Đối tác doanh nghiệp

Trường Đại học Quốc tế - Trường đại học vì cộng đồng

  • 09/10/2024
  • Trong suốt hành trình 20 năm đồng lòng và tận tâm với sứ mệnh giáo dục, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQT - ĐHQG-HCM) không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền tải năng lượng sáng tạo và truyền cảm hứng bằng các hoạt động ý nghĩa, thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng và địa phương. Giá trị cốt lõi "Chất lượng - Sáng tạo - Chính trực - Trách nhiệm" không chỉ là khẩu hiệu, mà chính là nguồn lực, là động lực mạnh mẽ để mỗi cá nhân và tập thể nhà trường chủ động đóng góp vào xã hội, cùng nhau xây dựng một thế giới bền vững.

    CAM KẾT MẠNH MẼ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ CHO CỘNG ĐỒNG

    Chuyển giao công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương và khu vực. Trường ĐHQT là một trong những đơn vị tiên phong hỗ trợ và phát triển lĩnh vực này.

    Từ cuối năm 2013, Trường ĐHQT đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Đây là một đơn vị chuyên trách có nhiệm vụ quan trọng trong việc tìm hiểu về nhu cầu, định hướng và chiến lược phát triển của địa phương, doanh nghiệp và xã hội. Trung tâm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giảng viên của nhà trường với cộng đồng, tạo điều kiện cho việc ký kết hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề địa phương, doanh nghiệp và xã hội quan tâm. 

    Đoàn nhà khoa học trường ĐHQT làm việc tại công ty Cao Cao Đức Trọng năm 2023 

    Năm 2019, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội. Đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố then chốt, góp phần quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ cho cộng đồng địa phương. Ứng dụng tiên tiến của công nghệ đã tạo ra những đột phá mạnh mẽ trong sản xuất, dịch vụ và giải quyết các vấn đề xã hội. Điều này củng cố vai trò không thể thiếu của đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển giao công nghệ và mở ra triển vọng hứa hẹn cho tương lai. Để đáp ứng tốt hơn với xu hướng và nhu cầu này, Đảng ủy và Ban Giám hiệu của nhà trường đã quyết định sát nhập Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cùng với Trung tâm Ươm tạo công nghệ và khởi nghiệp, hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. 

    Trong giai đoạn 10 năm (2013 – 2024), Trường ĐHQT đã và đang thực hiện 28 hợp đồng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các tỉnh/địa phương với tổng kinh phí lên đến hơn 34 tỷ đồng cho 16 tỉnh/địa phương. Đồng thời nhà trường cũng đã ký kết hợp đồng dịch vụ và chuyển giao công nghệ với khoảng 8 doanh nghiệp. Ngoài ra, hơn 25 Biên bản Ghi nhớ Hợp tác (MOU) đã được ký kết giữa nhà trường với UBND các tỉnh, sở, ban, ngành và doanh nghiệp. Qua đó, mỗi năm nhà trường đã gửi 25-30 đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ cho các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Cà Mau nhằm gia tăng số lượng đề tài nghiên cứu và chuyển giao. 

    Để duy trì và mở rộng sự gắn kết và phối hợp trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với địa phương, nhà trường tổ chức từ 12 đến 15 chuyến công tác mỗi năm. Những chuyến công tác này không chỉ là cơ hội để khảo sát, tìm hiểu nhu cầu và trao đổi thông tin, mà còn để ký kết biên bản ghi nhớ, thực hiện các đề tài nghiên cứu, báo cáo tiến độ đề tài và tham gia vào các hội chợ triển lãm khoa học và công nghệ và các cuộc thi khởi nghiệp. Trải qua thời kỳ khó khăn của đại dịch Covid-19 (2020-2021), việc tiến hành các chuyến công tác đến địa phương đã gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ vào sự phát triển của công nghệ chuyển đổi số, nhà trường vẫn duy trì và mở rộng mối quan hệ với các địa phương. Mỗi năm, nhà trường tiếp tục ký kết trung bình 2 đề tài nghiên cứu với kinh phí ước tính khoảng 2 tỷ đồng, đóng góp một phần quan trọng vào việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh khó khăn này. Điều này thể hiện sự linh hoạt và sáng tạo của nhà trường trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

    Trường ĐHQT là một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, từ công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, kỹ thuật y sinh, quản lý công nghiệp, chuyển đổi số, điện tử viễn thông, tự động hóa, du lịch đến cơ chế chính sách nhà nước và nhiều lĩnh vực khác. Trường đã kết nối các nhóm nghiên cứu của trường cùng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cung cấp giải pháp hữu ích cho sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương và doanh nghiệp.

