Thông cáo báo chí

Trách nhiệm xã hội của nhà báo

  • 20/06/2016
  • Đến nay, lịch sử báo chí thế giới - tính từ tờ Relation (1605) - có 411 năm phát triển; lịch sử báo chí Việt Nam - tính từ tờ Gia Định Báo (1865) - có 151 năm hình thành; lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam - tính từ tờ Thanh Niên (do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, 1925) - có 91 năm tồn tại. Trong từng ấy thời gian, báo chí thế giới và báo chí Việt Nam diễn ra bao thay đổi, thăng trầm. Và cũng chính trong từng ấy thời gian đã dần định hình những phẩm chất và giá trị cốt lõi về trách nhiệm xã hội của nhà báo.

    Phản ánh sự thật đời sống

        Với nhiệm vụ chính yếu là ghi nhận và phản ánh những sự thật của đời sống, nhà báo giữ vai trò là chứng nhân của lịch sử, là thư ký của thời đại, là người lưu dấu những “di sản của thời gian”. Nếu loại trừ những “nhà báo bạc bịp”1, những nhà báo bẻ cong ngòi bút, đưa thông tin bịa đặt mà thời nào cũng có, quốc gia nào cũng có thì có thể nói báo chí - từ khi xuất hiện cho đến nay - chính là một thứ biên niên sử đáng tin cậy nhất, sống động nhất về mọi lĩnh vực của đời sống con người, mà tác giả cuốn biên niên sử vĩ đại này không ai khác hơn là các thế hệ nhà báo, đặc biệt là các nhà báo tài năng, có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. Tam Lang (1900-1983) cho rằng báo chí “là một lợi khí có sức mạnh vạn năng” nhưng nếu nhà báo không ý thức đầy đủ trách nhiệm trong việc sử dụng ngòi bút thì báo chí sẽ trở thành “con dao nhọn” đối với xã hội và đối với bản thân: “Người làm báo, muốn đạt thiên chức của mình trước hết phải biết nói sự thật, dám nói sự thật để thực hiện cái quyền thứ tư mà dân chúng trao cho và tín nhiệm… Tờ báo, nếu người làm báo biết sử dụng nó đúng mức thì đó là một lợi khí cải tạo xã hội có sức mạnh vạn năng. Người không biết dùng nó thì đó là con dao nhọn đâm ngay chính mình trước nhất”2. Phản ánh chân thực, khách quan hiện thực là thiên chức, là đạo đức nghề nghiệp, là phẩm giá của nhà báo. Nick Davies, phóng viên báo Guardian, tác giả cuốn Tin tức Trái đất phẳng (2011) đã viết những dòng tâm huyết: “Đối với nhà báo, giá trị định nghĩa là tính trung thực - nỗ lực kể sự thật. Đó là mục tiêu hàng đầu của chúng ta.Tất cả việc làm của chúng ta - và tất cả những gì nói về chúng ta - đều phải xuất phát từ nguồn duy nhất là nói sự thật”3. Đánh mất sự ngay thẳng và trung tín là tự sát trong nghề báo.

    Khai mở tiến trình lịch sử

        Hơn thế, như John Hohenberg viết trong sách Ký giả chuyên nghiệp (1974): “Một khi đã đạt được mức chuyên nghiệp rồi, ký giả không còn đơn thuần là một người quan sát thời cuộc, một dụng cụ truyền đạt những sự kiện có hay không có sự thật bên trong. Bổn phận của anh ta còn là vạch trần sự phức tạp của đời sống, cố gắng giải thích cho công chúng biết ý nghĩa của các tin tức cũng như các biến cố được tường thuật. Như vậy ký giả lần lượt trở thành một phóng viên (a reporter), một nhà phân tích (an analyst), một người bình giải (a interpreter) và đôi khi là một tham dự viên hoạt động trong lịch sử của thời đại chúng ta”4. Nhà báo không chỉ là người đưa tin mà còn là người giải thích, đánh giá các sự kiện, hiện tượng, biến cố trong đời sống, giúp công chúng nhận thức đầy đủ và đúng đắn về nó, để có thái độ và hành động thích ứng với thời cuộc. Hay nói dung dị như Phan Văn Hùm, trong cuốn Ngồi tù khám lớn (1929), nhà báo - “Xin người làm ông thầy thuốc… vị sanh mạng”, trước là bắt mạch, kê toa chữa chạy những căn bệnh tinh thần cho xã hội, sau là tham gia cuộc “khai dân trí, chấn dân khí”, làm hưng thịnh đất nước. Bằng cách đó, nhà báo góp phần khai mở các tiến trình phát triển của lịch sử. Muốn vậy, nhà báo, bên cạnh việc chọn lựa cho mình một lập trường, quan điểm tiên tiến, hợp thời còn đòi hỏi “có học lực cao, được huấn luyện đầy đủ, quảng bác về nhân văn và có kiến thức về khoa học xã hội”5. Nhà báo, rộng ra là nghề báo “không tồn tại tự nó và cho nó mà tồn tại vì xã hội, và bởi xã hội”6.

