Tin tổng hợp

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đến thăm, làm việc tại ĐHQG-HCM

  • 10/04/2021
  • Chiều 10/4, tại Nhà Điều hành ĐHQG, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã đến thăm và có buổi làm việc tại ĐHQG-HCM.

    Tham dự buổi lễ có Ban Giám đốc ĐHQG-HCM, ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ, Nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM; ông Phan Thanh Bình,  Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM; cùng Thứ trưởng các Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các vị nguyên là lãnh đạo ĐHQG-HCM, lãnh đạo các trường, đơn vị thành viên trực thuộc và các nhà khoa học tại ĐHQG-HCM.

    Tại buổi làm việc, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM đã báo cáo  công tác tổ chức, đào tạo, những thành tựu nổi bật trong quá trình xây dựng và phát triển ĐHQG-HCM và hợp tác giữa Ban Kinh tế Trung ương và ĐHQG-HCM trong thời gian qua. Giám đốc ĐHQG-HCM khẳng định, Ban Kinh tế Trung ương và ĐHQG-HCM đã có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực, chủ động đề xuất nghiên cứu, triển khai thực hiện những nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của hai bên, nhất là những vấn đề trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, luật, công nghệ vật liệu, chuyển đổi số…

    Nhằm tạo điều kiện để ĐHQG-HCM phát huy vai trò nòng cốt, Giám đốc ĐHQG-HCM đã kiến nghị với Trưởng Ban Kinh tế Trung ương 3 vấn đề: (1) Đề xuất Ban Kinh tế Trung ương tạo điều kiện thuận lợi để ĐHQG-HCM được tiếp tục hợp tác chặt chẽ, sâu rộng trong nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học để xây dựng các định hướng, chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Tăng cường trao đổi định kỳ, thường xuyên nhằm tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo 5 nhóm nội dung đã ký kết hợp tác; ĐHQG-HCM đăng ký nhận nhiệm vụ tham gia nghiên cứu, cụ thể hóa, thể chế hóa các nội dung Nghị quyết Đại hội XIII thành luật pháp, cơ chế, chính sách để sớm thực thi trong đời sống

    “Với thế mạnh của một hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao cùng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học hùng hậu, ĐHQG-HCM mong muốn được tiếp tục đồng hành, thực hiện những nhiệm vụ Ban Kinh tế Trung ương giao để cùng góp phần thúc đẩy, phát triển đất nước, hoàn thành sứ mạng đại học quốc gia của đất nước đã được giao” - Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh.

    Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao những thành quả tích cực của ĐHQG-HCM trong 25 năm xây dựng và phát triển.

    “ĐHQG-HCM đã khẳng định được sức mạnh hệ thống, xứng đáng là hình mẫu cho các trường đại học trong cả nước” - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

    Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết thêm CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu phải đổi mới nội dung, chương trình, ngành học của giáo dục đại học; thay đổi và đa dạng môi trường và phương thức học tập, tài liệu, học liệu, phương tiện, thiết bị dạy học cho đến thay đổi về vai trò của người dạy và yêu cầu đối với người học so với giáo dục theo phương thức truyền thống.

    “Vì vậy, ĐHQG-HCM cần phân tích, đánh giá thấu đáo về tác động của cuộc CMCN 4.0 đến chiến lược phát triển của ĐHQG-HCM; xu hướng chuyển đổi số trong ngành giáo dục và trong từng cơ sở giáo dục đại học để tiếp tục hoàn thiện các định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới” - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị.

    Về các kiến nghị, đề xuất của ĐHQG-HCM, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan tổng hợp, nhất là những vấn đề về thể chế, luật pháp liên quan tới quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, trên cơ sở đó tổ chức những chương trình làm việc chuyên sâu, nhằm tháo gỡ những nút thắt cho ngành giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để phục vụ cho công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

    Trước đó, đoàn công tác đã đi tham quan Viện Công nghệ Nano, Viện Tế bào gốc, Trung tâm Inomar, Trường ĐH Quốc Tế và trồng cây lưu niệm tại khuôn viên Nhà Điều hành ĐHQG-HCM.

    Tin, ảnh: Đức Lộc

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên