Địa phương

Chương trình Tây Nam bộ: 49 nhiệm vụ KHCN đã được thực hiện

  • 11/07/2017
  • Ngày 5/7, tại Đồng Tháp, ĐHQG-HCM, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo Chương trình Tây Nam bộ: Kết quả thực hiện và định hướng nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2018-2019. Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành trung ương, các tỉnh địa phương và các nhà khoa học.
    PGS.TS Huỳnh Thành Đạt chủ trì tại Hội thảo.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết, chương trình KH&CN cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ” (gọi tắt là Chương trình Tây Nam bộ) được Bộ KH&CN phê duyệt từ năm 2014 giao cho ĐHQG-HCM và Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam đồng tổ chức. Trong đó, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chủ trì thực hiện và quản lý các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực KHXH&NV và phát triển bền vững; ĐHQG-HCM phụ trách các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực KHTN, công nghệ và môi trường.

    Trong hai năm qua, ĐHQG-HCM và Viện Hàn Lâm KHXH VN đã thống nhất với 13 tỉnh Tây Nam bộ về định hướng KH&CN, hướng ưu tiên của vùng, các địa phương làm căn cứ đề xuất đặt hàng và phối hợp tuyển chọn nhiệm vụ KH&CN. Đến nay đã có 49 nhiệm vụ KHCN được triển khai.

    Về mảng KHXH&NV và phát triển bền vững, từ 152 đề xuất của địa phương, các nhà khoa học tuyển chọn 15 đề tài gửi Bộ KH&CN hiệp y và Bộ đã chấp thuận 14 đề tài. Từ năm 2015-2017, có tất cả 24 nhiệm vụ mảng KHXH&NV và phát triển bền vững được thực hiện.

    Hơn 200 đại biểu tham dự Hội thảo.

    Về mảng KHTN, công nghệ và môi trường, ĐHQG-HCM tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp. Trong đó, nổi bật là các nghiên cứu về chuỗi giá trị cây lúa, tôm, cá, trái cây; về kinh tế vùng, liên kết vùng, đa dạng hóa phụ phẩm ngành sản xuất lúa gạo; về hạn hán, ngập mặn, xử lý nước, trữ nước, sạt lở, bồi lắng…

    Trong năm đầu tiên, ĐHQG-HCM chọn bốn nhiệm vụ trọng tâm của vùng, tất cả đều có sản phẩm khoa học và đang chuẩn bị hồ sơ để đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ. Tiêu biểu là các nghiên cứu về sử dụng hiệu quả nguồn phế phụ phẩm sinh khối (trấu) làm năng lượng; ứng dụng công nghệ plasma lạnh để xử lý nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản; xây dựng hệ thống thông tin địa lý MGIS giúp các tỉnh có cơ sở dữ liệu chuẩn thống nhất để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư và người dân.

    Một trong những điểm nhấn của Chương trình là sự hợp tác thành công với Cộng hòa Liên bang Đức trong việc thực hiện nhiệm vụ đối ứng dự án Catch Mekong.

    Trong năm 2016, ĐHQG-HCM đã tăng gấp đôi nhiệm vụ KHCN. Trong đó có những nhiệm vụ bám sát đời sống người dân Tây Nam bộ như xây dựng và triển khai mô hình liên kết chuỗi giá trị cho cây có múi (bưởi, cam sành); cải thiện giá trị nấm rơm, lúa gạo, tôm; giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế xói lở, bồi lắng cho hệ thống sông; nghiên cứu biến đổi sinh thái hạ lưu sông Mekong; ứng dụng giải pháp bê tông cốt phi kim nhằm tăng cường các công trình kè chắn sóng ven biển…

    Từ năm 2017, ĐHQG-HCM triển khai thêm 13 nhiệm vụ KHCN, tập trung vào các vấn đề mới phát sinh tại Tây Nam bộ như nghiên cứu giống lúa chịu mặn, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với hạn mặn; nghiên cứu và phát triển chế phẩm nông nghiệp cho y học, trồng trọt một số loài cây thuốc; nghiên cứu mở rộng về cá tra, nghêu, tôm nước lợ, bảo vệ nguồn lợi hải sản…

    Đến năm 2019, Chương trình Tây Nam bộ sẽ được nghiệm thu và công bố kết quả.

    THÁI VIỆT

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên