Đó là cảnh báo của PGS.TS Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên ĐHQG-HCM, tại hội thảo quốc tế “Mô hình hóa tác động của không khí ô nhiễm và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng tại TP.HCM” do Viện Môi trường và Tài nguyên ĐHQG-HCM phối hợp ĐH Dublin (Ireland) đồng tổ chức vào chiều 8/6 tại TP.HCM.
PGS.TS Hồ Quốc Bằng cho biết, các nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu tại TP.HCM là từ sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải. Hoạt động công nghiệp phát thải hơn 17,6 triệu tấn CO2eq hằng năm. Trong đó, ngành hóa học “đóng góp” phát thải cao nhất (chiếm 63%), tiếp theo là sản xuất giấy, dệt may và sản xuất kim loại. Các hoạt động giao thông đường bộ sản sinh hơn 13,4 triệu tấn CO2eq/năm, riêng xe máy là phương tiện xả khí thải lớn nhất.
“TP.HCM có hơn 7,3 triệu xe máy. Đây là nguồn phát thải chủ yếu của các chất ô nhiễm NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5 thải ra từ phương tiện này chiếm 79,9% lượng bụi mịn do hoạt động giao thông gây ra. Thống kê cho thấy, hằng năm TP.HCM có gần 1.400 người tử vong vì các chất gây ô nhiễm không khí” - ông Bằng đánh giá.
Chuyên gia này cho rằng để giảm ô nhiễm không khí và hiệu ứng nhà kính, TP.HCM cần đưa ra các biện pháp cụ thể để giảm phát thải trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải. Chẳng hạn, cần giảm việc sử dụng xe máy, tăng cường hoạt động của các phương tiện công cộng và sử dụng năng lượng sạch, kiểm tra khí thải xe máy…
Theo PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen suyễn, Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng TP.HCM, TP.HCM được mệnh danh là “thủ đô hen suyễn” của châu Á bởi hậu quả của nạn ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
“Hướng dẫn Quản lý Hen toàn cầu năm 2021 lần đầu tiên cảnh báo ô nhiễm không khí do giao thông làm tăng thêm 4 triệu ca hen mới, chiếm tỷ lệ 13 % toàn cầu. Riêng tại TP.HCM, nghiên cứu ở Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Tai Mũi Họng cho thấy 30% bệnh nhân viêm mũi dị ứng bị hen phế quản đi kèm và 80% bệnh nhân hen bị viêm mũi dị ứng” - PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan nhận định.
Chủ tịch Hội Hen suyễn, Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng TP.HCM cho rằng, điều đáng lo ngại nhất là nồng độ PM2.5 của TP.HCM hằng năm đều chiếm 23μg, cao gấp gần hơn 4 lần tiêu chuẩn của WHO.
“Cứ mỗi 10mg/m3 PM2.5 tăng lên trong không khí sẽ có thêm 56 ca ung thư phổi, 64 ca ung thư hệ hô hấp và tăng 3,5% lần nguy cơ trẻ em dưới 5 tuổi tại TP.HCM phải nhập viện” - bà Lan nhận định.
PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan lưu ý, ngoài những biện pháp căn cơ từ phía chính quyền, các bác sĩ rất cần thông tin về chất lượng không khí mỗi ngày ở 21 quận huyện và TP Thủ Đức để xây dựng một ứng dụng cảnh báo trên điện thoại cho bệnh nhân.
Tin, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên