Ngày 14/12, ĐHQG-HCM đã tổ chức Hội thảo “Vai trò của đại học trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0)”. Hội thảo thu hút hơn 100 nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp tham dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết để Việt Nam đạt mục tiêu mà Nghị quyết 52 đề ra, nhiệm vụ cốt lõi của các trường đại học vẫn là đào tạo những thế hệ tri thức có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại; nâng cao nhận thức của các trường đại học về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc CMCN 4.0; thúc đẩy nghiên cứu phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số thật sự minh bạch.
Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ việc đào tạo nhân lực trong các trường đại học phải hướng đến đào tạo một số hạt nhân, đào tạo lại cán bộ công chức, áp dụng 4.0 vào quản lý giáo dục và đào tạo phổ thông; tạo ra việc làm 4.0.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO Group cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy các trường đại học hợp tác doanh nghiệp để nghiên cứu ứng dụng đổi mới sáng tạo vào công nghệ cơ bản như: tự động hóa và robot tự hành, Internet vạn vật, dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ in 3D, mô phỏng (simulation).
Các diễn giả cũng cho thấy: Đứng trước cuộc CMCN 4.0, các trường đại học Việt Nam đang gặp nhiều sức ép. Các trường thiếu về nguồn vốn, cơ sở vật chất, trang thiết bị; thách thức về định hướng đào tạo các ngành nghề của công nghệ số; thách thức về phương pháp đạo tạo và nhu cầu đào tạo của nhiều đối tượng khác nhau.
Kết thúc hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân đánh giá trong bối cảnh CMCN 4.0, muốn phát triển mạnh và bền vững thì cần phải đột phá về chính sách, cơ chế. Trường đại học nên có một nền tảng đào tạo cốt lõi chuẩn, sau đó mới có thể thiết kế đào tạo theo ý khách hàng là các doanh nghiệp xoay quanh chương trình cốt lõi đó.
Các câu hỏi, hiến kế, tham luận của đại biểu gửi tới hội thảo sẽ được ĐHQG-HCM tập hợp, nghiên cứu và đề xuất kiến nghị tới các bộ ngành để rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực phù hợp với CMCN 4.0.
Tin, ảnh: Thái Việt
Hãy là người bình luận đầu tiên