    Trường ĐHQT cam kết tiếp tục tăng cường và phát triển nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho tỉnh và địa phương cũng như doanh nghiệp. Đồng thời, chiến lược nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cũng sẽ linh hoạt hơn và thích nghi với nhu cầu cụ thể của khu vực địa phương và doanh nghiệp; kết hợp nguồn lực giữa các bên cũng như thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo các bên. Từ đó nâng cao giá trị của nghiên cứu và công nghệ chuyển giao, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương.     

    Các nhà khoa học trong đoàn của trường ĐHQT làm việc với bà con tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận năm 2024
    Các nhà khoa học trong đoàn của trường ĐHQT làm việc với bà con tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận năm 2024 

    TRỞ THÀNH ĐIỂM SÁNG TRONG CỘNG ĐỒNG HỆ SINH THÁI ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ KHỞI NGHIỆP MỞ CỦA ĐẤT NƯỚC 

    Là một trong những đơn vị hoạt động tích cực trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại TP.HCM, Trường ĐHQT tự hào là bệ đỡ vững vàng cho viên chức, người lao động và sinh viên hình thành các ý tưởng sáng tạo và bước đầu triển khai các dự án khởi nghiệp/lập nghiệp góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn xã hội. 

    Năm 2017, Trường ĐHQT đã thành lập Trung tâm Ươm tạo công nghệ và khởi nghiệp (TISC), sau đó sáp nhập vào Trung tâm Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ (CITT) vào năm 2019. Trung tâm chuyên trách thực hiện các hoạt động thúc đẩy, rèn luyện tư duy, nâng cao kiến thức và bồi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp cũng như tìm kiếm, tư vấn, kết nối chuyên gia và hỗ trợ dự án.

    Chú trọng xây dựng tư duy đổi mới sáng tạo hướng đến lợi ích cộng đồng cho sinh viên, các hoạt động Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (ĐMST & KN) của Trường ĐHQT tập trung vào ba cột mốc đầu tiên của Hành trình doanh nhân (The Entrepreneur's Journey của Techstars - Startup Weekend), gồm: “Inspire-Learn- Founder”. Nhà trường đã lan tỏa, truyền cảm hứng cho hơn 5.000 cán bộ-giảng viên và sinh viên trong việc hình thành gần 500 ý tưởng sáng tạo/dự án khởi nghiệp thông qua hơn 150 sự kiện với sự đồng hành của gần 200 lượt cựu sinh viên, chuyên gia, doanh nhân, tổ chức ươm tạo trong và ngoài nước.

    Các nhà khoa học trong đoàn của trường ĐHQT làm việc với bà con tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận năm 2024 

    Với môn học “Entrepreneurship” được quy định tại một số khoa/bộ môn, ngày hội đổi mới sáng tạo IU Innovation Story Day và hội trại sáng tạo IU Innovation Camp, sinh viên được tiếp cận, truyền cảm hứng, học hỏi nhiều kiến thức cơ bản về ĐMST & KN. Từ đó, những ý tưởng thô sơ, các dự án khởi nghiệp được hình thành từ “nỗi đau”, khó khăn của chính bản thân sinh viên, hướng đến giải quyết vấn đề của cộng đồng xung quanh, mang nhiều giá trị xã hội và tính thực tiễn. Các ý tưởng được rèn thêm khi tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn, đặt những bước trải nghiệm đầu tiên tại cuộc thi khởi nghiệp cấp trường IU Startup Demo Day, được hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm thông qua hoạt động Mentoring 1-on-1 và chương trình ươm tạo dự án.

    Bên cạnh đó, trường cũng đồng hành với các đối tác như Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ĐHQG-HCM (IEC), Andrews University (Hoa Kỳ,) Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Vườn ươm Công nghệ cao (SHTP-IC)… tổ chức nhiều chương trình quy mô lớn để tạo môi trường thực thi, cơ hội để các dự án phát triển trong tương lai và những tác động tích cực cho cộng đồng.

    Với những nỗ lực hoạt động và các đóng góp cho cộng đồng ĐMST & KN trong 5 năm qua, Trường ĐHQT ghi nhận hơn 20 giải thưởng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, ngoài những giải thưởng khác nhau, trường ĐHQT còn luôn có tên trong TOP 10 Giải thưởng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM (i-Star) 4 năm liền (2019-2022) dành cho tổ chức có đóng góp tích cực cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do UBND TP.HCM chủ trì.

    Trong thời gian tới, Trường ĐHQT tiếp tục nhân rộng quy mô và nâng chất các chương trình ĐMST & KN trong sinh viên, từng bước xây dựng các quy trình hỗ trợ và ươm tạo dự án tiềm năng, hoàn thiện không gian làm việc sáng tạo cho các dự án.

    Bên cạnh đó, với thế mạnh là một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, từ công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, kỹ thuật y sinh, quản lý công nghiệp, chuyển đổi số, điện tử viễn thông, tự động hóa, du lịch đến cơ chế chính sách nhà nước và nhiều lĩnh vực khác, Trường ĐHQT đã kết nối các nhóm nghiên cứu của nhà trường cùng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ đồng thời cung cấp giải pháp hữu ích cho sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương và doanh nghiệp.

    HỖ TRỢ NGƯỜI NÔNG DÂN TỈNH BÌNH THUẬN - NINH THUẬN

    Vừa qua, các nhà khoa học của Trường ĐHQT đã đến tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận nhằm kết nối các nông dân (là người dân tộc thiểu số) để khảo sát thực trạng sản xuất nông nghiệp, bảo quản và chế biến nông sản nhằm đưa ra giải pháp công nghệ sau thu hoạch, kết nối cung cầu.

    Trong suốt chuyến đi, đoàn các nhà khoa học của trường ĐHQT đã cùng với ThS. John Joshua Coward, Chuyên viên Viện Nghiên cứu Giáo dục về Môi trường, đại diện Trung tâm RCE British Columbia và North Cascades tại Đại học Simon Fraser đã dành nhiều thời gian đến thăm các cộng đồng bản địa khác nhau (Người Chăm ở Bình Thuận và Người Raglai ở Ninh Thuận) và có những tương tác đầy ý nghĩa với các nông dân ở đây. 

    Đoàn đã tiến hành khảo sát kỹ thuật canh tác đối với cây lúa, điều, nho và táo ta ở Bình Thuận và nha đam ở Ninh Thuận. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Hợp – Trưởng Khoa Kỹ thuật và Quản lý công nghiệp, thành viên đoàn chuyên gia, những kỹ thuật của bà con nông dân tại đây đa số đều được truyền qua nhiều thế hệ, dựa trên mối liên hệ sâu sắc với đất đai và thiên nhiên. “Các trang trại địa phương gặp phải các vấn đề liên quan đến cung – cầu, bảo quản nông sản, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và thiếu nước ngọt, dẫn đến sự chuyển đổi tạm thời và chưa bền vững trong hoạt động nông nghiệp”, PGS.TS. Hợp chia sẻ. 

    Đoàn công tác cũng đến thăm Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt, một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm làm nha đam tại tỉnh Ninh Thuận. TS. Trần Thị Ngọc Diệp – Trưởng Trung tâm Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trường ĐHQT – cho biết: “Doanh nghiệp Cánh Đồng Việt vẫn được xem như là một hình mẫu của địa phương về các hoạt động bền vững. Nhiều năm qua công ty đã thiết lập chuỗi giá trị ổn định và thúc đẩy phúc lợi xã hội cho lực lượng lao động, đặc biệt là cộng đồng bản địa”.

    Các chuyên gia đã thực hiện các khảo sát và từ đó đã chỉ ra các vấn đề tại các địa phương đang được thế giới quan tâm. TS. Nguyễn Đình Uyên – Giảng viên Khoa Điện – Điện tử, chuyên gia của nhóm – chia sẻ: “Nhóm khảo sát mong muốn thúc đẩy các hoạt động bền vững, cộng tác với các bên liên quan nhằm đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nông nghiệp địa phương và cải thiện sinh kế của những nông dân gặp khó khăn trước các hiểm họa biến đổi khí hậu”.

    Nhóm chuyên gia hy vọng, chuyến đi sẽ giúp cho nền nông nghiệp Việt Nam nói chung được phát triển bền vững, và đặc biệt từ đó sẽ hỗ trợ người nông dân tại huyện Phan Hòa, Phan Thành – Bắc Bình, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và huyện Phan Rang – Tháp Chàm, huyện Bắc Sơn – Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

    Bích Ngọc - Phòng Quan hệ đối ngoại, Trường Đại học Quốc tế

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên