Ngày 28/6/2024, tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM (Quận 1), Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) phối hợp ĐHQG-HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Thúc đẩy các nghiên cứu đột phá, xuất sắc tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở TP.HCM”. PGS.TS Trần Cao Vinh - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM đã đến dự.
Hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh
Theo GS.TS Phan Bách Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử ĐHQG-HCM (đại diện nhóm nghiên cứu lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật), khoa học công nghệ, giáo dục đại học và đổi mới sáng tạo (KHCN, GDĐH, ĐMST) có vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Trong nền kinh tế tri thức, KHCN, GDĐH, ĐMST cung cấp tri thức, nhân lực và các yếu tố cạnh tranh cho nền kinh tế. Vì vậy, phát triển KHCN, GDĐH, ĐMST không những được coi là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội mà đã trở thành xu hướng lựa chọn tất yếu của nhiều quốc gia.
Quá trình phát triển các quốc gia trên thế giới đã chứng minh rằng quốc gia nào nắm giữ và làm chủ được công nghệ và tri thức mới, quốc gia đó sẽ phát triển. Nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài cho thấy các nhóm nghiên cứu mạnh là hạt nhân phát triển của những trung tâm xuất sắc. Cho nên, các cơ sở giáo dục đại học trong nước đã và đang có sự quan tâm đến việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh.
Về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, TS Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV cho biết các nhóm nghiên cứu mạnh cấp cơ sở của Nhà trường gặp những hạn chế về nguồn nhân lực và kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học. Do đó, cần hỗ trợ từ các quỹ phát triển KHCN, các nguồn đầu tư cho nghiên cứu khoa học của ĐHQG-HCM trong việc xây dựng các đề án hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh cấp cơ sở. Bên cạnh đó, cần có những chính sách đặc thù phù hợp với việc phát triển và thúc đẩy nghiên cứu khoa học khối ngành khoa học cơ bản.
Tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi
PGS.TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Ban Khoa học và Công nghệ ĐHQG-HCM trình bày báo cáo “Tạo dựng môi trường để thúc đẩy các nghiên cứu đột phá, xuất sắc, phát triển ĐHQG-HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á”. Hệ thống ĐHQG-HCM hiện có 8 trường đại học và 1 viện thành viên, với 400 giáo sư, phó giáo sư, hơn 1.100 tiến sĩ, khoảng 2.000 thạc sĩ. ĐHQG-HCM đã cung cấp hơn 8.000 kỹ sư, cử nhân, khoảng 1.500 thạc sĩ, khoảng 100 tiến sĩ cho xã hội, hằng năm đào tạo hơn 80.000 sinh viên, khoảng 7.000 học viên cao học và khoảng 1.000 nghiên cứu sinh.
Giai đoạn 2021-2030, ĐHQG-HCM đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KHCN liên ngành giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới. Theo đó, có các mục tiêu cụ thể như: (1) Phát triển ĐHQG-HCM trở thành trung tâm nghiên cứu và ĐMST trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm hàng đầu châu Á; (2) Gia tăng nhanh số lượng công bố khoa học trong cơ sở dữ liệu Scopus, nhất là các lĩnh vực KHXH&NV, kinh tế - luật; (3) Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển một số mô hình tăng trưởng đảm bảo bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; (4) Hình thành Trung tâm ĐMST Quốc gia tại ĐHQG-HCM, kết nối với vùng Đông Nam bộ và khu vực châu Á.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Cao Vinh, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết ĐHQG-HCM đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại nhằm tạo ra môi trường nghiên cứu thuận lợi, cung cấp những điều kiện tối ưu cho các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu; tăng cường hợp tác quốc tế, mời gọi các chuyên gia hàng đầu thế giới tham gia vào các dự án nghiên cứu tại ĐHQG-HCM. Ngoài ra, ĐHQG-HCM đã ban hành Chương trình VNU350 nhằm thu hút và giữ chân những nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành thông qua các chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến và môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Tại hội thảo, TS Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia đã giới thiệu về tài trợ, hỗ trợ của Quỹ đối với các nghiên cứu đột phá, xuất sắc. Các nhà khoa học của ĐHQG-HCM đã trao đổi các vấn đề nhằm tạo dựng môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi thúc đẩy các nghiên cứu đột phá, xuất sắc.
Bài, ảnh: LÊ HOÀI
Hãy là người bình luận đầu tiên