Chiều 14/8, gần 100 nhà khoa học tham dự hội thảo khoa học “Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao khu vực phía Nam” do Trường ĐH Bách Khoa phối hợp Bộ KH&CN tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, Chủ nhiệm chương trình Công nghệ cao - chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 nhấn mạnh: “Đại diện Chính phủ triển khai chương trình này, Ban chủ nhiệm chương trình có nhiệm vụ chính trong việc tham mưu cho Bộ KH&CN về việc tìm kiếm, đề xuất, lựa chọn các nhiệm vụ và đồng hành cùng giám sát, triển khai các nhiệm vụ. Vai trò của doanh nghiệp vô cùng quan trọng nhằm giúp đỡ và hỗ trợ thúc đẩy triển khai các ứng dụng, khoản mục đã có sẵn hoặc toàn diện các dự án, đề tài KH&CN”.
Ông Nguyễn Lê Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao gửi lời cảm ơn trân trọng đến lãnh đạo Trường ĐH Bách Khoa đã tích cực hỗ trợ cho chương trình. Ông nói: “Bộ KH&CN mong nhận được các đề xuất từ các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình cùng thúc đẩy công nghệ cao cả nước. Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, ngoài mục tiêu trực tiếp phát triển KH&CN còn nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống các doanh nghiệp Công nghệ cao”.
Tổng quan về chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, ông Nghiêm Quốc Đạt, Chuyên viên chính Vụ Công nghệ cao báo cáo có 99 công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và 107 sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển thuộc 4 lĩnh vực: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới và công nghệ sinh học. Việc ứng dụng công nghệ cao trọng tâm ở các khía cạnh đời sống - xã hội như: công nghiệp và dịch vụ; nông nghiệp; y tế, giáo dục - đào tạo, môi trường; nn ninh, quốc phòng.
PGS.TS Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội tự động hóa TP.HCM trình bày hiện trạng phát triển ngành Tự động hóa khu vực phía Nam; xu hướng nghiên cứu làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm, dịch vụ của một số tổ chức, doanh nghiệp tự động hóa tiêu biểu.
Theo ông, định hướng phát triển trong giai đoạn này và tầm nhìn đến 2030 sẽ bao gồm 4 nội dung: (1) Thực hiện chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, cân bằng khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm nền tảng cho phát triển bền vững; (2) Phát triển các khu công nghệ cao và khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng sản xuất hiện đại với các nhà máy thông minh; (3) Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng trí thuê nhân tạo (AI) làm nền tảng cho mọi ứng dụng tự động hóa trong công nghiệp; (4) Phát triển hệ sinh thái công nghiệp vi mạch - bán dẫn và ứng dụng công nghệ lượng tử trong các lĩnh vực công nghiệp, y tế và đời sống. Ông cho rằng xác suất thành công cao của các dự án rất cần sự hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu, và Nhà nước là cầu nối, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai đối tượng doanh nghiệp với tổ chức nghiên cứu phát triển.
Cuối hội thảo, ông Nguyễn Lê Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao khẳng định nhà khoa học là lực lượng tiên quyết và sự tham gia của nhà khoa học luôn ở trong tất cả hoạt động KH&CN. Ông mong muốn các nhà khoa học sẽ tham gia nhiều dự án, đề tài KH&CN và phát triển công nghệ cao để đóng góp cho nước nhà.
Tin, ảnh: Thiên Thanh
Hãy là người bình luận đầu tiên