Ngày 26/4/2025, ĐHQG-HCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo “Tham vấn báo cáo đánh giá phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của hơn 70 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.

Báo cáo đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn chính sách
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh vai trò chiến lược của nguồn nhân lực STEM trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình từ gia công công nghệ sang hiện đại hóa sản xuất chip. Ông cho biết: “Ngay khi WB đề nghị hợp tác nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, chúng tôi đã khẩn trương triển khai công việc.” Theo ông, báo cáo không chỉ đánh giá hiện trạng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn chính sách cho Chính phủ, các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự phù hợp giữa đào tạo và nhu cầu phát triển của đất nước, tránh tình trạng thừa – thiếu nhân lực cục bộ.
Đại diện WB, ông Nguyễn Duy Sơn – Quyền Giám đốc Danh mục đầu tư khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết hội thảo là một phần trong chương trình tư vấn xây dựng nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao tại Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn được lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách để hoàn thiện báo cáo một cách tốt nhất. Báo cáo sẽ được trình lãnh đạo WB vào tháng 6/2025 như một bước chuẩn bị cho chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam giai đoạn 2030–2045,” ông chia sẻ.
Tại hội thảo, bà Trần Thị Ánh Nguyệt – Chuyên gia Kinh tế Giáo dục, WB đã trình bày các kết quả khảo sát, trong đó nổi bật là khoảng cách giữa nhu cầu của doanh nghiệp và kỹ năng của lực lượng lao động hiện có trong ngành bán dẫn. Báo cáo đánh giá cả về số lượng, chất lượng nhân lực hiện nay cũng như khả năng mở rộng quy mô đào tạo, đặc biệt là tại ĐHQG-HCM.
GS.TS Lê Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao báo cáo của WB, cho rằng đây là tài liệu quan trọng không chỉ với Chính phủ mà còn với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Ông mong muốn báo cáo làm rõ phạm vi, chi phí khảo sát, bám sát thực trạng phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam, đồng thời mở rộng phân tích nhu cầu thị trường lao động quốc tế thay vì chỉ tập trung cung – cầu hiện tại trong nước.

Theo GS.TS Lê Quân, việc đào tạo cần hướng đến xây dựng nguồn nhân lực cho cả hệ sinh thái bán dẫn, với trọng tâm là nhân lực trình độ cao (đại học và sau đại học), đồng thời gắn kết đào tạo trong nước với hợp tác quốc tế. Ông cũng mong báo cáo có thể đưa ra các khuyến nghị mạnh mẽ hơn về định hướng đào tạo tại các trường đại học.
ĐHQG-HCM có lợi thế trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn

Xem ĐHQG-HCM như một cơ sở giáo dục đại học điển hình, bà Ekua Nuama Bentil – Trưởng nhóm Công nghệ giáo dục toàn cầu, Chuyên gia giáo dục cao cấp của WB cho biết ĐHQG-HCM có nhiều lợi thế trong việc mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn.
Theo bà, ĐHQG-HCM có chương trình giảng dạy mô phỏng các học viện kỹ thuật đẳng cấp thế giới. Các trường thành viên đã cùng nhau phát triển khung chương trình đào tạo chuyên sâu về bán dẫn. Một điểm sáng khác là Dự án VNU350 với mục tiêu tuyển dụng khoảng 350 nhà khoa học tài năng trong giai đoạn 2024–2030 nhằm nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM có Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp và viện nghiên cứu. Các doanh nghiệp công nghệ trong nước như FPT, Marvell đã xây dựng phòng thí nghiệm ngay tại trường; các công ty quốc tế như Faraday, Synopsys cũng phối hợp tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho sinh viên. Đây là tiền đề cho việc xây dựng hệ sinh thái đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn.
Tuy nhiên, bà Ekua cũng chỉ ra các thách thức như: chương trình giảng dạy còn thiếu chuẩn hóa, cơ sở vật chất giữa các trường chưa đồng đều, tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ còn thấp, đầu ra nghiên cứu còn hạn chế và liên kết với doanh nghiệp chủ yếu mang tính cá nhân, chưa có cơ chế chính thức.
Từ những đánh giá này, bà khuyến nghị các doanh nghiệp nên xem ĐHQG-HCM là nguồn cung ứng nhân lực chính và cùng tham gia vào quá trình đào tạo để đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thách thức và giải pháp gợi mở phát triển hệ sinh thái bán dẫn
Chia sẻ về khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, PGS.TS Trần Lê Quan – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên cho biết các trường đang gặp khó khăn trong vận hành phòng thí nghiệm thực hành do cơ chế đầu tư hiện tại chỉ chi trả một lần, trong khi chi phí vận hành hoàn toàn do nhà trường đảm nhận. Điều này đặt gánh nặng tài chính lên sinh viên và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Đồng quan điểm, GS.TS Phan Bách Thắng – Giám đốc Trung tâm INOMAR cho rằng việc chỉ đầu tư ban đầu nhưng không bảo đảm vận hành lâu dài sẽ khiến hệ thống đào tạo thiếu bền vững. Ông đề xuất WB nên kiến nghị Nhà nước xây dựng cơ chế đầu tư theo từng giai đoạn: ban đầu 100% kinh phí từ ngân sách, sau đó chia sẻ chi phí với nhà trường và doanh nghiệp khi hệ thống đã đi vào vận hành.
Tham dự trực tuyến, ông Gu-Yeon Wei – Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng John A. Paulson, Đại học Harvard cho rằng Việt Nam nên học tập các mô hình phát triển ngành bán dẫn của Đài Loan (Hsinchu Park), Hàn Quốc (IDEC, KAIST), Hoa Kỳ (CHIPS Act) và Malaysia (CREST). Ông đề xuất xây dựng hệ sinh thái bán dẫn hoàn chỉnh với trung tâm R&D, trung tâm thiết kế IC, chương trình học bổng gắn cam kết làm việc, đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung. Giai đoạn 2025 - 2030 tập trung hiện đại hóa phòng thí nghiệm, đào tạo giảng viên, xây dựng trung tâm quốc gia bán dẫn; giai đoạn 2030 - 2045 là thời điểm hội nhập quốc tế và phát triển bền vững hệ sinh thái ngành.
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Duy Sơn đánh giá cao tinh thần chia sẻ thẳng thắn, cởi mở của các đại biểu và khẳng định WB sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện báo cáo. Ông cho biết, trong thời gian tới, báo cáo sẽ tiếp tục tập trung phân tích sâu hơn về cung – cầu nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

“Chúng tôi tin rằng, với sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp, Việt Nam sẽ xây dựng được một hệ sinh thái bán dẫn nói riêng và công nghệ cao nói chung vững mạnh, đóng góp quan trọng vào mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giáo dục đại học như đã đề ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị” – ông Duy Sơn nhấn mạnh.
Phòng TT&TT
Hãy là người bình luận đầu tiên