Ngày 3/6/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định thành lập Trường Đại học Khoa học Sức khỏe ĐHQG-HCM trên cơ sở phát triển Khoa Y đã trở thành sự kiện có ý nghĩa quan trọng của ĐHQG-HCM. Đây là trường đại học thành viên thứ 8 và sẽ là mảnh ghép hoàn chỉnh đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQG-HCM.
Tên gọi Trường Đại học Khoa học Sức khỏe khá khác biệt so với các trường đào tạo khối ngành sức khỏe hiện nay. Điều này đã tạo nên sự chú ý vì các trường đào tạo lĩnh vực khoa học sức khỏe thường có tên trường đại học y dược như vốn có từ trước đến nay.
Nhân dịp ĐHQG-HCM tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Khoa học Sức khỏe là trường đại học thành viên ĐHQG-HCM, Ban biên tập Bản tin ĐHQG-HCM đã có buổi trao đổi với PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM, kiêm Hiệu trưởng nhà trường về tên gọị đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.
Xin ông cho biết tên Trường Đại học Khoa học Sức khỏe có từ khi nào? Và tại sao lại là Khoa học sức khỏe mà không phải là Y dược?
Ngay từ khi thành lập Khoa Y năm 2009, ĐHQG-HCM luôn kiên định chủ trương phát triển Khoa Y thành Trường Đại học Khoa học Sức khỏe, để theo kịp xu hướng của thế giới cũng như phát huy sức mạnh đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQG-HCM.
Theo đó, Khoa học sức khỏe mang tính liên ngành rất cao, bao gồm các lĩnh vực như hóa sinh, hóa dược, sinh học phân tử, vi sinh, khoa học thần kinh, sinh lý học, tâm lý học, dinh dưỡng, dược lý, độc chất, khoa học thị giác, công nghệ y sinh. Nói cách khác, Khoa học sức khỏe đào tạo ra những bác sĩ, dược sĩ có thể phát triển, đánh giá và thực hành các phương pháp điều trị mới cho các vấn đề liên quan đến sức khỏe con người. Như vậy đào tạo ngành y, dược bây giờ cần được mở rộng hơn. Ngoài những tiết học chuyên sâu về y dược lâm sàng, những giờ thực hành trong bệnh viện rất cần thiết để thực hành thì chương trình đào tạo bây giờ cần bao quát các kiến thức liên quan như hóa học, sinh học, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… để đáp ứng những yêu cầu mới, giải quyết những thách thức mới liên quan đến sức khỏe con người. Là hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQG-HCM hội tụ đủ điều kiện để triển khai những chương trình đào tạo liên ngành như vậy!
Trước đó, PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM, người trực tiếp ký quyết định thành lập Khoa Y cũng nhiều lần cho biết khoa học sức khỏe liên kết với các ngành khoa học khác hiện có tạo thành một hệ thống đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành và hoàn chỉnh trong ĐHQG-HCM. Việc phát triển lĩnh vực khoa học sức khỏe sẽ kết nối các ngành mũi nhọn của ĐHQG-HCM để nghiên cứu, phát triển các phương pháp mới, sản phẩm mới cho mục tiêu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
GS.TS.BS. Đặng Vạn Phước, Hiệu trưởng Danh dự Trường Đại học Khoa học Sức khỏe, người đã gắn bó 15 năm với Trường cũng đã từng chia sẻ với truyền thông về tên gọi này. Theo Giáo sư thì Khoa học Sức khoẻ có một nội hàm rộng, không chỉ gồm y, dược mà còn là Răng - Hàm - Mặt, khoa học y sinh, y tế công cộng, điều dưỡng, kĩ thuật y khoa, y học cổ truyền, y tế dự phòng…, ngoài đào tạo đội ngũ cán bộ y tế để điều trị lâm sàng, họ còn có khả năng nghiên cứu khoa học, phòng ngừa và quản lý bệnh tật, môi trường gây bệnh. Phần lớn các trường đều đào tạo nhiều ngành chứ không riêng y hay dược nên chúng tôi gọi chung là Khoa học Sức khoẻ.
Tóm lại, việc thành lập trường Đại học Khoa học Sức khỏe đầu tiên của Việt Nam đã được ĐHQG-HCM chuẩn bị kỹ lưỡng, từ rất sớm, không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Là trường Đại học Khoa học Sức khỏe đầu tiên của cả nước, theo ông thì nhà trường cần ưu tiên gì thực hiện tốt sứ mệnh của mình?
Ngay từ đầu, ĐHQG-HCM đã hướng đến xây dựng một trường đại học khoa học sức khỏe tiên tiến và uy tín trong khu vực, là nơi hội tụ của khoa học y học, công nghệ, văn hóa, tri thức và y đức của người Việt Nam. Khoa Y trước đây và Trường Đại học Khoa học Sức khỏe của hiện tại luôn tiên phong đổi mới chương trình đào tạo theo cách tiếp cận liên ngành; tập trung nghiên cứu giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Một số nhiệm vụ trọng tâm mà Trường Đại học Khoa học Sức khỏe phải thực hiện ngay khi ổn định tổ chức bộ máy và kiện toàn nhân sự đó là:
Trường cần tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; đồng thời phải kết nối tốt, tận dụng hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm, đội ngũ các chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và khoa học quản lý để tạo những sản phẩm về đào tạo và nghiên cứu khoa học mang đặc thù của ĐHQG-HCM, đồng thời đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Tiếp đó, Trường phải đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhân lực y tế chất lượng cao cho các tỉnh phía Nam, đồng thời tham gia tư vấn các vấn đề chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển khoa học sức khỏe cho các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, kết hợp chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ khoa học – công nghệ lĩnh vực y tế.
Cuối cùng, Trường Đại học Khoa học Sức khỏe cần sớm xây dựng một bệnh viện thực hành. Mô hình kết hợp giữa trường đại học và bệnh viện là rất cần thiết, một môi trường học thuật phong phú, nơi mà kiến thức mới được cập nhật liên tục và các phương pháp điều trị tiên tiến được áp dụng ngay lập tức. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với thực tiễn sớm và góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa giảng viên, bác sĩ và nhà nghiên cứu.
Trường ĐH Khoa học Sức khỏe đang đào tạo 5 ngành bậc đại học, gồm: y khoa, dược học, răng hàm mặt, y học cổ truyền và điều dưỡng. Đối với đào tạo sau đại học, Trường đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp 1 với 5 chuyên ngành, gồm: nội khoa, ngoại khoa, sản phụ khoa, nhi khoa và tai mũi họng. Đối với hình thức đào tạo bác sĩ nội trú, có 4 chuyên ngành, gồm: ngoại khoa, sản phụ khoa, nhi khoa và tai mũi họng. Tính đến nay, Trường ĐH Khoa học Sức khỏe đã có 8 khóa tốt nghiệp bác sĩ y khoa, 3 khóa tốt nghiệp dược sĩ, cung cấp nguồn nhân lực cho hệ thống y tế nước nhà hơn 1.000 bác sĩ, dược sĩ. Năm 2024, ĐHQG-HCM dự kiến khởi công xây dựng 3 tòa nhà hiện đại cho Trường (YB1, YB2, YB3) với tổng diện tích xây dựng khoảng 8.300m2 và diện tích sàn 33.400m2, đáp ứng quy mô đào tạo cho khoảng 3.000 sinh viên. Nguồn kinh phí xây dựng được lấy từ nguồn kinh phí dự án của Ngân hàng Thế giới (dự án VUDP). |
Hãy là người bình luận đầu tiên