Các đại học Việt Nam đã lần lượt có tên trong bảng xếp hạng khu vực và thế giới như QS Asia, QS Stars, Scimango, Webometric, UniGreen… Năm 2016, hai đại học hàng đầu Việt Nam (ĐHQG Hà Nội và ĐHQG-HCM) đứng trong Top 150 của bảng xếp hạng QS Asia, đánh dấu một bước tiến mới cho sự phát triển các trường đại học Việt Nam. Cho dù thứ hạng chưa cao nhưng đây chính là bước khởi đầu đánh giá sự chuyển biến giáo dục đại học Việt Nam để tiến đến ngang tầm khu vực và thế giới.
Với kết quả hiện nay, trong giai đoạn 2017-2020, ĐHQG-HCM cần triển khai công tác xếp hạng đại học quốc tế theo chuẩn QS Asia với những lý do cơ bản sau.
Trước nhất, Bảng xếp hạng QS Asia của Tổ chức QS là bảng xếp hạng uy tín trong khu vực và trên thế giới. Tham gia bảng xếp QS Asia sẽ giúp ĐHQG-HCM biết mình đang ở đâu trong bản đồ giáo dục đại học khu vực; góp phần khẳng định uy tín và chất lượng đào tạo của ĐHQG-HCM với vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, có uy tín trong khu vực.
Tiếp đến, việc tham gia bảng xếp hạng QS Asia sẽ mang đến nhiều thuận lợi hơn cho ĐHQG-HCM. Bời vì, ĐHQG-HCM đang là thành viên tham gia tích cực trong Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á (Asean University Network - AUN), các hoạt động giao lưu, tham khảo và đối sánh với các trường đại học đang xếp hạng ở Top đầu trong bảng xếp hạng QS Asia như Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Mahidol,… có thể tiến hành dễ dàng hơn.
Mặt khác, việc đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng QS Asia tạo tiền đề cho ĐHQG-HCM tham gia các bảng xếp hạng quốc tế khắt khe hơn, có tầm ảnh hưởng toàn cầu như THE, ARWU, QS World... Tham gia xếp hạng đại học quốc tế sẽ giúp ĐHQG-HCM thu hút được sinh viên và giảng viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu, ký kết các thoả thuận hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng trong khu vực và quốc tế. Đồng thời hoạt động này sẽ góp khẳng định chất lượng đào tạo, nghiên cứu của ĐHQG-HCM với toàn xã hội, đặc biệt đối với doanh nghiệp và nhà tuyển dụng.
Đồng thời, tham gia xếp hạng đại học QS Asia với các chỉ số, trọng số xếp hạng sẽ giúp ĐHQG-HCM có những chiến lược cụ thể nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong từng mảng hoạt động, tiến tới chất lượng khu vực.
Xem xét các tiêu chí xếp hạng, có thể thấy rõ bảng xếp hạng QS Asia phù hợp nhất với những trường đại học châu Á (không tính đến các trường đã khẳng định đẳng cấp thế giới). Trước hết, chỉ số liên quan đến mức độ quốc tế hóa (chiếm 10% trong tổng số điểm xếp hạng) là một điều mà bất kỳ trường đại học châu Á nào cũng có thể cải thiện được nếu có quyết tâm. Thông qua hoạt động trao đổi và tiếp nhận sinh viên, giảng viên quốc tế, chắc chắn chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của các trường sẽ được cải thiện đáng kế.
Về chỉ số tỷ số giảng viên trên sinh viên, nếu các trường đại học có chính sách thu hút, duy trì và phát triển đội ngũ giảng viên giỏi, tạo được môi trường làm việc tốt, đồng thời kiểm soát tốt tỷ lệ hợp lý giảng viên/ sinh viên thì các trường có thể cải thiện chỉ số này. Đây là một vấn đề hầu như các trường muốn vươn lên tầm khu vực, tầm thế giới đều quan tâm. Vì QS châu Á không chỉ tính đến các bài báo có chỉ số trích dẫn cao mà còn tính cả chỉ số bình quân của bài báo trên đầu giảng viên, chỉ số này cũng có thể cải thiện nếu các trường đại học đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, có những đầu tư thích đáng cho hoạt động này.
PHAN YÊN
Hãy là người bình luận đầu tiên