Diễn ra từ ngày 7-11/10, “Tuần lễ sức khỏe tinh thần” là một liều “vắc-xin tinh thần” giúp sinh viên ĐHQG-HCM tự trang bị cách ứng phó với cảm xúc, thông qua các hoạt động như chạy bộ, các buổi tọa đàm, triển lãm và trải nghiệm hỗ trợ tâm lý.
Chương trình do Khoa Tâm lý học tổ chức trong khuôn khổ đề án hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Lễ cho… tinh thần
Phát biểu tại lễ khai mạc ngày 9/10, TS Lê Thị Mai Liên, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, bản thân rất hạnh phúc vì được đồng hành cùng chuỗi sự kiện ý nghĩa, hưởng ứng ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10/10/2024). Đồng thời, đây cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần cho sinh viên.
Theo TS Liên, tuần lễ có nhiều hoạt động phong phú và sáng tạo như chạy bộ, thiền định chánh niệm, yoga, các buổi tọa đàm, triển lãm và trải nghiệm các hỗ trợ về tâm lý cho sinh viên.
Nói về động lực tổ chức sự kiện, TS Liên khẳng định nhiều nghiên cứu chỉ ra các rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, stress, hành vi tự làm đau, tự tử ở sinh viên tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.
“Tuy nhiên, các em còn thiếu hụt kiến thức về sức khỏe tinh thần và còn e ngại tìm kiếm dịch vụ chăm sóc. Mặt khác, tại Việt Nam, nhận thức của cộng đồng về chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên còn nhiều định kiến. Vì thế, việc thúc đẩy sự tìm hiểu, hướng tới cân bằng tâm lý cho sinh viên là hết sức cần thiết”, TS Liên nói.
Với sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý năm 2024, Khoa Tâm lý học đã đóng góp chuyên môn, thực hiện trách nhiệm vì một cộng đồng có sức khỏe tinh thần tốt hơn. Trước đó, Khoa triển khai đề án hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho 2.600 sinh viên thông qua các hoạt động tọa đàm, huấn luyện kỹ năng, thư giãn, trị liệu, tham vấn…
Nhắn gửi yêu thương cho bản thân và người khác
Chương trình đã giới thiệu các sản phẩm do sinh viên Khoa Tâm lý học thực hiện phục vụ môn học Tâm bệnh học. Trong đó, sinh viên Phạm Trần Thu Thảo đã trình bày đề tài Sổ tay “Chăm em” cho biết, nhóm sinh viên đã dành 2 tuần để “sản xuất” sổ tay chăm sóc tinh thần với chủ đề ăn uống - cảm xúc - giấc ngủ.
“Từ tài liệu khoa học, nhóm cố gắng diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, người dùng có thể xem video bằng cách quét mã QR gắn sau mỗi hoạt động. Qua đó, nhóm hi vọng mang lại kiến thức bổ ích về chủ đề gần gũi, tạo không gian cho người dùng dành thời gian để nhìn nhận cảm xúc, suy nghĩ bên trong mình một cách thoải mái và chân thật”, Thảo nói.
Theo Thảo, sổ tay có phiên bản giấy và điện tử, người dùng có thể nghe nhạc, xem video do nhóm tự quay, dựng. Nội dung sổ tay là những câu hỏi và gợi ý để người dùng tự tìm câu trả lời, chia thành 3 phần: em cảm xúc, em ngủ, em ăn.
Cũng trong không gian trưng bày, sổ tay “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân ung thư và người thân đang chăm sóc bệnh nhân ung thư” do Nguyễn Thị Trúc Phương chủ nhiệm đề tài. Mục đích của sổ tay là để hiểu những cảm xúc có thể có ở bệnh nhân ung thư, hạn chế niềm tin sai lệch trong chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân ở Việt Nam.
Cụ thể, nhóm hướng dẫn bệnh nhân ung thư tự chăm sóc sức khoẻ tinh thần, người thân chăm sóc cho bệnh nhân, đồng thời cho chính mình. Từ đó, những phương pháp này góp phần giảm thiểu nguy cơ mắc rối loạn tâm thần, tự sát và hướng đến việc duy trì một tinh thần khỏe mạnh trong hành trình điều trị ung thư với người bệnh và người thân bệnh nhân.
MỸ DIỆP
Hãy là người bình luận đầu tiên