Ngày 17/8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp ĐHQG-HCM tổ chức Hội thảo Giáo dục 2018 (VEC 2018) với chủ đề “Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”.
Hội thảo có sự tham dự của gần 200 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các vị đại biểu Quốc hội, đại diện đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, doanh nhân…
Hướng tới sự đồng thuận trong tầm nhìn và nhận thức
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định: Trong hơn 30 năm đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước hội nhập tích cực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục từng bước được bổ sung, đổi mới. Nhờ đó, mạng lưới các trường đại học phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, cấp bậc và ngành nghề đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Tuy nhiên, “Trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hóa - những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức - giáo dục đại học Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho đất nước mà còn có sức hội nhập, cạnh tranh hiệu quả trong khu vực và quốc tế” - ông Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.
Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, với sứ mệnh là nơi sáng tạo tri thức, thực hiện đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội, giáo dục đại học giữ vai trò là đòn bẩy quyết định cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, hướng đến sự phồn vinh và thịnh vượng của đất nước.
Thay mặt Ban tổ chức, PGS.TS Phan Thanh Bình mong muốn: “Từ vị thế và góc nhìn của mỗi đại biểu, với tâm huyết chung vì một nền giáo dục đào tạo ‘khỏe mạnh’, tạo nền tảng cho phát triển đất nước, chúng ta sẽ tập trung trao đổi về chủ đề hội thảo, hướng tới sự đồng thuận trong tầm nhìn, trong nhận thức về những vấn đề then chốt của hệ thống giáo dục đại học để xác định quan điểm đúng đắn, lựa chọn phương thức triển khai phù hợp, từ đó chia sẻ và tạo sự lan tỏa trong hệ thống và toàn xã hội”.
Xếp hạng của đại học Việt Nam được cải thiện đáng kể
Hội thảo tổ chức theo hình thức tương tác giữa các diễn giả và đại biểu. Trong phần báo cáo chung, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, xu hướng phát triển trong giáo dục hiện nay là đề cao tự chủ và trách nhiệm giải trình. Tự chủ trước hết về tổ chức, tiếp đến là chuyên môn, học thuật và tự chủ về tài chính. Giáo dục ở các nước càng thành công thì mức độ tự chủ càng nhiều.
Việt Nam còn khoảng cách lớn giữa định hướng chính sách và thực tế triển khai. Tuy nhiên đây vẫn là xu hướng cần thiết để nâng cao trách nhiệm giải trình của hệ thống và trong xu thế hội nhập. Chính phủ có thể hỗ trợ trường học xuất sắc, nhưng không nên tập trung quá nhiều vào bảng xếp hạng.
Nói về thực trạng giáo dục đại học ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, cả nước hiện có 236 trường đại học với khoảng 1,7 triệu sinh viên. Trong đó có 171 trường công lập, số còn lại là tư thục và các trường có vốn đầu tư nước ngoài. Từ những con số nghiên cứu, Bộ GD&ĐT cũng như chuyên gia nước ngoài đều đánh giá, tỷ lệ nhập học ở Việt Nam còn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Điều đáng ghi nhận là, xếp hạng của đại học Việt Nam ở khu vực và thế giới có bước tiến đáng kể. Trong đó, có hai trường đứng vào top 1.000, cụ thể ĐHQG-HCM trong nhóm 700 và Đại học Quốc gia Hà Nội trong nhóm 800. “Nếu cơ sở giáo dục đại học chú trọng đầu tư cho nghiên cứu khoa học và nghiên cứu quốc tế thì xếp hạng của Việt Nam trong tương lai sẽ được cải thiện nhiều hơn nữa”, ông Phúc nói.
Trong phần thảo luận chuyên đề, hơn 70 tham luận của các tác giả trong và ngoài nước tập trung vào 3 nội dung: Năng lực hệ thống giáo dục đại học, tài chính đại học, quản lý nhà nước và quản trị đại học.
Trong đó, năng lực hệ thống giáo dục đại học là nội dung nhận được sự quan tâm nhiều nhất. Nhiều vấn đề về năng lực hệ thống như triết lý, mục tiêu, mô hình hệ thống và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; cơ hội và thách thức đối với hệ thống trong bối cảnh quốc tế hóa và cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư… đã được các chuyên gia, đại biểu đặt ra và phân tích trong các báo cáo.
Phải coi trọng tự chủ học thuật
Trao đổi tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến vấn đề tự chủ học thuật bên cạnh tự chủ về tài chính. GS.TS Võ Văn Sen, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM cho rằng, hiện cơ chế tự chủ có sự lệch lạc, chỉ lo cơ chế tự chủ tài chính thôi, còn tự chủ học thuật thực tế lại không được coi trọng. “Các trường chỉ chăm bẵm cơ chế tài chính, loay hoay làm thế nào thu học phí, điều này trở thành nguy cơ lớn trong nền giáo dục của chúng ta” - ông cảnh báo.
GS.TS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, quyết định chất lượng đại học, trước hết và chủ yếu chính là chất lượng các nhà giáo, ở đây là các nhà giáo đại học. “Phải thực sự đào tạo thầy dạy chứ không phải thợ dạy. Người thầy trung bình chỉ biết nói trong sách giáo khoa, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết truyền cảm hứng” - GS Hoàng Chí Bảo khẳng định.
Tại hội thảo, ĐHQG-HCM đã trao đổi nhiều vấn đề và chia sẻ kinh nghiệm triển khai chính sách về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, làm thế nào để xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và cả bên ngoài hiệu quả, cũng như kinh nghiệm triển khai công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài và cải tiến liên tục tại đơn vị.
Các tham luận sẽ được hiệu đính, biên tập thành kỷ yếu. PGS.TS Phan Thanh Bình đánh giá: “Đây thực sự là một bộ tài liệu quý, góp nhiều ý tưởng cho việc xây dựng chính sách phát triển giáo dục đại học trong thời gian tới và gần nhất là việc hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục Đại học sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp vào tháng 10 năm nay”.
KHÁNH LÂM (Tổng hợp)
Hãy là người bình luận đầu tiên