Sáng 31/10, tại Hội trường Tỉnh ủy Đồng Nai, ĐHQG-HCM cùng với và Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Đồng Nai phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và CMCN 4.0”. PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phú Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một khu vực kinh tế năng động nhất trong cả nước, có vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của toàn quốc trong thời gian qua. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, khu vực này đang phải đối mặt với nhiều thách thức: sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự không đồng bộ về cơ sở hạ tầng và nền tảng khoa học công nghệ.
“Nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên việc liên tục đổi mới, sáng tạo và nền tảng khoa học công nghệ hiện đại thì chắc chắn rằng kinh tế vùng sẽ trở nên chậm chạp và lạc hậu so với tốc độ phát triển chung” - PGS.TS Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần khẳng định vai trò, vị thế mới là vùng tiên phong đổi mới, sáng tạo trong tiến trình phát triển của đất nước. Trong đó, vùng phải là cái nôi hình thành và lan tỏa văn hóa đổi mới sáng tạo, hình mẫu của chiến lực nâng cao năng lực cạnh tranh dựa vào khoa học công nghệ và đối mới sáng tạo của cả nước.
Hội thảo nhận được 33 tham luận của các nhà khoa học, lãnh đạo, doanh nghiệp nhằm đánh giá thực trạng và vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như phân tích những đặc thù, thuận lợi, khó khăn và đề xuất các giải pháp thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước. Mặc dù chỉ chiếm 9,2% diện tích nhưng vùng chiếm hơn 45% GDP, 40% kim ngạch xuất khẩu, 43% thu ngân sách của cả nước. Kinh tế vùng phát triển năng động, đạt tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,75 lần mức bình quân của cả nước; năng suất lao động gấp 1,8 lần cả nước; thu hút hơn 56% dự án và 45% số vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.
Tin, ảnh: Đức Lộc
Hãy là người bình luận đầu tiên