“Đã có người từng tả cho tôi nghe Việt Nam là một đất nước rất đẹp và duyên dáng qua những tà áo dài tha thướt, chiếc nón lá mộc mạc… Thế nhưng khi nghe xong, trong đầu tôi chỉ hiện lên hai chữ ‘giá mà’. Giá mà tôi có thể chiêm ngưỡng và thưởng thức được những nét đẹp ấy thì tốt biết mấy”.
Đó là lời bộc bạch của Apichit Mingwongtham - chàng trai người Thái với niềm đam mê tiếng Việt lạ thường. Người nước ngoài học tiếng Việt đã khó, nhưng với những người khiếm thị như Apichit, việc học còn khó hơn gấp bội.
Tôi muốn học tiếng Việt đến nơi đến chốn
Apichit Mingwongtham, tên ở nhà là Aun, một người khiếm thị bẩm sinh cả hai mắt. Anh tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật tại Thái Lan hơn 10 năm trước, nhưng chỉ vì tình yêu tiếng Việt, anh sẵn sàng bỏ hết cuộc sống “ổn định” ở quê hương mình và tự “mò đường” đến Việt Nam để học tiếng Việt. Đó là lý do tại sao Apichit hiện là sinh viên năm II, Khoa Việt Nam học - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM ở tuổi 35.
Khi Apichit còn là cậu bé 6 tuổi sống cùng gia đình ở vùng Đông Bắc Thái Lan (giáp Lào), lần đầu tiên nghe tiếng Việt qua đài phát thanh Việt Nam, anh liền hỏi mẹ đó là tiếng gì. Mẹ bảo: tiếng Việt. “Ngay sau câu trả lời của mẹ tôi, cái tên Việt Nam bỗng nhiên được khắc ghi trong đầu đứa trẻ 6 tuổi năm ấy một cách khó lý giải. Dù sau này, gia đình tôi đã chuyển lên Bangkok, không còn được nghe tiếng Việt nữa nhưng hai chữ Việt Nam vẫn luôn lẩn quẩn trong đầu tôi ” - anh tâm sự.
Apichit cho biết vì quá yêu mến Việt Nam, tháng 10/2006, anh thực hiện chuyến du lịch đến Hà Nội cùng bạn bè và gia đình. Chuyến đi chỉ vài ngày nhưng để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng chàng sinh viên năm II chuyên ngành luật. Apichit kể: “Tôi rất ấn tượng về Việt Nam, đặc biệt là ẩm thực. Tôi được ăn nhiều món ngon nhưng không thể nhớ được tên món ăn. Có những món mà chắc mình sẽ chẳng được ăn lần nữa”.
Sau chuyến đi đó, tình yêu mảnh đất hình chữ S trong Apichit Mingwongtham cứ lớn dần. Năm 2011, anh bắt đầu học tiếng Việt theo kiểu học “bồi”. Anh cười nói: “Tôi mê truyện ma Nguyễn Ngọc Ngạn. Thế là tôi nghe và giả giọng của chú kể chuyện ma cho mọi người cả ngày. Từ nào không biết, tôi ghi âm lại và hỏi bạn bè qua các trang mạng học ngoại ngữ. Tôi xem nó là một cách học tiếng Việt thú vị”.
Anh nói tiếp: “Sau một thời gian học ‘bồi’, tiếng Việt như một ma lực hấp dẫn mà tôi không thể cưỡng lại được. Tôi nghĩ nếu học ‘bồi’ mãi thì không thể biết tiếng Việt đến nơi đến chốn”. Thế là năm 2013, chàng trai Apichit 29 tuổi đang có công việc văn phòng tại Thái Lan đành từ bỏ tất cả, một mình sang Việt Nam để được học tiếng Việt một cách nghiêm túc. Bây giờ nhớ lại, anh cho đó là một trải nghiệm đặc biệt của đời mình. “Khi ấy tôi không suy nghĩ nhiều đâu, tôi muốn liều một lần cho biết. Tôi xem nó như một trải nghiệm cuộc sống mà tôi cần. Nếu không dám làm, tôi sẽ không có cái gì cả” - anh trải lòng.
Thế nhưng, con đường chinh phục tiếng Việt tại đất nước mà anh yêu quý lại chẳng mấy dễ dàng. Trong quá trình học ngôn ngữ này tại Việt Nam từ năm 2013, anh gặp phải nhiều khó khăn trong việc đọc sách, đi lại và chỗ ở. Anh kể: “Tôi không đọc được sách như người bình thường. Đó là khó khăn lớn nhất của tôi. Tôi phải chia sách thành nhiều phần khác nhau, nhờ bạn bè đánh máy rồi gom lại gửi qua cho mái ấm Thiên Ân (quận Tân Phú) để người ta in ra thành sách chữ nổi”.
Tiền giấy để in sách chữ nổi khá đắt đỏ, lại thêm tiền thuê nhà ở trung tâm, tiền xe đi lại đã khiến sau một năm rưỡi, chàng trai khiếm thị người Thái cạn túi, đành quay về Thái Lan. Apachit tâm sự: “Tháng 8/2014, tôi về Thái. Thực sự tôi không muốn về nước vì việc học của mình vẫn còn dang dở. Nhưng tiền cho việc học đã hết, tôi buộc phải quay về để đi làm và tìm cơ hội trở lại Việt Nam học tiếng Việt cho xong”.
Mãi đến năm 2017, Apichit Mingwongtham mới trở lại Việt Nam và học đại học để “được học tiếng Việt đến nơi đến chốn”. Anh cho biết bản thân từ lâu đã muốn trở thành sinh viên chính quy của Khoa Việt Nam học, Trường ĐH KHXH&NV. Cuối cùng ước mơ ấy đã thành hiện thực. Không những vậy, anh còn được miễn học năm đầu, do trình độ tiếng Việt của anh đã ngang ngửa với người Việt, đạt mức 6/6 của trình độ C2.
Khi được hỏi về lý do yêu thích và gắn bó với tiếng Việt, nước Việt, anh chỉ cười và cho biết mình không có một lý do cụ thể nào cả. “Tôi từng tiếp xúc và thử học hỏi nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Nhật hay tiếng Pháp nhưng vẫn cảm thấy tiếng Việt có một sức hút rất kỳ lạ với mình. Có lẽ đó là ‘duyên’. Là do tôi có duyên với tiếng Việt và Việt Nam chăng?”, chàng sinh viên người Thái chia sẻ.
Cuộc sống không có chỗ cho mơ mộng viển vông
Được chẩn đoán là khiếm thị bẩm sinh, Apichit Mingwongtham nhiều lần tự hỏi bản thân: Vì sao mình không được như người bình thường. “Người ta kể lại là khi mẹ tôi mang thai, mẹ bị bệnh và bác sĩ cho mẹ dùng thuốc. Thế nên đôi mắt tôi bị ảnh hưởng bởi thuốc. Cũng có người kể rằng tầm 1-2 tuổi có lẽ tôi vẫn còn nhìn thấy. Đến khi tôi lên 3, mẹ mới bắt đầu nhận ra, khi chơi với mẹ, tôi không nhìn vào mắt mẹ. Khi ấy, cả nhà mới biết tôi không có khả năng nhìn như người bình thường” - anh nói.
Khi còn nhỏ, Apichit đã ý thức được mình không giống bạn bè xung quanh. Cậu bé Aun không có ý niệm về ánh sáng, không thể chạy nhảy nô đùa như những đứa trẻ cùng trang lứa. Thế nhưng, ở cái tuổi ấy, anh vẫn chưa hiểu hết mình mất đi những gì. Apachit kể lại: “Đó là một ngày khi tôi tầm 8 tuổi, những đứa trẻ trong xóm rủ nhau chơi trò cảnh sát bắn cướp. Điều kiện là mỗi đứa phải trang bị xe đạp và một khẩu súng bắn nước. Họ đuổi bắt nhau trên con đường trong xóm. Khi đó, tôi cũng có xe đạp và súng bắn nước, nhưng tôi lại chẳng chạy được như bạn bè. Và tôi cứ ngồi ở nhà suy nghĩ cả tiếng đồng hồ rằng tại sao mình không được như người ta. Có lẽ tính đến bây giờ, đó cũng là ngày mà tôi tủi thân nhất”.
Đôi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, suy nghĩ “giá mà mình sáng mắt” vẫn cứ hiện lên trong tâm trí của chàng sinh viên người Thái. “Có những hôm mình vội vội vàng vàng, mình muốn đi thật nhanh để đến nơi học hay về nhà thế nhưng vẫn không được. Đó chắc là những lúc tôi muốn mình được sáng mắt như mọi người. Tôi cũng hay nói đùa với bạn bè rằng, nếu tôi sáng mắt, tôi sẽ mua một chiếc xe máy, sẽ học lái xe máy và tự đi đến những nơi mình muốn trong Sài Gòn, sẽ ngắm nhìn Việt Nam qua đôi mắt để xem có như tôi hình dung. Nếu sáng mắt, tôi sẽ làm tốt hơn nữa, tốt hơn cả bây giờ…” - anh nói với nụ cười trên môi.
Anh cũng cho biết đó chỉ là những lần ít ỏi mà anh có suy nghĩ như vậy. Anh nói: “Rất may mắn là tôi không suy nghĩ về nó quá nhiều. Ngày nhỏ, ba mẹ cũng lo chữa trị đôi mắt cho tôi ở khắp nơi. Càng lớn, tôi lại càng không muốn tìm hiểu thêm về cách chữa trị đôi mắt nữa. Tới tuổi này rồi, nếu vẫn cứ loay hoay với đôi mắt này, tôi còn bao nhiêu thời gian để làm những việc ý nghĩa khác?”.
Apachit tâm sự, anh muốn dành nhiều thời gian để học tập và trải nghiệm những điều mới lạ hơn là ôm ấp những mơ mộng từ thuở còn bé. “Nếu cho tôi sáng mắt, tôi sẽ rất hạnh phúc. Nhưng cuộc sống thì không có chỗ cho những mơ mộng viển vông. Tôi nghĩ mình phải thực tế hơn” - anh bộc bạch.
Anh cho rằng mình khá may mắn khi kết giao được những người bạn Việt Nam rất tốt bụng. “Nếu đã không giúp thì thôi, một khi giúp là họ giúp đến cùng. Không có những bạn bè người Việt này, tôi sẽ không học được tiếng Việt tốt như vậy, sẽ không có ai giúp đỡ đánh máy từ sách ra cho tôi, giúp tôi đi lại, sinh hoạt và mở lớp dạy học”.
Là người bạn, người đồng nghiệp thân thiết với Apachit nhiều năm, chị Cao Thị Minh Tâm, giáo viên dạy tiếng Anh trực tuyến chia sẻ: “Anh là người tôi rất khâm phục, không chỉ trình độ học vấn mà còn cả sự cố gắng đến khủng khiếp của anh. Tôi quen biết anh trên một trang mạng học ngoại ngữ, sau một thời gian dài chia sẻ tiếng Việt và tiếng Anh với anh, tôi vẫn không biết anh là người khiếm thị. Anh thậm chí còn chơi guitar điện và có cả một ban nhạc của mình”.
Chị Tâm cũng là một trong những “giáo viên tiếng Việt” không chuyên của anh. Chị cho biết, trước khi học cùng chị, trình độ tiếng Việt của anh đã rất giỏi. “Khi làm việc cùng anh, anh luôn là người tỏa ra năng lượng tích cực. Gặp khó khăn, anh là người bình tĩnh hơn cả. Anh cứ cười trước, rồi bắt đầu xử lý từng việc một. Đó chính là điểm tôi khâm phục nhất khi làm việc cùng anh” - chị Tâm cho biết.
Hiện tại, anh và chị Tâm có một trang điện tử mang tên Tiếng Thái thiết thực để dạy tiếng Thái cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người Thái. Chàng sinh viên Apachit đã giảng dạy online được hơn hai năm. Vào năm ngoái, anh cùng chị Tâm tìm được địa điểm và bắt đầu dạy tiếng Thái tại nhà cho những học viên của mình. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nhà giáo, từ ba mẹ, em trai, em gái và em dâu đều là giáo viên, anh cho rằng mình sở đắc ít nhiều khả năng sư phạm của ba mẹ.
Sắp tới, chàng sinh viên Khoa Việt Nam học sẽ dành nhiều thời gian hơn để phát triển trang điện tử dạy tiếng Việt của mình. Apachit tâm sự: “Khó khăn lớn nhất của tôi là sắp xếp thời gian vừa học vừa dạy tiếng Việt cho người Thái và ngược lại sao cho hợp lý. Tôi cũng rất muốn mở một trung tâm dạy tiếng Thái nhưng tôi không rành về các thủ tục giấy tờ. Vậy nên, tôi sẽ dành thời gian cho trang web tiếng Thái của mình để dạy những người không có điều kiện đến lớp, cả về thời gian lẫn chi phí học tập”.
NGUYỄN NHUNG (Bản tin ĐHQG-HCM số 195)
Hãy là người bình luận đầu tiên