Ngày 14/3, ĐHQG-HCM đã tổ chức tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng bài giảng số theo hình thức MOOC tại ĐHQG-HCM”.
Tọa đàm có sự tham dự của PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM và hơn 150 đại biểu là chuyên gia, lãnh đạo các ban chức năng, các trường thành viên, giảng viên, chuyên viên ĐHQG-HCM.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết ĐHQG-HCM rất chú trọng việc xây dựng bài giảng số theo hình thức MOOC. Hiện nay, sinh viên muốn học cùng lúc nhiều trường nhưng gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu. Nếu có bài giảng số theo hình thức MOOC này, sinh viên có thể tự học, chủ động học, giúp các em có thêm kiến thức, học tập liên ngành, liên trường dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc này cũng giúp tận dụng được những kiến thức, kinh nghiệm của các giảng viên, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành trong các trường. “Ngoài ra, chúng ta cũng có thể xây dựng và đưa lên hệ thống những khóa học nhỏ để dạy, mở rộng kiến thức cho sinh viên” - PGS.TS Vũ Hải Quân nói.
Giám đốc ĐHQG-HCM hy vọng toạ đàm sẽ ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp để cuối năm ĐHQG-HCM có thêm 5 bài giảng MOOC chất lượng.
Tại tọa đàm, đại biểu đã nghe ThS Bùi Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu ĐHQG-HCM giới thiệu và chạy thử môn Kiến trúc máy tính trên hệ thống MOOC của ĐHQG-HCM.
Sau đó, đại diện các tổ chuyên môn xây dựng bài giảng số theo hình thức MOOC của ĐHQG-HCM năm 2023 chia sẻ kinh nghiệm triển khai xây dựng bài giảng MOOC. Nhiều ý kiến cho rằng không nên để một giảng viên đảm nhận tất cả khâu từ giảng bài, đến quay dựng, chỉnh sửa video mà cần có studio để quay và bộ phận kỹ thuật hỗ trợ.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, để chuẩn hóa trong hệ thống, ĐHQG-HCM cần có quy định xây dựng bài giảng số cũng như quy định về quản lý và sử dụng.
PGS.TS Vũ Tình - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM, cho rằng điều quan trọng nhất trong việc xây dựng bài giảng MOOC là giảng viên phải củng cố và trang bị thêm kiến thức. Thứ hai là cần chuẩn hóa slide bài giảng từ số lượng chữ, màu sắc, hình ảnh đến phông chữ, size chữ… Đồng thời chú ý cách dùng từ ngữ, âm lượng, tốc độ giọng nói để trình bày bài giảng. Đặc biệt, khi kết thúc bài giảng cần hệ thống hóa nội dung dưới dạng sơ đồ để người học nắm vững kiến thức đã học.
GS.TS Đỗ Phúc - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM đề nghị ĐHQG-HCM nên thành lập trung tâm học liệu chuyên trách việc này. Đồng thời cần tổ chức các khóa tập huấn để hỗ trợ giảng viên xây dựng bài giảng số.
Kết luận tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, đánh giá tọa đàm ghi nhận rất nhiều đóng góp tâm huyết, đạt được các mục tiêu đặt ra. Ông đề nghị Ban Đào tạo ĐHQG-HCM tiếp thu các ý kiến và làm báo cáo trình Ban Giám đốc để sớm hoàn thiện quy chế.
Tin, ảnh: BẢO KHÁNH
Hãy là người bình luận đầu tiên