Sáng 22/12, tại cơ sở Đinh Tiên Hoàng (Q1), Trường ĐHKHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức Lễ tiếp nhận mã ngành đào tạo chính thức hệ chính quy ngành Đô thị học. PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM đã đến dự buổi lễ.
Theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, ngành Đô thị học đã được Trường ĐHKHXH&NV mở thí điểm đào tạo từ năm 2007 và đến nay mới được trao quyết định chính thức mở mã ngành. “Sở dĩ có sự chậm trễ này là do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như vấn đề danh mục ngành nghề, sự phát triển nhận thức cùng quy định của Bộ GD&ĐT. Đối với ĐHQG-HCM, ngành Đô thị học đã được chúng tôi đánh giá cao và xem là ngành chính danh ngay từ những ngày đầu thí điểm”.
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa cho biết thêm, về Đô thị học, có bốn yếu tố bắt buộc trong chương trình đạo tạo và nghiên cứu. Đó là, vấn đề con người đô thị, cơ sở hạ tầng, cơ chế quản lý - quản trị đô thị, và các hoạt động kinh tế-văn hóa-xã hội. Trong đó, yếu tố quản trị đô thị là quan trọng nhất. Vì kiến tạo phát triển đô thị như thế nào đều nằm ở tầm nhìn của tập thể quản trị đô thị đó.
Thay mặt Ban Giám đốc ĐHQG-HCM, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa giao nhiệm vụ cho các thầy cô khoa Đô thị học: “Thứ nhất, đó là vấn đề kẹt xe và ngập lụt của thành phố. Đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo TP.HCM đặt cho ĐHQG-HCM nghiên cứu tìm ra phương án giải quyết. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía khoa, với vai trò là một khoa nghiên cứu những chính sách về đô thị. Thứ hai, Khoa Đô thị học không chỉ nghiên cứu lý thuyết hàn lâm mà còn phải xây dựng các khoa học ứng dụng, đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển TP.HCM cũng như các đô thị tại Việt Nam”.
TS Trương Hoàng Trương - Trưởng khoa Khoa Đô thị học cho biết, hiện nay khoa có 19 cán bộ, trong đó gồm 1 PGS, 3 TS và 3 NCS đang theo học tại Canada và Úc. Trải qua 9 khóa đào tạo, đến nay khoa có 400 sinh viên ra trường và 200 sinh viên đang theo học. Nguồn nhân lực này sẽ góp phần vào đội ngũ xây dựng và phát triển TP.HCM cũng như cả nước.
“Với việc tiếp nhận mã ngành đào tạo hôm nay, Khoa Đô thị học sẽ chính thức là khoa đầu tiên tại Việt Nam đào tạo ngành học này” - TS Trương nhấn mạnh.
Là người giữ cương vị Chủ nhiệm Khoa Đô thị học đầu tiên, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa chia sẻ: “10 năm trôi qua với tôi chất chứa thật nhiều kỷ niệm. Nhìn các em trưởng thành và đóng góp cho xã hội khiến chúng tôi rất vui và tự hào. Các em tốt nghiệp khóa 1 và 2 đều 100% có việc làm ổn định. Trong đó, có em hiện nay đã là Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường của tỉnh Bến Tre”.
Khoa Đô thị học là khoa đầu tiên thuộc khối ngành KHXH kiến nghị Bộ GD&ĐT chấp thuận việc tuyển sinh khối A cho ngành học này. Hiện nay, với mã ngành chính thức, Khoa Đô thị học sẽ tuyển sinh70-80 SV/khóa, gồm các khối A, A1 và D1 vào 4 chuyên ngành: Quy hoạch - Kiến trúc - Cơ sở hạ tầng Đô thị, Dự án Đô thị, Kinh tế - Xã hội Đô thị, và Quản lý công Đô thị.
Tin, ảnh: ANH VŨ
Hãy là người bình luận đầu tiên