Đó là nhận định của TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM, tại Hội nghị Khoa học trẻ và Nghiên cứu sinh UIT 2023, được tổ chức vào sáng 3/10.
TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân cho biết trong những năm qua, phong trào nghiên cứu khoa học của trường rất khởi sắc, có thể nói là nằm trong top những đơn vị trực thuộc ĐHQG-HCM có tỷ lệ công bố khoa học cao nhất.
“Giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên của trường đã công bố nhiều bài báo khoa học trên những tạp chí có thứ hạng cao, hội nghị khoa học uy tín. Chúng ta có quyền tự hào về những thành quả của mình, nhưng đừng quên đón nhận góp ý từ thầy cô để tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học tốt hơn” - TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân phát biểu.
Tại hội nghị, GS.TS Đỗ Phúc - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin, trình bày chuyên đề “Doing research and Writing the Scientific Paper with the support of AI” (tạm dịch: Nghiên cứu và viết bài báo khoa học với sự hỗ trợ của AI)
GS Đỗ Phúc gợi ý một số cách đặt câu hỏi cho ChatGPT để hỗ trợ việc nghiên cứu và viết bài báo khoa học như: cách chọn đề tài nghiên cứu và tạp chí để công bố bài báo khoa học, những yếu tố của một bài báo khoa học tốt, đề xuất nhan đề cho bài báo, tài liệu tham khảo, kiểm tra chính tả…
GS Đỗ Phúc cũng đề cập một số giới hạn và rủi ro khi sử dụng ChatGPT, điển hình nhất là vấn đề đạo văn. “Nhà khoa học chỉ nên nhờ ChatGPT tư vấn, sau đó suy luận và đánh giá lại thông tin mà ChatGPT cung cấp chứ không quá tin vào nó” - GS.TS Phúc nói.
Hội nghị còn có không gian triển lãm 29 bài báo khoa học của giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên Trường ĐH Công nghệ Thông tin. Đây là sự kiện thường niên nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của trường.
Tin, ảnh: THU TRANG
Hãy là người bình luận đầu tiên