    Gìn giữ công bằng xã hội

        

    Nhà báo không chỉ giữ vị thế trung gian, xét về tính chất thông tin, giữa thực tiễn thời sự xã hội với công chúng mà còn giữ vai trò là trọng tài, là đại diện cho quyền lực thứ tư trong mối quan hệ giữa nhân dân với nhà cầm quyền và các định chế xã hội để mang lại sự cân bằng và công bằng cho xã hội. “Ký giả nào có tên tuổi cũng đều tự cho mình là một công bộc và tự nghĩ mình hoàn toàn có trách nhiệm đối với công chúng. Do đó, theo đúng nghĩa nhất, ký giả làm cho chính phủ có tính cách đại diện vì anh là gạch nối giữa người cầm quyền và dân chúng”7. Vị trí này của nhà báo, ở Việt Nam đã trở thành luật định: “Báo chí (…) là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân”8. Sở dĩ như vậy là vì người dân - ngay ở những quốc gia có truyền thống dân chủ lâu đời - vẫn mang nỗi mặc cảm nhỏ bé và dễ bị tổn thương trước bộ máy nhà nước khổng lồ và đầy quyền lực. Nhờ nhà báo, người dân có cơ hội và điều kiện hơn trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền cũng như bày tỏ nguyện vọng, bức xúc, thậm chí cả nỗi oan khuất của mình một cách công khai. Nhờ nhà báo, số đông thầm lặng trong xã hội cất lên được tiếng nói của mình. Do vậy, nhà báo cần ý thức và giữ gìn vị thế độc lập của mình trong xã hội và trong quá trình tác nghiệp. Khi nhà báo không giữ được tính độc lập của ngòi bút thì báo chí không còn là chỗ dựa của người dân, không bảo vệ được họ cũng như không làm tròn chức năng phản biện - giám sát xã hội của mình.

    Thúc đẩy tự do, dân chủ

        Với vai trò là “gạch nối”, là “cầu nối” quan trọng ấy, nhà báo dựa vào hiến pháp và pháp luật, bằng các hoạt động cụ thể của mình tham gia đấu tranh và thúc đẩy tự do, dân chủ phát triển. Một trong những lý do tồn tại của báo chí chính vì nó luôn là biểu tượng của ý thức và tinh thần tự do, dân chủ trong xã hội, luôn là kẻ bênh vực quyền lợi chính đáng và thiết yếu của nhân dân. Không phải ngẫu nhiên, khi đặt tên báo, bên cạnh các từ ngữ gợi lên ý tưởng “mới mẻ, cập nhật” như Thời đại, Ngày nay, Buổi sáng, Tin nhanh…; ở nhiều quốc gia người ta đều chuộng các tên như Tự do, Dân chủ, Dân quyền, Tiếng dân, Dân chúng, Nhân dân… Bởi các tên này vừa nhắc nhở ý thức công bộc của nhà báo vừa có sức vẫy gọi đối với quảng đại quần chúng.

    Nhà báo là người đưa tin, là người hoạt động xã hội, là người tham gia các tiến trình chính trị của đất nước và thời đại. Là người đưa tin thì lấy sự chính xác làm đầu; là người hoạt động xã hội thì lấy dân chủ và tiến bộ làm mục tiêu; là người làm chính trị thì lấy việc mưu cầu hạnh phúc của con người làm cứu cánh. Có thể thấy các yếu lĩnh của nhà báo qua phát biểu đầy ẩn dụ của Joseph Pulitzer (1847-1911), cách đây hơn 100 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị: “Ký giả là người canh chừng trên chiếc cầu của con thuyền nhà nước. Anh ghi nhận mỗi cánh buồm lướt qua, những dấu hiệu nhỏ nhoi cần phải chú ý ở chân trời trong khi thời tiết tốt. Anh tường thuật những gì đang nổi lềnh bềnh mà chiếc tàu có thể cứu vớt được. Anh xuất hiện qua sương mù và bão tố để dẫn đầu trong việc báo trước những hiểm nguy. Anh không nghĩ đến tiền lương của anh hoặc đến số lời của ông chủ anh. Anh ở đó để coi chừng an ninh và hạnh phúc của nhân dân, (người đã) tín nhiệm anh”9. 

        Rõ ràng nhà báo không chỉ là danh xưng của một nghề, và đó cũng không chỉ là một nghề thuần túy mà còn là một sứ mệnh: Sứ mệnh duy trì, đảm bảo quyền tự do ngôn luận và các quyền căn bản của công dân trong xã hội dân chủ.


     Bốn điều lý tưởng của nghề báo


            Gác một bên những tiến bộ khoa học và kỹ thuật, việc hành nghề báo, xưa cũng như nay, ở những xã hội cởi mở Tây phương, được đặt căn bản trên bốn điều lý tưởng vốn xem là khó đạt:


            - Thứ nhất là mãi mãi đi tìm cho ra sự thật.


            - Thứ hai là xô tới để bắt lấy những biến động thay vì chờ biến động tràn ngập mình.


            - Thứ ba là thực hiện các dịch vụ có ý nghĩa quan trọng đối với nhân loại.


            - Thứ tư và quan trọng nhất là cương quyết giữ lấy tính cách độc lập.


    John Hohenberg
    (Ký giả chuyên nghiệp, trang 40)

     

    1Chữ dùng của Thế Nguyên - Chủ nhiệm Tạp chí Trình Bầy (1969-1972), xuất bản ở Sài Gòn.
    2Dẫn lại Trần Hữu Quang, Làm báo là một nghề hay một sứ mệnh, trong Nhà báo viết về nghề báo (2009), NXB Trẻ, trang 55.
    3Tin tức Trái đất phẳng, (2011), NXB Dân Trí, trang 24,25.
    4Ký giả chuyên nghiệp (1974), Hiện đại Thư xã, trang 8.
    5John Hohenberg, SĐD, trang 14.
    6Nhiều tác giả, Nhà báo viết về nghề báo (2009), NXB Trẻ, trang 57.
    7John Hohenberg, SĐD, trang 3.
    8Điều 1, Luật Báo chí, năm 1990.
    9John Hohenberg, SĐD, trang 5.

     

    TRẦN HUỲNH PHỦ

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên