Khoa học công nghệ

Sinh viên khởi nghiệp bền vững với dự án làm sạch tổ yến tự động, tìm bạn giao tiếp tiếng Anh…

  • 23/09/2020
  • Sáng 23/9, tại Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM, Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ ĐHQG-HCM (IPTC) cùng Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức Vòng Chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp bền vững dựa trên quyền sở hữu trí tuệ” (S&IP). PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM và TS Đinh Hữu Phí - Cục Trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đã đến dự.

    PGS.TS Huỳnh Thành Đạt và TS Đinh Hữu Phí trao giải Đặc biệt cho đại diện nhóm sinh viên Trường ĐH Bách Khoa. Ảnh: LÝ NGUYÊN

    10 dự án tranh tài tại Vòng Chung kết được chọn từ 33 dự án khởi nghiệp của các nhóm sinh viên đến từ 15 trường đại học ở phía Nam đã nhận được sự đánh giá cao của Cục Sở hữu trí tuệ và lãnh đạo các doanh nghiệp.

    Trong đó, giải Đặc biệt trị giá 35 triệu đồng (20 triệu đồng tiền mặt và gói hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ 15 triệu đồng) được trao cho dự án Quy trình làm sạch tổ yến tự động của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM và giải Nhất trị giá 20 triệu đồng (10 triệu đồng tiền mặt và gói hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ 10 triệu đồng) thuộc về dự án IELTS TINDER - Ứng dụng thực hành IELTS của nhóm sinh viên Trường ĐH Quốc Tế và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM.

    Sinh viên Hồ Trọng Thành Vinh - đại diện nhóm dự án Quy trình làm sạch tổ yến tự động, cho biết hiện nay, ngành sản xuất yến sào tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á hoàn toàn được sử dụng theo phương pháp thủ công, khiến năng suất và chất lượng sản phẩm thấp. Trung bình, mỗi nhà máy cần khoảng 15-20 công nhân để nhặt tổ yến, có đợt cao điểm lên tới 30 người. Đồng thời quá trình làm sạch tổ yến cần tỉ mỉ, sử dụng mắt và tay gắp liên tục, một người lao động hoàn thành 100g tổ yến mất khoảng 30 tới 45 phút khiến cho sản lượng hằng năm chỉ vào khoảng 500-700kg, trong khi đó nhu cầu của thị trường quốc tế hằng năm là 400 đến 500 tấn tổ yến.

    “Việc ứng dụng quy trình tự động hóa trong phương pháp làm sạch tổ yến, nhóm nghiên cứu mong muốn có thể áp dụng tay gắp công nghiệp để nhặt lông, đồng thời phân loại thứ hạng các tổ yến trong quá trình xử lý và tự động đưa vào dây chuyền đóng gói công nghiệp. Qua đó làm tăng năng suất lên 30-50% so với thực tế đồng thời giảm giá thành của sản phẩm giúp tăng tính cạnh tranh cho đơn vị sử dụng” - Vinh chia sẻ.

    Hồ Trọng Thành Vinh cũng cho biết, theo ước tính, chi phí để sản xuất 1 bộ máy hoàn chỉnh trong khoảng 50-70 triệu đồng, và giá bán dự kiến là 100-120 triệu đồng, và thời gian hoàn đầu tư cũng như bắt đầu có lãi sẽ là sau 2-3 năm tùy thuộc vào lượng hàng bán ra và các khoản khấu hao chi phí.

    Trao đổi về ứng dụng IELTS TINDER, Vũ Thùy Trang - đại diện nhóm sinh viên trường ĐH Quốc Tế, cho biết kỹ năng nói (Speaking) là một trong những kỹ năng “khó chiều” nhất về mặt tìm bạn nói thích hơp hoặc thiếu môi trường. Do đó, ứng dụng nhằm giúp người dùng tìm được một cộng đồng/ bạn đồng hành phù hợp cũng như cung cấp những tính năng đánh giá quá trình học IELTS Speaking một cách khách quan nhất có thể cho cộng đồng các sĩ tử IELTS.

    “Các chức năng chính của ứng dụng gồm đánh giá năng lực đầu vào người dùng dựa trên kết quả chấm thực tế của các giám khảo (mentors). Sau đó ứng dụng sẽ ghép đôi người dùng dựa trên hệ thống các tiêu chí về năng lực. Từ đó, chúng tôi sẽ xây dựng một diễn đàn (cồng động) (mô hình thu nhỏ nhu Facebook) giữa những sỹ tử IELTS.

    Những đoạn ghi âm bài luyện tập được thu trên ứng dụng, dưới sự cho phép của người dùng, sẽ được đăng lên một bảng tin (News Feed) theo giao diện của một mạng xã hội nhằm tạo ra một cộng đồng đánh giá và trao đổi thông qua tương tác bằng các bình luận (comment), nút thích (like) và hành động theo dõi (following) và cung cấp ngân hàng đề thi và đáp án mẫu” - Vũ Thùy Trang chia sẻ.

    Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám Đốc ĐHQG-HCM, cuộc thi S&IP nhằm mang đến môi trường phát huy khả năng sáng tạo, tìm kiếm những ý tưởng, sáng kiến trong sinh viên, tạo sân chơi khoa học, trí tuệ, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho sinh viên khu vực phía Nam.

    Đặc biệt, cuộc thi tạo điều kiện thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với những dự án đạt yêu cầu, góp phần tạo nền tảng pháp lý nhằm tăng tính bền vững cho hoạt động của các dự án khởi nghiệp sinh viên, đồng thời gia tăng số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ.

    “Không chỉ là một cuộc thi đơn thuần với các vòng thi và chọn đội thắng cuộc, S&IP còn cung cấp một môi trường ươm tạo giúp biến ý tưởng, sáng kiến hay các giải pháp cụ thể, thiết thực của sinh viên thành những doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng” - Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh.

    ThS Ngô Hữu Thống - Chánh Văn phòng IPTC, cho biết S&IP được tổ chức từ tháng 3/2020 vói 3 vòng thi. Điểm nhấn của cuộc thi là các gói hỗ trợ khởi nghiệp hấp dẫn dành cho 10 dự án ấn tượng nhất vào Vòng chung kết như: gói hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của IPTC trị giá 20 triệu đồng/dự án và gói hỗ trợ Amazon Web Services trị giá 2.000 USD/dự án/năm.

    Đặc biệt, các dự án xuất sắc còn nhận được gói hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp tại Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo ĐHQG-HCM với giá trị hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/dự án/năm. Tổng giá trị hỗ trợ  của cuộc thi lên đến hơn 1,6 tỷ đồng.

    Hội đồng giám khảo của cuộc thi là các chuyên gia về khởi nghiệp và sở hữu trí tuệ cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp uy tín như: ông Nguyễn Duy Vũ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ Xây dựng - Trường ĐHBK ĐHQG-HCM; ông Trần Giang Khuê - Phó Trưởng Văn phòng Đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ tại TP.HCM; ông Lương Hoàng Hưng - Tổng biên tập Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo; ông Đinh Hà Duy Linh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT; ông Lê Nguyên Thuỷ - Giám đốc Công ty TNHH Việt Y và TS Jenny Đặng - Giám đốc khu vực của Topica Edtech Group.


    PHIÊN AN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên