Sáng 31/5, tại Hội trường 512 Nhà điều hành, ĐHQG-HCM đã tổ chức hội thảo Nâng cao năng lực sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội, doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cùng gần 100 đại biểu là đại diện các phòng ban, trường đại học trong và ngoài ĐHQG-HCM, doanh nghiệp đã tới dự.
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe 3 tham luận về Kết quả triển khai chương trình tăng cường kỹ năng cho sinh viên ĐHQG-HCM giai đoạn 2016-2020, Giải pháp nâng cao năng lực thích ứng với cuộc CMCN 4.0 cho sinh viên Việt Nam và Dạy và học trong kỷ nguyên CMCN 4.0.
Theo TS Lưu Trung Thủy - Phó Trưởng ban Công tác sinh viên ĐHQG-HCM, giai đoạn 2016-2020, ĐHQG-HCM đã thiết kế, triển khai 2 chương trình tăng cường kỹ năng chung dành cho sinh viên, gồm Chương trình kỹ năng định hướng “Hòa nhập với đời sống đại học” dành cho sinh viên đầu khóa và Chương trình kỹ năng mềm dành cho sinh viên giữa và cuối khóa.
“Nhìn chung, việc thực hiện tăng cường kỹ năng cho sinh viên ĐHQG-HCM đã đạt một số kết quả ban đầu. Thời gian tới, ĐHQG-HCM tiếp tục theo dõi hiệu quả của các chương trình trang bị và tăng cường kỹ năng cho sinh viên thông qua khảo sát, đánh giá của doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh hiện nay” - TS Thủy cho biết.
Theo TS Nguyễn Thị Hảo - Phó Trưởng ban Đại học ĐHQG-HCM, để nâng cao năng lực thích ứng cuộc CMCN 4.0 cho sinh viên Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học cần xác định khung/mô hình năng lực của sinh viên tốt nghiệp đại học hiện nay. TS Hảo đề xuất mô hình năng lực với 3 nhóm năng lực gồm Năng lực nền tảng, năng lực thích nghi và sáng tạo, đổi mới và Năng lực chuyên môn (xuyên ngành).
TS Nguyễn Thanh Tùng (Viện Quản trị Tri thức KMi) cho rằng để thích ứng với cuộc CMCN 4.0 sinh viên cần phải trang bị năng lực sáng tạo, học tập suốt đời và tiếp cận với công nghệ kỹ thuật số. Trong đó có 5 kỹ năng sinh viên cần có: Kỹ năng hợp tác, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng sáng tạo, Tư duy phản biện và Học tập suốt đời.
Phát biểu tổng kết, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết hội thảo với mục đích tiếp nhận thông tin phản hồi của doanh nghiệp về chất lượng nguồn nhân lực, làm cơ sở để đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực của sinh viên trong thời gian tới, đáp ứng được nhu cầu nhà tuyển dụng trong kỷ nguyên số.
“ĐHQG-HCM luôn lắng nghe nhiều ý kiến từ doanh nghiệp, sinh viên để từ đó có những điều chỉnh về chương trình cũng như phương pháp đào tạo cho phù hợp với bối cảnh hiện nay” - PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.
Tin, ảnh: ĐỨC LỘC
Hãy là người bình luận đầu tiên