viện Trường ĐH KHXH&NV đang mở rộng nguồn tài liệu điện tử để đáp ứng nhu cầu truy cập từ xa của sinh viên. Có những tài liệu sinh viên không thể tìm trên mạng hoặc phải trả phí rất cao nên buộc họ phải tìm đến các tài liệu nội sinh của thư viện. Đồng thời, thư viện cũng chú trọng việc tạo không gian gần gũi hơn với bạn đọc.
“Các chuyên viên của thư viện đã tự tay tạo những tiểu cảnh, tranh vẽ để trang trí thư viện thay vì chỉ treo những bản tin cứng nhắc. Đồng thời, thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên cũng đang dần được thay đổi theo hướng tích cực, thân thiện hơn. Thư viện luôn cố gắng làm những điều nhỏ nhất để các bạn thấy được rằng sinh viên là trung tâm của thư viện” - ThS Hằng nhấn mạnh.
Chị Ninh Thị Kim Duyên - Phó Phòng Phục vụ độc giả - Thư viện Trung tâm ĐHQG-HCM, cho biết để thu hút sinh viên, mỗi năm học, Thư viện Trung tâm đều đến các đơn vị thành viên của ĐHQG-HCM tổ chức những buổi giới thiệu, hướng dẫn sử dụng thư viện, và tặng thẻ thư viện cho sinh viên.
“Thư viện Trung tâm còn cung cấp dịch vụ mượn liên thư viện để hỗ trợ sinh viên ở một trường dễ dàng mượn sách từ các trường thành viên còn lại trong ĐHQG-HCM. Chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện thuận tiện nhất khi sinh viên sử dụng thư viện” - Chị Ninh Thị Kim Duyên chia sẻ.
Theo chị Lê Thị Huyền Trân - Trưởng chi nhánh Thư viện Trung Tâm - KTX khu B, chi nhánh Thư viện Trung Tâm được đặt trong Ký túc xá khu B đồng nghĩa với việc phục vụ tận nơi ở cho các bạn. Thư viện mở cửa từ 14 giờ đến 21 giờ - khung giờ phù hợp cho sinh viên đi học về và cần không gian yên tĩnh để học bài.
Chị Trân cho biết: “Bên cạnh sự thuận lợi về vị trí, hình thức tiếp cận sinh viên qua mạng xã hội Facebook ngày càng được Thư viện Trung tâm chú trọng. Đội ngũ cán bộ luôn online để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu hay giải đáp thắc mắc từ các bạn”.
Thư viện nước ngoài có gì đặc biệt? Thư viện quốc gia Đức tọa lạc tại thành phố Frankfurt có khoảng 18,5 triệu cuốn sách. Thư viện và cơ quan lưu trữ Canada có 18,8 triệu đầu sách và rất nhiều tài liệu liên quan lịch sử. Bên cạnh nguồn tài liệu phong phú, nhiều thư viện trên thế giới còn có lối kiến trúc độc đáo, hiện đại. Đó là Thư viện Book Mountain and Library Quarter (Hà Lan) mang hình dạng kim tự tháp bằng kính, gợi cho người đọc cảm giác như đi vào một núi sách. Thư viện Birmingham (Anh) có mặt tiền độc đáo nhờ được kết bằng các vòng tròn kim loại, mỗi ngày đón tiếp khoảng 10 ngàn lượt độc giả. |
PHƯƠNG MAI - ÁNH TRINH (Bản tin ĐHQG-HCM số 196)
Hãy là người bình luận đầu tiên