Tin tổng hợp

Trao đổi về văn hóa đọc thời đại 4.0

  • 11/10/2018
  • Sáng 11/10, gần 300 sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM tham dự tọa đàm “Văn hóa đọc trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - nguyên Phó Giám đốc NXB ĐHQG-HCM làm diễn giả. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Ngày hội Thư viện đồng hành cùng sinh viên lần VI năm 2018 do Hệ thống Thư viện ĐHQG-HCM tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM.

    Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, một trường đại học tất không thể không có sách. Sách là một trong ba thành tố làm nên một ngôi trường: người thầy, người học và sách. Nếu thiếu một trong ba thành tố trên thì không thành trường học.

    PGS.TS Nguyễn Đức Lộc chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh:  YẾN THI

    Đặt vấn đề “Chúng ta đọc sách để làm gì?”, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho rằng: “Có phải đơn giản là đọc để tìm hiểu tri thức? Sự khác biệt cơ bản giữa con người với động thực vật là con người có thế giới nội tâm. Đọc sách không đơn thuần để lấy tri thức mà còn xây dựng trí tưởng tượng, cho chúng ta thế giới nội tâm phong phú, giàu có”.
     
    Theo diễn giả, chúng ta nên tập thói quen chủ động tìm đến sách, đừng chờ đợi người khác mang tới vì đọc sách là một cuộc tìm kiếm tri thức. “Chủ động đi tìm, khi đó, chúng ta có thể tìm theo chủ đề, tìm sách vì sự hâm mộ đối với tác giả… Đọc sách rất cần sự chủ động của cá nhân” - PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh.
     
    Ngày hội Thư viện đồng hành cùng sinh viên lần VI năm 2018 với nhiều hoạt động đặc sắc như trưng bày sách, triển lãm ảnh “Sài Gòn xưa và nay”…

    PHAN ANH
     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên