Trần Hoài Bảo là sinh viên Khoa Văn học, tốt nghiệp thủ khoa năm 2023 Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM với điểm trung bình 9,33 điểm. Trong chương trình Khởi đầu mới - chào đón tân sinh viên của Khoa Văn học diễn ra vào sáng 1/10, Hoài Bảo đã có bài phát biểu cảm động và sâu sắc, thể hiện lòng tri ân đối với nhà trường, quý thầy cô; đồng thời chia sẻ những trải nghiệm cá nhân về tri thức và ý nghĩa văn chương. Website ĐHQG-HCM xin giới thiệu bạn đọc phần chính của bài phát biểu này.
Có lẽ các bạn trông chờ một thủ khoa tốt nghiệp chia sẻ những phương pháp nào đó để có thể bơi tốt được trong bể kiến thức bao la trong thời gian học sắp tới?
Phải có lòng yêu thích tri thức
Thật ra, theo mình, không có một phương pháp cụ thể nào là ưu việt. Một triệu người học tốt sẽ có một triệu phương pháp khác nhau. Tự mỗi người phải tìm ra phương pháp cho riêng mình. Nhưng có một điều cốt lõi mà mình nghĩ tất cả người học tốt đều đồng ý: phải có lòng yêu thích đối với tri thức.
Mình nói tri thức, chứ không nói riêng “tri thức văn chương”. Mình tin rằng con người luôn có một lòng hiếu tri từ trong bản chất, vì nếu nhân loại không hiếu tri, không có khát khao tri thức thì nhân loại sẽ không bao giờ đi được tới những bước tiến như thế này. Mình mong các bạn có thể tự khơi gợi được lòng hiếu tri ấy cho các bạn. Bởi văn học không chỉ là văn học: văn học còn là tất cả trong đời sống chúng ta. Không một lĩnh vực nào có thể hoàn toàn độc lập, vận hành khỏi cái “cỗ máy xã hội” mà chúng ta đang sinh sống. Văn học là văn hóa, là nghệ thuật; văn học liên quan đến triết học, tâm lý học, xã hội học, nhân học…, thậm chí văn học còn liên quan đến khoa học tự nhiên. Với lòng hiếu tri, mình tin các bạn sẽ nỗ lực thỏa mãn được khao khát tri thức đó, và như thế, các bạn đã đi được hơn nửa đường đến mục tiêu “học tốt” rồi.
Hẳn có nhiều bạn băn khoăn: liệu văn học có phải là nơi dành cho bạn không. Nhưng các bạn hãy nhớ rằng, Khoa Văn của Trường ĐH KHXH&NV không phải là nơi dễ vào, và nó cũng không dễ ra. Với nhiều bạn, có lẽ Khoa Văn chỉ là lựa chọn thứ hai, thứ ba, thậm chí là cuối cùng. Nếu các bạn chưa thực sự biết đâu là con đường đúng cho mình thì chẳng phải con đường nào cũng giống nhau? Vậy sao không thử tận hưởng những phong cảnh đẹp lạ trên một con đường mới mang tên văn học? Đường lạc đôi khi là con đường đem lại nhiều niềm vui bất ngờ mà chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ tới. Bản thân mình, Khoa Văn không phải là cái duyên đầu tiên. Mình từng học một trường đại học khác, một ngành khác chẳng liên quan gì đến văn chương, và rồi khi quyết định dừng lại và chuyển hướng, mình lại tìm thấy nơi mình có thể bộc lộ tốt nhất khả năng của bản thân. Nếu trên con đường văn học, các bạn cảm thấy không thích hợp nữa, thì hãy dũng cảm tìm ra con đường khác cho mình. Xã hội cần những người dũng cảm như thế.
Và văn chương sẽ là gì, nếu không phải là thứ sẽ giúp chúng ta tin vào bản thân mình hơn? Là gì nếu không phải là thứ giúp chúng ta quý trọng cuộc sống của mình hơn? Dẫu sao, chính các bạn đã tự lựa chọn văn học là một trong những điểm đến khả dĩ tiếp theo của mình. Vì thế, các bạn cần tự chịu trách nhiệm cho lựa chọn đó. Chúng ta là những sinh vật cô đơn, cô đơn từ thuở mới tựu hình. Chúng ta sinh ra cô đơn, sống trong cô đơn và sẽ chết cô đơn. Không ai sống thay và chết thay cho ta được. Vì thế, mỗi lựa chọn là một quyết định kiến tạo nên bản chất của chính bạn, và của riêng bạn. Thay vì chúng ta than thân trách phận thì mình mong các bạn hãy chịu trách nhiệm cho thời gian và công sức mà các bạn đã bỏ ra. Và một điều mình muốn khuyên các bạn: tri thức không bao giờ là sự phí hoài. Dẫu bạn có cho rằng những kiến thức nào đó bạn sẽ không cần dùng trong tương lai, nhưng sự thật là tri thức sẽ giúp chúng ta quan sát cuộc sống dưới một góc nhìn hoàn toàn khác, và vì thế ta sẽ thấu hiểu những khía cạnh khác nhau của cuộc sống sâu sắc hơn.
Văn học là một khoa học nhân văn, tức là khoa học về vẻ đẹp của con người. Vì thế, giá trị chân chính của con người là thứ mà chúng ta muốn hướng đến. Chúng ta luôn muốn tìm kiếm niềm vui, sự hạnh phúc. Nhưng nếu trên đời không có nỗi buồn, không có đau khổ, lấy gì để cho chúng ta phân biệt được đâu là niềm vui và sự hạnh phúc? Mình tin rằng, chính trong những khó khăn, đau buồn, khốn khổ của cuộc đời ấy, cái đẹp của con người mới hiện ra rõ rệt nhất.
Không nên từ chối những khó khăn
Đại học là một giai đoạn khó khăn, qua hết giai đoạn khó khăn này, chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn khó khăn khác. “Đời là bể khổ”, qua được bể khổ thì chắc chắn chỉ có qua đời. Nó giống như hòn đá mà Sisyphe phải lăn vậy. Sisyphe là một vị vua trong thần thoại Hy Lạp. Ông ta chọc giận các vị thần Olympe nên bị phạt suốt đời phải lăn một hòn đá to từ chân núi lên đỉnh núi. Hễ được lăn lên tới đỉnh núi thì nó sẽ lại lăn trở xuống chân núi. Có thể thấy, cuộc đời toàn những khó khăn, phi lý. Nhưng nếu chúng ta thấy khó khăn, phi lý mà chúng ta bỏ cuộc, thì chuyện đó quá hiển nhiên. Trong tiểu luận Thần thoại Sisyphe, triết gia - nhà văn người Pháp Albert Camus đã nói rằng, là một con người có ý thức trọn vẹn của con người, chúng ta không nên từ chối những khó khăn, phi lý ấy, mà phải tiếp tục nỗ lực, phải ghi tạc dấu ấn của chính mình vào cuộc đời, giống như cái cách mà Sisyphe vẫn ngày đêm lăn hòn đá lên, dẫu biết rằng rồi nó sẽ lăn xuống.
Điều cuối cùng mình muốn chia sẻ với các bạn: hãy luôn để trí tưởng tượng của mình rong chơi như một đứa trẻ. Văn học và nghệ thuật là địa hạt của trí tưởng tượng. Khi các bạn có trí tưởng tượng, mình tin các bạn đã trở thành thi sĩ. Hãy để trí tượng tưởng rong chơi khắp mọi thế giới khả nhiên mà bạn có thể tưởng tượng ra. Hãy để nó đưa bạn đến những nơi mà bạn muốn đến. Mang bạn qua những sự đau đớn cùng cực rồi đến hạnh phúc tột độ. Đến những vùng đất tưởng tượng chưa ai khám phá, và bạn chính là Columbus của những thế giới khả nhiên ấy. Làm thi sĩ nghĩa là phải đi một mình, nhưng cũng không một mình. Nguyễn Huy Thiệp từng nói, thi sĩ là một kẻ “độc hành kỳ đạo”, tức là phải tự đi con đường riêng của mình. Nhưng chúng ta ngồi đây, chung một mái nhà Văn khoa, vậy thì tức ta không còn cô độc. Những con đường riêng, và nó phải riêng, nhưng có chung mục đích: cái đẹp của thơ văn và cái đẹp của con người. Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã nhận ra được điều ấy, và trong bài thơ Tôi không còn cô độc, ông viết: “Thi sĩ ôi thi sĩ/ ai cười tôi chịu lỗi/ một phút là thi sĩ/ đủ sáng tâm hồn đầy cuộc đời/ được làm thi sĩ suốt mùa xuân/ tôi quỳ gối ngắm bầu trời/ ân huệ lớn lao cho chúng ta”.
Và đến cuối bài thơ, ông viết: “Hãy hát lên em/ rằng đời không cô độc/ rằng đời mãi mãi tự do”.
Chúc các bạn sẽ luôn vững bước trên đôi chân của mình và chơi thật tốt trò chơi của cuộc đời. Hãy để văn chương và Khoa Văn làm nơi giúp các bạn thấy được cái đẹp tuyệt diệu của cuộc đời vốn vẫn đầy phi lý và đau thương. Hãy hít thật sâu và thở thật mạnh để biết rằng, còn thở là còn sống, còn sống là còn biết yêu cái đẹp. Một đoạn thơ mình làm vào tháng 8 năm ngoái, xin gửi đến mọi người như lời kết thúc: “đêm tối là khởi nguyên của vũ trụ/ ta khởi nguyên đã là kẻ rong chơi/ hít thật kêu cho ngực căng đầy ụ/ và thở mạnh: biết ta vẫn trên đời”.
TRẦN HOÀI BẢO
(*)Tít và trung đề do tòa soạn đặt.
Hãy là người bình luận đầu tiên